Hạnh phúc, tự hào là điều dưỡng, hộ sinh Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đó là nội dung xuyên suốt trong 48 tác phẩm được các điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Tĩnh gửi gắm qua cuộc thi viết về ngành điều dưỡng.

Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam (26/10/1990 - 26/10/2020), ngành y tế Hà Tĩnh đã tiến hành nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó có cuộc thi thi viết “Tự hào là điều dưỡng, hộ sinh”.

Các điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện PHCN tỉnh hướng dẫn, chăm sóc cho các bệnh nhân nhi.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Hà Tĩnh cho biết: Mục tiêu lớn nhất của cuộc thi là khơi dậy lòng tự hào nghề nghiệp, động cơ phấn đấu, ý chí quyết tâm đổi mới nhận thức, thái độ, hành động, phong cách phục vụ trong công tác điều dưỡng - chăm sóc người bệnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành y tế, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Tâm thân chăm sóc chu đáo cho người bệnh (Ảnh: Nguyễn Đình Thiện).

Ban tổ chức đã đón nhận được 48 tác phẩm của các điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Mỗi tác phẩm đều có cách thể hiện khác nhau, tuy nhiên tất cả đều phản ánh được những vất vả, khó khăn, những cảm xúc, niềm vui và có cả những trăn trở với nghề. Bao trùm lên tất cả là niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự thành công, hạnh phúc với nghề đã chọn.

Trong bài viết có tựa đề “Tôi đã sống với nghề điều dưỡng như thế” của điều dưỡng Hoàng Thúy Anh (BVĐK huyện Cẩm Xuyên), với 30 năm trong nghề, chị đã chia sẻ một cách chân thực những trải nghiệm với công việc, với bao cung bậc cảm xúc, từng bước trưởng thành trong nghề.

Điều dưỡng Hoàng Thúy Anh - BVĐK huyện Cẩm Xuyên luôn tự hào sâu sắc về nghề.

“Đã 30 năm trong nghề điều dưỡng - những “mùa quả ngọt” cứ thế đến dần với tôi. Niềm vui của người bệnh khi ra viện, sự thấu hiểu, động viên từ người bệnh và gia đình, sự ghi nhận về vai trò, nhiệm vụ công tác điều dưỡng của các cấp; những đề tài khoa học được ngành, tỉnh công nhận, những tấm bằng khen, danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh ghi nhận những đóng góp của bản thân trong công việc thầm lặng của người điều dưỡng… Tất cả lại tiếp thêm cho tôi sức mạnh, tình yêu để tôi sống trọn với cái nghiệp của đời mình” - chị Thúy Anh viết.

Còn đối với điều dưỡng Trần Lệ Xuân - Khoa Nhi (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh), chị yêu ngành mình đã chọn và hạnh phúc mởi mỗi ngày được yêu thương, chăm sóc người bệnh.

Đối với chị Trần Lệ Xuân, điều dưỡng nhi khoa như người mẹ thứ hai chăm sóc các con.

Tham dự cuộc thi với bài viết “Điều dưỡng nhi khoa như bàn tay mẹ”, chị đã giúp người đọc cảm nhận được một bức tranh sinh động, đầy ắp tình thương, sự nhân văn tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Ở đây mỗi y bác sỹ, đặc biệt là những người điều dưỡng như người mẹ thứ hai chăm sóc các con với nhiều trăn trở, nhiều khó khăn, áp lực.

“Mỗi bệnh nhi đến với khoa tôi có mỗi đặc thù, bệnh tình riêng. Khóc thế nào? Ho ra sao? Dấu hiệu co giật hay tím tái..., người điều dưỡng như tôi mỗi ca làm, mỗi đêm trực đều phải để ý. Niềm hạnh phúc lớn nhất là khi các bé trong khoa được xuất viện vì các bé ấy như chính con của mình” - chị Xuân viết.

Bài viết có tựa đề “Bệnh nhân của tôi” của kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nga (Khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh) chỉ gói gọn hơn 750 chữ nhưng đã khiến người đọc cảm nhận được những rung động, đồng cảm với hoàn cảnh của từng bệnh nhân.

Kỹ thuật viên Nguyễn Thị Nga - Bệnh viện PHCN tỉnh luôn đồng cảm với từng hoàn cảnh của bệnh nhân.

Chị ngậm ngùi nghẹn ngào chứng kiến cảnh người cha lưng còng, tóc bạc vừa động viên, vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi cho con trai khi đang tập luyện; lòng thắt lại khi nhìn những em bé đáng yêu đến tuổi chập chững nhưng lại chẳng chịu bước đi, những thiên thần nhỏ bé đến tuổi bập bẹ mà lại chẳng chịu cất lời gọi mẹ, gọi cha, ông bà. Và niềm vui lớn lao mỗi ngày đó là khi bệnh nhân nỗ lực vượt qua những cơn đau để tập luyện với mong ước được phục hồi; là khi bệnh nhân được hát hò, vui chơi và thả một tràng cười sảng khoái.

“Là kỹ thuật viên phục hồi chức năng, sau những giờ lao động, đôi chân chúng tôi rã rời, đôi tay mỏi nhừ, bộ blouse trắng thấm đẫm mồ hôi, nhưng đổi lại tôi hạnh phúc khi nhìn bệnh nhân tôi đang từng ngày hồi phục. Mỗi bệnh nhân được khỏe mạnh trở lại để hòa nhập với cộng đồng là nguồn động viên để tôi cống hiến sức lực mình hơn nữa. Tự hứa với bản thân, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, vì nụ cười của bệnh nhân là nụ cười của chúng tôi!” - chị Nga chia sẻ.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói