Giọng quê

(Baohatinh.vn) - Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Mỗi tỉnh thành đều như thế, huyện xã cũng thế, thậm chí làng với làng cách nhau một con sông, một bờ đê cũng đã hai giọng nói khác biệt.

Đi làm về, vừa đến ngõ đã nghe tiếng chào: “Mi đi mần về rồi à?”. Nghe cái giọng vừa lạ vừa quen, ngờ ngợ, thân thương, tôi vội đảo mắt tìm. Thì ra là o (cô) hàng xóm ở trong Sài Gòn vừa mới về quê. Câu hỏi cũng là câu chào vốn là thói quen của dân quê mình. Nghe tiếng o, tôi bỗng rưng rưng xúc động. Theo chồng rời quê công tác đã hơn 40 năm, vậy mà o vẫn một giọng quê không pha tạp. Ắt hẳn niềm quê trong lòng người xa xứ như o lớn lắm.

Niềm quê trong lòng người xa xứ thường rất lớn... Ảnh tư liệu

Còn nhớ, nhà thơ Hạ Tri Chương nổi tiếng thời Đường (Trung Quốc), năm mươi năm làm quan ở kinh thành, vậy mà khi già trở về quê hương vẫn “Hương âm vô cải, mấn mao tồi” (giọng quê không đổi sương pha mái đầu) dẫu cảnh cũ người xưa đã thay đổi. Còn nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, lo toan việc nước, ngày về lại Làng Sen, nói chuyện với bà con dân làng vẫn chân chất giọng quê... Đâu phải cứ quan cao tước lớn, xa nhà quá lâu thì giọng quê thay đổi.

Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Mỗi tỉnh thành đều như thế, huyện xã cũng thế, thậm chí làng với làng cách nhau một con sông, một bờ đê cũng đã hai giọng nói khác biệt.

Giọng quê cứ thế đời này di truyền qua đời khác thành mạch nguồn di sản, thành hồn cốt của quê hương. Giọng quê mình, có phải vì nắng mưa lam lũ, vì đất cằn sỏi đá mà nằng nặng thổ âm, chênh vênh hỏi ngã, phong phú từ địa phương. Thậm chí, có người còn kỳ công tạo nên bộ từ điển cho tiếng quê. Giọng quê mình có khi nhọc nhằn như đường cày bừa của cha, cũng có khi ngọt ngào như lời ru của mẹ. Lời yêu thương dẫu thô vụng mà chân thành cất lên thành lời ca điệu ví. Giọng quê, sau bao biến thiên dâu bể, tao loạn nổi chìm thành biên niên sử của làng ghi lại mọi chứng tích.

Mỗi miền quê, vì điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay nguồn nước nên có một đặc trưng thổ âm riêng. Ảnh tư liệu

Cuộc sống hiện đại, dân quê mình không còn bó buộc cuộc đời sau lũy tre làng. Công việc không chỉ đơn thuần làm bạn với hạt lúa, củ khoai. Có người rời quê đi học, đi làm nơi thành phố; có người rời làng đi xứ khác mưu sinh; thậm chí có người bôn ba khắp năm châu bốn bể.

Dẫu nơi đâu, nghe giọng nói nằng nặng “mô, tê, răng, rứa...” là lại làm quen chào hỏi, rồi nhận ra nhau là đồng hương, rồi cưu mang, giúp đỡ nhau nơi đất khách quê người. Có thể, vì công việc, cuộc sống mưu sinh mà ta phải nói giọng phổ thông cho dễ hiểu. Nhưng khi trở về với làng quê thì lại cởi bỏ hết tất cả để được hồn quê thuần nhất sáng trong. Nếu như phố thị là sự chọn lọc tự nhiên, sự giao thoa mà tạo nên hồn phố; thì quê nhà chính là sự chất phác, truyền thống mà tạo thành hồn quê.

Thương giọng quê mình nhiều trắc trở, chênh vênh; lại thương cả những ai ở vùng miền khác vì nhân duyên mà làm dâu, làm rể quê mình là phải học thêm một “ngoại ngữ”. Chợt nhớ rồi chợt thương như những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong “Tiếng Nghệ”: “Em cười bối rối mà thương/ Thương em một lại trăm đường thương quê”.

“Cuộc sống xứ người, cứ ao ước được về lại nơi chôn rau cắt rốn để nói một bữa giọng quê mình cho thỏa nỗi nhớ nhung”. Ảnh Internet

Xã hội ngày càng phát triển, khoảng cách vùng miền đã không quá xa xôi. Quê mang mặt phố, phố chứa hồn quê. Người quê mình đi khắp bốn phương tám hướng vẫn mang theo tiếng mẹ đẻ để làm hành trang tinh thần, để còn biết rằng phía ấy ta còn chốn để quay về. Để người còn biết rằng, giọng quê chắt từ sỏi đá khô cằn, nên yêu thương tình nghĩa càng đậm sâu. Để người xa xứ biết rằng, dẫu quê mình có phát triển bao nhiêu nữa thì vẫn còn đó giọng quê muôn đời không đổi.

Trò chuyện với o một lát về công việc, cuộc sống, o bỗng rưng rưng bảo: “Cuộc sống xứ người, cứ ao ước được về lại nơi chôn rau cắt rốn để nói một bữa giọng quê mình cho thỏa nỗi nhớ nhung”. Có gì đâu, chỉ đơn giản như giọng quê được nói giữa làng quê cũng thành nỗi khát khao của người xa xứ. Có phải bởi những điều như thế mà giọng quê mình muôn đời không pha tạp.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói