Những người say mê lan tỏa di sản văn hóa quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với nhiều thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, các nghệ nhân, nghệ sỹ Hà Tĩnh chia sẻ tâm huyết của mình về niềm đam mê với công việc bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa quê hương.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban (SN 1940): Dành trọn đời bảo tồn, phát huy di sản quê hương

Sinh ra trong một gia đình nhà nho ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân), tôi đã được sống trong không gian văn hóa đậm nét truyền thống với những câu Kiều, những làn điệu dân ca ví, giặm, ca trù... Có lẽ vì thế mà dù trải qua nhiều công việc ở nhiều nơi nhưng cuối cùng, tôi vẫn trở về quê nhà và hoạt động ở lĩnh vực văn hóa. Đó là năm 1984, khi đang giảng dạy tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Nghệ Tĩnh thì huyện Nghi Xuân đề nghị tỉnh điều tôi về làm Trưởng phòng Văn hóa huyện. Thời điểm ấy, tôi cũng hơi băn khoăn nhưng khi nghe lãnh đạo huyện nói: “Nghi Xuân ta là cái nôi của di sản văn hóa nhưng nhiều giá trị đã bị mai một, đồng chí là con em huyện nhà, có năng lực, nên về giúp địa phương”. Nghĩ về trách nhiệm của một công dân với quê hương, tôi đã quyết định trở về.

Đảm nhận nhiệm vụ của một “tư lệnh” văn hóa địa phương, tôi bắt đầu phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ... khơi dậy sức sống của các làn điệu dân ca ví, giặm bằng việc tổ chức các hội thi văn nghệ quần chúng. Phong trào dần đi lên, tôi bàn với Phòng GD&ĐT huyện đưa dân ca vào trường học và được hưởng ứng tích cực.

Nghi Xuân vốn được mệnh danh là “miền đất hát”, trong đó, có giáo phường Ty Cổ Đạm với những gánh hát ca trù nổi tiếng. Làm thế nào để khôi phục các làn điệu và phong trào hát ca trù trong đời sống Nhân dân là điều luôn đau đáu trong tôi. Mặc dù lúc bây giờ, các nghệ nhân như: Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Bình... đã ngoài 70 tuổi nhưng khi nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn, các cụ đều ủng hộ rất nhiệt tình. Thế là một mặt chúng tôi vừa tìm kiếm, sưu tầm lời cổ, các điệu hát cổ, một mặt vận động cán bộ, người dân có năng khiếu tổ chức các lớp học hát. Đến năm 1998, huyện Nghi Xuân đã có 3 thế hệ hát ca trù, thành lập được CLB ca trù, phối hợp tổ chức được hội thảo cấp quốc gia về ca trù Cổ Đạm. Từ đây, ca trù Cổ Đạm - di sản quý báu tưởng đã mai một đã sống lại mạnh mẽ trong đời sống văn hóa.

Sau dân ca ví, giặm, ca trù, chúng tôi tiếp tục tìm tòi, khôi phục hình thức diễn xướng trò Kiều. May mắn, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân nên bằng nhiều hình thức, đến nay, trò Kiều cũng đã trở lại khá mạnh mẽ, thu hút nhiều thế hệ tham gia sáng tác, biểu diễn. Từ năm 2001 đến nay, dù nghỉ hưu theo chế độ nhưng tôi vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, xuất bản hàng chục đầu sách, các bài viết nghiên cứu về dân ca ví, giặm, ca trù, lễ hội... Với tôi, việc bảo tồn và lan tỏa những giá trị di sản văn hóa là cảm hứng không bao giờ cạn, một khi còn sức, tôi vẫn còn cống hiến.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hải (SN 1971): Lưu giữ nét đẹp quê hương qua từng bức ảnh

Tôi rất đam mê nhiếp ảnh. Niềm đam mê đó được nhen nhóm từ thuở thanh niên nhưng do nhiều yếu tố, đến năm 47 tuổi, tôi mới chính thức bước vào lĩnh vực này. Nhiều người thường nói, tôi bắt đầu muộn mà lại thành công sớm nhưng ít ai biết rằng, những tác phẩm chính là sự chắt lọc qua bao nhiêu năm tháng. Dẫu đã đi nhiều nơi, chụp nhiều đề tài nhưng tôi vẫn thích nhất là chụp phong cảnh quê hương Hà Tĩnh. Bất kỳ nơi đâu, một ngôi làng ven biển, một khung cảnh núi đồi hay những cây cầu, bãi đá, cánh đồng, những công trình của sự phát triển... đều thôi thúc tôi cầm máy.

