Hành trình xây dựng thương hiệu mật ong Hương Sơn ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với lợi thế vùng đồi núi có nhiều loại hoa rừng tự nhiên, người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tận dụng, phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đồng thời, xây dựng thương hiệu mật ong Hương Sơn.

Phát huy tiềm năng của miền... “núi thơm”

Video: Người nuôi ong Hương Sơn nói về việc xây dựng thương hiệu mật ong

Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật ở Hương Sơn đã phát triển khá nhanh, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Vì vậy, tiếp tục mở rộng quy mô nghề ong và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong là hướng đi đã được địa phương nỗ lực thực hiện.

Năm 2019, 21 thành viên của tổ hợp tác (THT) Mật ong Kiến Quốc - Cao Bách Hoa ở xã Sơn Phú được Công ty cổ phần Ong Trung ương cung cấp ong giống, tập huấn hướng dẫn nhân đàn tạo giống, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho ong đúng quy trình, khai thác sản phẩm… Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình nuôi ong và đặc biệt là lợi thế của vùng đồi núi có nhiều loại hoa, cây rừng tự nhiên nên đàn ong của THT ngày càng phát triển về số lượng, sản lượng và chất lượng mật.

“Giai đoạn 2019 - 2020, THT đã gây dựng hơn 600 đàn ong với sản lượng trung bình từ 10 - 12 kg mật trên một đàn. Trong năm 2020, cả THT thu được 3 tấn mật tương đương gần 3.000 lít. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước mà đến nay số lượng đàn ong của THT tăng lên 800 đàn” - ông Nguyễn Kiến Quốc, Tổ trưởng tổ THT Mật ong Kiến Quốc - Cao Bách Hoa phấn khởi cho biết.

Hệ thống máy hạ thủy phần của THT Mật ong Kiến Quốc - Cao Bách Hoa đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm.

3 năm qua, thương hiệu mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm) đã trở nên nổi tiếng. Đặc biệt, khi sản phẩm mật ong Cường Nga được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (năm 2019), du khách hay con em Hương Sơn thường lựa chọn sản phẩm này làm quà tặng cho bạn bè.

Chia sẻ về quy trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mật ong Cường Nga cho hay: “Quy trình nuôi ong được HTX Mật ong Cường Nga thực hiện theo quy trình VietGAP. Thời điểm khai thác, xả mật, bổ sung thức ăn và lựa chọn nguồn hoa đều được HTX thực hiện một cách quy củ, tuân thủ đúng phương pháp đã được tập huấn. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nên năm 2020, sản lượng mật thu về của HTX khoảng gần 3 tấn. Đến năm 2021, ước tính có khoảng 10 tấn mật của bà con được HTX thu mua”.

Quy trình nuôi ong được người dân thực hiện theo quy trình VietGAP.

Cùng với đầu tư nuôi hơn 100 đàn ong, anh Nguyễn Văn Cường cũng đã mạnh dạn đầu tư máy hạ thủy phần, các loại máy lọc mật, hệ thống chai đựng, bao bì… để xúc tiến thương mại, đảm bảo đầu ra cho thị trường. Ngoài thu mua, chế biến, đưa sản phẩm mật ong ra thị trường, HTX Mật ong Cường Nga còn thu mua sáp ong cho bà con và cung cấp các dụng cụ ngành ong như: mũ nón, thùng quay mật, phấn hoa…

“Phủ sóng” thương hiệu mật ong Hương Sơn

Những năm qua, sản phẩm mật ong Hương Sơn đã tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng lựa chọn.

Nuôi ong lấy mật là một trong những nghề tiềm năng của Hương Sơn, thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều hộ dân. Đối với những hộ nuôi ong từ 40 - 50 tổ đều cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, huyện có tổng số lượng đàn ong trên 14.000 đàn, chủ yếu ở các xã như: Sơn Phú, Quang Diệm, Sơn Hồng, Sơn Lâm…

Được biết, năm 2020, huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEK (Hà Nội) nhằm xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho mật ong Hương Sơn.

HTX Mật ong Cường Nga đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt máy hạ thủy phần, máy đóng chai, nhà xưởng để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, nuôi ong mật là nghề mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân. Để nghề này từng bước vững mạnh, định hướng sắp tới của huyện là tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện.

Cũng theo ông Hưng, song song với đó là việc hỗ trợ bà con mở rộng số lượng đàn ong và tiếp tục chỉ đạo các xã xây dựng thêm cơ sở sản xuất mật ong đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh mật ong Hương Sơn trên Internet, hỗ trợ đầu ra sản phẩm và sử dụng tem, nhãn truy xuất nguồn gốc để tăng độ nhận diện, giúp mật ong Hương Sơn được “phủ sóng” rộng hơn.

Nhờ lợi thế vùng đồi núi, nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế bền vững mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân ở huyện Hương Sơn.

Hiện tại, HTX Mật ong Cường Nga và THT Mật ong Kiến Quốc - Cao Bách Hoa đang thực hiện việc quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook... và từng bước tham gia bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Voso… để người tiêu dùng gần xa biết đến thương hiệu mật ong Hương Sơn.

Nhờ kỹ thuật nuôi ong đúng quy trình cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong khâu hoàn thiện sản phẩm, công tác tiếp thị thị trường đa dạng trên nhiều kênh, thương hiệu mật ong Hương Sơn ngày càng vươn xa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói