Những con đường thênh thang rộng mở...

(Baohatinh.vn) - Tôi bắt đầu dòng cảm xúc về những con đường thân yêu của Thành Sen bằng những câu thơ trong bài “Thị xã quê mình” của Phạm Ngọc Cảnh như là sự hoài cổ về năm tháng đã qua, để trân quý hôm nay và làm hành trang tốt đẹp cho tương lai…

Con đường ấy, đại lộ trong lòng người Thành Sen ấy chính là con đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh

“Thị xã năm xưa có một con đường

Chưa giập miếng trầu đã về cuối phố

Trong hồn tôi đó là đại lộ

Nơi khởi đầu những chuyến đi xa…”

Thành Sen ngày xưa là vậy đó! Thị xã nhỏ được hình thành từ 2 tiểu khu Bắc Hà, Nam Hà với một con đường duy nhất mang dáng dấp của phố nối từ quốc lộ 1 đến cầu Mương, con đường ngắn, ngắn đến độ “chưa giập miếng trầu đã về cuối phố”… Nhưng với tác giả của bài thơ và bao thế hệ người Thành Sen đó là “đại lộ”… Là nơi bắt đầu cho những chuyến ngược xuôi, đi xa của rất nhiều người…

Con đường ấy, đại lộ trong lòng người Thành Sen ấy chính là con đường Phan Đình Phùng… Trên con đường này có dáng dấp của phố từ thời kỳ Pháp thuộc. Cùng với sự phát triển của thị xã xưa và thành phố hôm nay, đường Phan Đình Phùng là niềm tự hào, đong đầy kỷ niệm của người dân thị xã.

Ở đó có chút phố phường, có cửa hàng, cửa hiệu, có các công trình mang biểu tượng của thị xã ngày xưa: Nhà hát Nhân dân, Rạp 26/3, Trường cấp III Phan Đình Phùng, có tượng đài liệt sĩ (công viên Lý Tự Trọng), sân vận động thị xã, cuối đường là cầu Mương bắc qua Hào Thành nối ra sông Cụt… Trên con đường ấy diễn ra gần như các sự kiện trọng đại của thị xã, nơi tiễn những thế hệ con em Thành Sen ra trận, nơi ghi dấu những xuôi ngược, lam lũ của người dân phố thị và là nơi tình yêu, nỗi nhớ của biết bao người…

Thành phố Hà Tĩnh hôm nay đang đổi thay, mở rộng để đáp ứng với sự phát triển, đẹp hơn, văn minh hơn.

Hôm nay, con đường này vẫn mang trong nó cả một sứ mệnh lan tỏa, trục chính cho các đồ án, các quy hoạch của thành phố. Đường Phan Đình Phùng đã vượt qua ngã 3 ngày xưa để thêm đường Hàm Nghi về phía Tây, kết nối trục Bắc -Nam với đường Trần Phú, đường Hà Huy Tập, đường tránh quốc lộ 1; kết nối với đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trung Thiên; kết nối với chợ thành phố, vào trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố…

Thành phố hôm nay đang đổi thay, mở rộng để đáp ứng với sự phát triển, đẹp hơn, văn minh hơn… Con đường “chưa giập miếng trầu đã về cuối phố” đang được đầu tư, nâng cấp, thay đổi diện mạo mới, đường không dài thêm nhưng được mở rộng, hạ tầng thoát nước đầu tư bài bản, hệ thống đường điện được hạ ngầm, vỉa hè, bó vỉa được lát đá, thêm vịnh giao thông, mặt đường được thảm nhựa, kẻ vạch tiêu chuẩn đường đô thị, cùng với các hệ thống đèn tín hiệu, đấu nối đồng bộ với các tuyến đường, cây xanh được thay thế mới… để xứng với “đại lộ” của thành phố hôm nay.

Đường Hàm Nghi nối với quốc lộ 1 tạo động lực phát triển cũng như hình thành quỹ đất, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của TP Hà Tĩnh.

Từ trục chính Hàm Nghi, đường Lê Văn Thiêm song song với quốc lộ 1, tạo động lực phát triển cũng như hình thành quỹ đất, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về hướng Đông, Tây, cùng kết nối với đường Xuân Diệu, Nguyễn Công Trứ, Quang Trung là những tuyến giao thông trọng điểm, làm “sứ mệnh” kết nối vùng quan trọng từ đô thị hiện hữu đến vùng đô thị Bắc thành phố, mở ra không gian hướng biển. Đường vành đai phía Đông TP Hà Tĩnh đang được triển khai là một trong những dự án hạ tầng chiến lược gắn với định hướng phát triển không gian đô thị về phía biển và đề án mở rộng địa giới hành chính của thành phố.

Từ những con đường nhỏ bé ngày nào, nay thành phố đã có những con đường thênh thang rộng mở… Mãi còn đó con đường trong nỗi nhớ, đại lộ trong lòng của biết bao thế hệ người Thành Sen…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói