Sáng nay (23/2), huyện Kỳ Anh tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống bệnh viêm da nổi cục ở trên địa bàn.
Theo báo cáo, ngày 9/2, xã Kỳ Lạc xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò ở 5 con bò của 4 hộ thuộc 3 thôn.
Sau Kỳ Lạc, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện thêm ở Kỳ Đồng, Kỳ Bắc, Kỳ Tây và Kỳ Thọ. Toàn huyện đã xác định có 14 con bò của 12 hộ dân ở 8 thôn, 5 xã trên bị bệnh viêm da nổi cục. Đặc biệt, tại xã Kỳ Sơn đã có một số con bò xuất hiện dấu hiệu của căn bệnh này.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Dương Đình Loan báo cáo tình hình bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng bệnh viêm da nổi cục phát sinh chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại ẩm thấp, việc vệ sinh môi trường và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa tốt.
Một số địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm thường xuyên, thiếu quyết liệt trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, nhất là đối với công tác giám sát xử lý dịch bệnh và quản lý vận chuyển giết mổ.
Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Các địa phương cần rà soát nắm chắc tổng đàn trâu bò, theo dõi diễn biến dịch bệnh. Cách ly triệt để trâu bò bị bệnh; có các biển cảnh báo; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống...
Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm da nổi cục, lãnh đạo huyện Kỳ Anh yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền cảnh báo đến các hộ chăn nuôi về tình hình dịch bệnh để người chăn nuôi chủ động phòng chống, thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại; phát quang bụi rậm, phun hóa chất tiêu diệt côn trùng mòng, ruồi, muỗi.
Hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi,… bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh; không mua, bán trâu, bò tại các vùng đang có dịch.
Chủ động thực hiện công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc.
Sử dụng hóa chất, vôi bột thực hiện tổng vệ sinh môi trường chăn nuôi toàn xã và tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Rà soát tổng đàn, tổ chức tốt việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ đợt 1 năm 2021.