Được kỳ vọng là “phao cứu sinh” của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19, song dư nợ gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 (quy mô gói vay 40.000 tỷ đồng) vẫn chưa như mong đợi.
Vietcombank Hà Tĩnh là 1 trong 5 ngân hàng trên địa bàn phát sinh dư nợ gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm
Theo đó, hiện Hà Tĩnh có 5 ngân hàng (Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, Vietcombank Hà Tĩnh, Vietinbank Hà Tĩnh và ACB Hà Tĩnh) đã giải ngân cho 7 khách hàng (4 doanh nghiệp, 3 hộ kinh doanh) theo Nghị định 31 với doanh số cho vay được hỗ trợ trên 39,5 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ 136 triệu đồng.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh hiện là khách hàng duy nhất tại Vietcombank Hà Tĩnh được hưởng gói hỗ trợ này.
Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh) hiện là khách hàng duy nhất tại Vietcombank Hà Tĩnh hưởng gói lãi suất 2%/năm với doanh số cho vay 27,2 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ hơn 120 triệu đồng.
Theo ông Dương Quốc Khánh - Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh, chi nhánh đẩy mạnh truyền thông để khách hàng tiếp cận; chủ động rà soát khách hàng đủ điều kiện và hướng dẫn họ hoàn thiện thủ tục để được hưởng lãi suất ưu đãi song kết quả còn khiêm tốn.
Nguyên nhân chủ yếu do khách hàng hoạt động trong các ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo chính sách như: hàng không, xuất bản phần mềm, lập trình máy tính và hoạt động có liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin tại Hà Tĩnh rất ít. Bên cạnh đó, có những khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng không bổ sung được đầy đủ hồ sơ để hưởng chính sách như: không có hóa đơn tài chính, không có báo cáo tài chính được kiểm toán. Thậm chí có khách hàng từ chối hỗ trợ lãi suất do “ngại” phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán sau này.
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đang phát sinh dư nợ gói bù lãi suất 2%/năm với 2 khách hàng cá nhân. Ảnh minh họa
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đang phát sinh dư nợ với 2 khách hàng cá nhân, tổng dư nợ được hỗ trợ lãi suất 460 triệu đồng.
Chị Trần Thị Thuỷ (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Tháng 10/2022, gia đình đầu tư mua máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ cày thuê. Là đối tượng được hưởng chính sách và có đầy đủ hoá đơn chứng từ theo quy định nên chúng tôi được Agribank Hà Tĩnh II cho vay 260 triệu đồng theo gói bù lãi suất 2%/năm. Thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên được hỗ trợ phần nào đối với chúng tôi cũng rất quý”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Trưởng phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân (Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II): Dư nợ nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh chiếm trên 85% tổng dư nợ. Tuy nhiên, khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại địa bàn phần lớn là hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 31.
Ngoài ra, Hà Tĩnh đang triển khai một số chính sách hỗ trợ lãi suất cho các thành phần kinh tế gặp khó khăn sau dịch COVID-19 từ nguồn ngân sách tỉnh như: Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022- 2025, Nghị quyết 53/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt công cộng, Nghị quyết 81/2017/NQ-HĐND quy định một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo… Các chính sách này có đối tượng thụ hưởng trùng với chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 nhưng có mức hỗ trợ cao hơn và khách hàng đang thụ hưởng các chính sách này sẽ không được hỗ trợ theo Nghị định 31.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn của Hà Tĩnh lớn song khách hàng phần lớn là hộ gia đình không có đăng ký kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định 31.
Thời gian qua, NHNN tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, không để xảy ra trục lợi chính sách, khiếu kiện từ khách hàng. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các phản ánh liên quan đến chính sách.
Tuy nhiên, theo NHNN tỉnh Hà Tĩnh, kết quả triển khai chính sách này thấp còn xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên quan đến quy định của chính sách nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Cụ thể: khách hàng hoạt động đa ngành nghề trong đó có ngành nghề thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng rất khó tính toán, tách biệt số tiền vay sử dụng cho ngành nghề thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và ngành nghề khác.
Ngoài ra, khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 phải chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác. Tuy nhiên, ngân hàng khó xác định khoản vay của khách hàng đã được ngân sách cấp nào hỗ trợ chưa, chỉ có thể yêu cầu khách hàng cam kết nhưng vấn đề này chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể…
Vietinbank Hà Tĩnh chủ động triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
Căn cứ thực tiễn hiện nay, NHNN Việt Nam vừa yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.
Để gia tăng dư nợ chương trình này tại Hà Tĩnh, ngoài sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về thủ tục, hồ sơ để sớm hưởng chính sách.
Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Nghị định quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại với khách hàng là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thuộc một trong các đối tượng: (1) có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không; vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin, trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên. (2) có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố. Mức lãi suất hỗ trợ với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. |