Gian nan phủ xanh 91 ha rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Việc triển khai phủ xanh 91 ha rừng ngập mặn ven biển Hà Tĩnh đang gặp nhiều gian nan; đặc biệt là rừng bị chết hàng loạt nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân trồng rừng ngập mặn tại xã Thạch Sơn năm 2020.

Hàng chục hecta rừng mới trồng bị chết...

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân (Thạch Hà) là một trong các nhà thầu tham gia thực hiện dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại các xã: Thạch Sơn - Thạch Hà và Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Trinh - TX Kỳ Anh (Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư).

Dù đây là đơn vị có kinh nghiệm trồng rừng, lựa chọn giống chất lượng tốt, quá trình chăm sóc và bảo vệ cây non rất cẩn thận nhưng khoảng 5 tháng trở lại đây nhiều diện tích rừng trồng sắp được 3 năm tuổi của đơn vị ở TX Kỳ Anh vẫn bị chết (theo hợp đồng thì 4 năm là bàn giao rừng).

Những cánh rừng ngập mặn mới trồng ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh) đang bị chết không rõ nguyên nhân.

Ông Nguyễn Trọng Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân cho biết: “Dù có diện tích rừng bị chết ít hơn nhiều so với các nhà thầu khác nhưng đơn vị vẫn có đến 4 ha bị chết (thiệt hại hơn 30% tổng diện tích) không rõ nguyên nhân. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chăm sóc số diện tích còn lại gắn với trồng hỗn loài gồm: trang, bần chua, đước vòi theo phương án mới điều chỉnh của UBND tỉnh (trước đây dự án thiết kế trồng cây bần chua) với hi vọng tăng khả năng thành rừng vào cuối năm 2023 để bàn giao cho chủ đầu tư”.

Không chỉ có rừng bần chua của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân hư hại mà các diện tích rừng ngập mặn được trồng vào các năm 2019 và 2020 thuộc Dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu của Công ty Trồng rừng ngập mặn Hà Nội (gần 14 ha ở xã Kỳ Hà) và Công ty JP 38 (hơn 17 ha ở phường Kỳ Trinh) cũng đồng loạt bị chết khoảng 50% diện tích, cá biệt có nhiều vị trí bị chết trắng. Việc trồng dặm, phục hồi để thành rừng hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều diện tích bần chua trồng năm thứ 3 ở xã Kỳ Hà bị chết.

Tương tự, 25 ha rừng ngập mặn được trồng ở xã Thạch Hạ và Đồng Môn của dự án Đầu tư thí điểm xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật ươm cây rừng ngập mặn và trồng mới cây rừng ngập mặn tại thành phố Hà Tĩnh (cũng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư) có nhiều diện tích bị chết. Hiện nay, rừng mới trồng (năm 2018 - 2021) ở 3 gói thầu thuộc dự án này đang trong giai đoạn chăm sóc, bảo vệ nhưng rất thưa vì bị chết nhiều do các nguyên nhân khác nhau. Cá biệt có khu vực rộng khoảng 5 ha cây mới cao khoảng 40 cm, cây chỉ mọc lác đác, rất khó thành rừng để kịp bàn giao vào cuối năm 2023.

Ông Đào Thanh ở thôn Tiền Tiến (xã Đồng Môn) cho hay: “Hệ thống rừng ngập mặn cũ ven đê Đồng Môn bị chết nhiều nên khi được trồng bổ sung mới nhiều diện tích chúng tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, vì cứ trồng được vài năm là cây bị chết nên chúng tôi lại thấy lo ngại. Ngoài bảo vệ số diện tích đang có, chúng tôi mong các cấp, các ngành khắc phục trình trạng sâu bệnh phá hoại gắn với trồng dặm lứa mới để các diện tích đất bãi bồi ven sông được phủ xanh”.

Những khoảnh rừng thưa thớt thuộc dự án Xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật ươm rừng ngập mặn tại thành phố Hà Tĩnh ở khu vực giáp ranh giữa xã Thạch Hạ với xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh).

Ông Đào Xuân Hiên - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho hay: "66 ha rừng ngập mặn mới trồng ở Thạch Hà và TX Kỳ Anh có tổng mức đầu tư 30,7 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn mục tiêu quốc gia, tỉnh đối ứng 1 phần nhỏ), còn 25 ha rừng ngập mặn ở thành phố Hà Tĩnh có mức đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng do Chính phủ Bỉ tài trợ không hoàn lại.