Không được đào tạo chính quy nên tôi phải tự học qua nhiều kênh khác nhau và tự học qua chính những tác phẩm của mình. Với tôi, bức ảnh đẹp là bức ảnh chỉn chu về bố cục và có câu chuyện. Tôi chụp nhiều ảnh, đa dạng đề tài, tuy nhiên, ảnh phong cảnh, du lịch, thể thao vẫn là đề tài mà tôi say mê nhất. Đặc biệt, với ảnh phong cảnh, ngoài thỏa mãn sở thích rong ruổi của mình, tôi còn có cơ hội quảng bá vẻ đẹp của quê hương, đất nước với bạn bè không chỉ trong nước mà còn ra thế giới. Những tác phẩm của tôi chẳng rực rỡ, hào nhoáng mà chỉ đơn giản là những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên và con người quê hương như: “Vũ điệu biển”, “Một thoáng hồ Kẻ Gỗ”, “Mùa ruốc”, “Trái tim của biển”, “Sông mây”, “Đất lành chim đậu”...

Tôi luôn coi nhiếp ảnh như một cuộc rong chơi đầy xúc cảm. Tôi đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều cảm xúc, trí tuệ và chính những bức ảnh cũng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc khi được công chúng ghi nhận. Nhiều tác phẩm đã được xướng tên ở những giải thưởng của ngành, của tỉnh, trong nước và quốc tế. Tôi rất trân trọng vì đó cũng là một kênh để tôi quảng bá rộng hơn vẻ đẹp quê hương, về những tiềm năng du lịch Hà Tĩnh cũng như của đất nước Việt Nam.

Tôi còn nhiều dự định sáng tác ảnh nghệ thuật và tiếp tục nuôi dưỡng kế hoạch tổ chức triển lãm ảnh cá nhân “Hà Tĩnh qua ống kính của tôi”. Trong đó sẽ giới thiệu những bức ảnh tôi chụp các làng nghề, danh lam, thắng cảnh của Hà Tĩnh. Xa hơn nữa là triển lãm ảnh “Việt Nam - những nơi tôi đến” để kể lại những câu chuyện trên nhiều miền của đất nước. Tôi vẫn tiếp tục rong ruổi cùng ống kính máy ảnh và vững tin duyên nghề của mình chưa hết...

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Bá Ngọc (SN 1959): Dân ca ví, giặm đã ngấm vào máu thịt

Là người con miền quê biển Cẩm Long (nay là thị trấn Thiên Cầm - Cẩm Xuyên), từ nhỏ, tâm hồn tôi đã vỗ đầy tiếng sóng biển và thấm đượm lời ru của mẹ, câu hát của cha. Có lẽ vì thế mà dù học ngành kỹ thuật rồi đi bộ đội nhưng cuộc đời tôi lại gắn liền với sân khấu quần chúng và cuối cùng lại trở thành nghệ nhân dân gian.

Tôi còn nhớ, cơ duyên đưa mình đến với sân khấu văn nghệ quần chúng là cuộc gặp gỡ với Đoàn nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) Nghệ Tĩnh - Bộ CHQS tỉnh Nghệ Tĩnh khi họ ra biểu diễn ở Đảo Mắt vào năm 1983. Trong cuộc giao lưu văn nghệ, nhận thấy tôi có năng khiếu nên Bộ CHQS tỉnh Nghệ Tĩnh đã điều động tôi về đoàn. Tại đây, tôi được tiếp cận và làm đồng nghiệp với những diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ là Lệ Thanh, Ngọc Sở, Minh Huệ... Tôi cũng chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức về văn hóa, văn học nghệ thuật, lịch sử để chuẩn bị cho một hướng đi mới là viết lời cho các làn điệu dân ca ví, giặm.

Những chuyến lưu diễn và các đợt học tập đã giúp khả năng sáng tác của tôi được kích hoạt mạnh mẽ. Tác phẩm đầu tay - ca khúc “Lời ru và người lính” đã được đồng nghiệp và khán giả đón nhận nhiệt tình. Trong suốt 7 năm biên chế ở Đoàn nghệ thuật quần chúng LLVT Nghệ Tĩnh (1984-1991) cho đến sau này (từ năm 1992) khi chuyển công tác về Hà Tĩnh và nghỉ hưu (năm 2007), tôi vẫn liên tục sáng tác, tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ. Tôi cũng tham gia nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật toàn quân khu, toàn quân, toàn quốc và gặt hái được nhiều huy chương vàng, bạc và bằng khen.

Tôi tự hào khi nhiều tác phẩm của mình đạt nhiều giải thưởng khác nhau và lan tỏa rộng rãi. Trong đó, mới nhất là tổ khúc dân ca ví, giặm “Người cao tuổi đất Hồng Lam vâng lời Bác dạy” và xẩm Nghệ “Tự hào đất mẹ hôm nay” được trao giải A tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc và màn sử thi nghệ thuật: “Thiên Cầm 20 năm khúc hát tự hào” biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập thị trấn Thiên Cầm đầu tháng 11/2023.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, là vốn quý cha ông để lại cho con cháu. Mùa xuân đến, vạn vật sinh sôi, cũng là lúc tâm hồn con người dâng tràn cảm xúc. Đây cũng là thời điểm tôi hấp thụ thêm nhiều giá trị mới từ con người và thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, niềm đam mê để cùng các nghệ nhân tiếp tục thắp lửa, lan tỏa dân ca ví, giặm quê nhà.

Ca sĩ Nguyễn Khánh Hà (SN 2009): Đưa các làn điệu dân ca đi muôn phương

Bây giờ, khi đã trở thành sinh viên Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), em vẫn chưa bao giờ quên những bước đi chập chững đến với con đường âm nhạc thuở ấu thơ ở quê nhà Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên). Em khi đó là một cô bé quê nghèo, nhờ có đam mê và năng khiếu ca hát nên ngay từ thời tiểu học đã được thầy cô đưa vào đội văn nghệ của trường. Thời điểm đó, phong trào phát triển dân ca ví, giặm trong trường học đang rất mạnh mẽ nên các chương trình văn nghệ em tham gia cũng gắn với nhiều tiết mục dân ca ví, giặm. Từ chỗ chưa biết gì, em đã dần yêu mến các làn điệu của cha ông. Đặc biệt, em may mắn được Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu chú ý, bồi dưỡng thêm cách cảm nhận bài hát và các kỹ thuật thanh nhạc khi hát dân ca nên giọng hát của em ngày càng hoàn thiện.

Năm 2018, được sự động viên của Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu, gia đình và nhà trường, em tham gia cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, chính thức bước vào cuộc thi âm nhạc lớn. Từ làng quê, em đến với thành phố lớn, mang theo những giá trị của di sản văn hóa quê hương. Dù chưa có nhiều thời gian rèn giũa, chưa được làm quen với các sân khấu lớn nhưng em vẫn tự tin với lựa chọn hát dân ca của mình. Tại vòng sơ khảo cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, em đã thể hiện ca khúc “Về Hà Tĩnh người ơi”. Bài hát mang âm hưởng dân ca này đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo.

Dù không đạt giải cao trong cuộc thi đó nhưng đây là tiền đề để em mạnh dạn tiếp tục tham gia các chương trình, cuộc thi lớn như: “Tài năng trẻ Việt Nam” (năm 2019), Liên hoan Chỉ huy Đội giỏi toàn quốc (2021), Liên hoan Thiếu nhi 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia (2021)... Em cũng đã nhiều lần tham dự các cuộc thi hát dân ca ví, giặm cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh... Tại các cuộc thi này, em lại có cơ hội chuyển tải những giá trị văn hóa quê hương qua giọng hát của mình.

Sau khi trở thành sinh viên Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (năm 2023), em vẫn tiếp tục theo đuổi dòng nhạc dân ca. Trong tâm hồn em, dân ca luôn là điểm tựa vững chắc, là máu thịt, là suối nguồn chảy mãi... Đó là tiếng mẹ ru thuở bé, là tiếng nói quê hương, tiếng lòng của những con người xứ Nghệ. Em sẽ cố gắng hơn nữa để góp phần gìn giữ và đưa dân ca ví, giặm tới gần hơn bạn bè trong và ngoài nước...

(ghi)

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói