Bệnh đạo ôn trở thành mối lo lây lan trên diện rộng
Mới đầu vụ đã phun trừ đạo ôn… 3 lần
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Chiên, tổ dân phố La Giang, phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) làm 3 sào giống lúa P6. Bắt đầu thời điểm bén mầm, đạo ôn đã xuất hiện, đến nay khi lúa bước vào kỳ đẻ nhánh cũng là lúc bà Chiên phải phun đến lần thứ 3 để trừ bệnh đạo ôn.
“Mấy sào ruộng P6 này năm nào cũng bị, có điều mọi năm phải đến kỳ lúa sắp trổ bông bệnh mới xuất hiện. Không như năm nay, bệnh xuất hiện sớm hơn và khó phòng trừ. Sào ruộng này tôi mới phun cách đây 10 ngày, nay lại phải phun lại vì bệnh vẫn lan rộng”, bà Chiên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Chiên đã phải phun đến lần thứ 3 cho sào ruộng P6 của gia đình bị nhiễm đạo ôn
Nhìn theo tay bà chỉ, những đám ruộng đã bị bệnh “ăn” khô đầu lá, lụi hẳn xuống và còi cọc. Trong diễn biến không thể phục hồi, bà phải cắt bỏ hết phần diện tích nhiễm để tránh mầm bệnh lây lan.
Hiện nay, Đức Thọ (20 ha) và thị xã Hồng Lĩnh (10 ha) là nơi có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cao nhất trong ba địa phương ghi nhận nhiễm bệnh. Điều đáng nói, tất cả diện tích này đều gây hại trên nhóm giống “cố hữu”: P6, Xi23 và NX30.
Một đám ruộng bị còi cọc, “ăn” lụi vì đạo ôn
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng KHKT& Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Trong số 10 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá thì có khoảng 2 ha nhiễm nặng với tỷ lệ nhiễm cục bộ có nơi 30- 45%. Nhiều nơi bà con đã tiến hành phun lần 2, lần 3. Đồng thời, trung tâm cũng hướng dẫn bà con bứt bỏ lá bệnh, vùn đất để tránh lây lan sang các ruộng khác, các giống khác”.
Mỗi vụ xuân, toàn tỉnh có khoảng 2.700 ha lúa P6, 1300 ha lúa Xi23, NX30. Chưa năm nào những giống lúa này “thoát” được đạo ôn trên lá và trở thành “mồi lửa” lây lan dịch bệnh nguy hiểm này.
Thời tiết nhiều sương mù - tiềm ẩn nguy cơ cao
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, cây lúa đang phát triển mạnh về thân lá, nhiều vùng bà con nông dân đang bón thúc mạnh cho cây đẻ nhánh, sinh trưởng. Trong điều kiện thời tiết ấm ẩm, nhiều sương mù, yếu ánh sáng như những ngày qua sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển”.
Thời tiết âm u, thiếu ánh sáng càng khiến cho lúa nhiễm bệnh nặng hơn và lây lan nhanh hơn
Cũng theo ông, cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra dịch bệnh, hướng dẫn phòng trừ ở từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Theo đó, ngừng bón đạm vùng nhiễm bệnh, phun phòng trừ các loại thuốc bảo vệ thực vật có hướng dẫn.
Mặc dù bệnh vẫn nằm trong vùng kiểm soát tốt, nhưng một khi đồng ruộng đã xuất hiện giống nhiễm bệnh, cộng với thời tiết bất lợi thì bệnh dịch có thể “thổi bùng” lên hàng nghìn ha chỉ trong vài ngày.
Theo khuyến cáo, khi phát hiện ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn, bà con cần phải ngừng bón đạm và không sử dụng phân bón lá có chứa đạm
Vụ xuân 2017 là một bài học đắt giá, trong khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, diện tích sử dụng giống mẫn cảm lớn và sự chủ quan với bệnh dịch đã khiến hơn 20.000 ha lúa xuân bị thiệt hại, đẩy tình hình kiểm soát dịch bệnh của ngành chuyên môn vào thế bất khả kháng.
Giải pháp tối ưu mà ngành nông nghiệp Hà Tĩnh khuyến cáo vẫn là tăng cường dự tính dự báo, xử lý khoanh vùng, tránh lây lan ra nhiều loại giống trên diện rộng.