Tất cả đều do đơn vị làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2018 và đang được các nhà thầu trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ. Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa (cuối 2023) là kết thúc cả 2 dự án (cuối năm 2023) nhưng việc triển khai hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng cây bị chết”.

Lãnh đạo TX Kỳ Anh và các phòng, ngành chuyên môn kiểm tra rừng bị chết tại xã Kỳ Hà vào tháng 7/2022.

Chưa tìm ra nguyên nhân để xử lý dứt điểm

Hiện tượng rừng ngập mặn ở TX Kỳ Anh đồng loạt bị chết trong thời gian gần đây (trong đó có khoảng 20 ha rừng mới trồng) là đáng báo động, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hữu hiệu theo hướng bền vững.

Phó Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung thông tin: “Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện chúng tôi chưa thể mời, hợp tác với các chuyên gia, đơn vị đầu ngành trong trong nước về làm việc một cách chính thống, bài bản, chính xác nên chưa thể kết luận được nguyên nhân gây chết rừng ngập mặn trên địa bàn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia (đến với tư cách cá nhân và có nhận định chỉ mang tính chủ quan) thì rừng bị chết có khả năng vì nhiều lý do như chênh lệch độ mặn, sốc môi trường nước, khí hậu khắc nghiệt, tuổi thọ của cây thuộc rừng cũ, các loài cây mới trồng chưa phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu...”

Những thân cây rừng ngập mặn ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) bị sâu bệnh hại chết.

Được biết, để giải quyết vấn đề rừng bị chết, chủ đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh loài trồng và đã được chấp thuận. Theo đó, các nhà thầu được phép thay đổi từ việc trồng đơn loài (bần chua) sang hỗn loài (trang, bần chua, đước vòi) tại những nơi bị chết với hi vọng tạo sự đa dạng sinh thái, hạn chế sâu bệnh và tăng khả năng tái sinh rừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chết rừng thì nó chỉ mang tính giải pháp tạm thời.

Ông Nguyễn Trọng Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân chia sẻ: “Ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định cho phép trồng hỗn loài, chúng tôi đã bắt tay ngay vào trồng dặm 5.000 cây trang và đước vòi vào khu vực bần chua, hiện nay tất cả đều sống. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định có thành công hay không vì cần phải có thời gian kiểm chứng và phải tìm được nguyên nhân gây chết rừng hàng loạt tại TX Kỳ Anh. Hiện, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để khắc phục tình trạng cây bị chết”.

Với hiện trạng này, nhiều diện tích rừng mới trồng ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) sẽ khó thành rừng sau hơn 1 năm nữa.

Đối với những cánh rừng ngập mặn ở TP Hà Tĩnh nhiều lần bị chết hiện nay cũng chưa có biện pháp khác phục hữu hiệu. Những vùng chất đất xấu hoặc bị rác, bèo tây tấn công, triều cường gây ngập kéo dài thì cây vẫn bị chết, mật độ che phủ rất thưa. Riêng đối với 13 ha ở thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn vẫn đang trong tình trạng bị sâu bệnh phá hoại (bị hà, sôn đeo bám, đục thân làm chỗ trú ngụ) chưa ngăn chặn được.

Rừng trồng năm 3 của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Nhân ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) hiện đang phát triển tốt nhất,

Có thể nói, việc phủ xanh các cánh rừng ngập mặn để bảo vệ cảnh quan, môi trường, giảm nhẹ thiên tai... là việc cần phải làm và thực tế cũng đã tiêu tốn nhiều công sức, tiền của. Vì vậy các cấp, các ngành, các đơn vị (nhất là TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, chủ đầu tư và các nhà thầu) cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm chấn chỉnh, xử lý các vấn đề có liên quan.

Dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Còn dự án Đầu tư thí điểm xây dựng vườn ươm, hướng dẫn kỹ thuật ươm cây rừng ngập mặn và trồng mới cây rừng ngập mặn tại thành phố Hà Tĩnh thuộc chương trình “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh”, do Chính phủ Bỉ tài trợ không hoàn lại.

Cả 2 dự án được các nhà thầu bắt đầu trồng đại trà vào năm 2018 đến 2019, từ đó đến nay thực hiện chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm những diện tích bị chết, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ thành rừng. Các dự án này hướng tới mục tiêu phủ xanh các diện tích bãi bồi ven sông, ven biển ở Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, qua đó góp phần giảm nhẹ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ mạch nước ngầm, tránh nước mặn xâm thực, nâng cao ý thức của cộng đồng đối với bảo vệ những “lá phổi xanh” ven biển...

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói