Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

(Baohatinh.vn) - Thành công của Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lần thứ 3 đang được lan tỏa sâu rộng, tạo môi trường nuôi dưỡng và phát triển ca trù trong đời sống Nhân dân.

Nhiều kết quả ấn tượng

Dù diễn ra trong thời gian 1 ngày nhưng Liên hoan Ca trù Nghi Xuân lần thứ 3, năm 2021 đã để lại nhiều kết quả ấn tượng.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Tiết mục dự thi của ca nương Phan Thùy Diễm và quan viên Bùi Nam Giang (bên trái).

Liên hoan diễn ra với sự tham gia trình diễn của 37 thí sinh trong toàn huyện Nghi Xuân. Trong đó có 31 ca nương, 2 kép đàn và 4 quan viên. Các thí sinh đã biểu diễn 37 phần thi với 74 tiết mục. Tất cả các phần thi đều có sự đầu tư tìm tòi về cách thể hiện, phục trang... cho thấy các thí sinh chuẩn bị kỹ càng trước đó.

Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài - Chủ nhiệm CLB ca trù Cổ Đạm cho biết: “Để tổ chức được liên hoan, chúng tôi đã có sự chuẩn bị gần 9 tháng trời. Từ đầu năm 2021, chúng tôi đã đến tất cả các địa phương, trường học trên địa bàn huyện tìm, tập hợp các nhân tố để đào tạo. Chúng tôi đã không quản ngày đêm dành mọi thời gian có thể để truyền dạy. Có thời điểm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi đã tiến hành dạy online”.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Các nghệ nhân CLB ca trù Nguyễn Công Trứ và CLB ca trù Cổ Đạm trong một buổi luyện tập cho học viên.

Đến với liên hoan, khán giả đã có cơ hội thưởng thức những lời ca, tiếng đàn, tiếng phách mê đắm lòng người từ những ca nương “miền đất hát”. Bên cạnh những giọng ca tuyệt kỹ như Nguyễn Thị Thu Hà, giải A đào nương tài năng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 hay Phan Thị Sâm, Phan Thị Khuyên - những ca nương có “nghề”, đã tham gia nhiều kỳ liên hoan cấp khu vực và toàn quốc, khán giả còn bất ngờ trước sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới lần đầu tiên biểu diễn trên khấu.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Màn biểu diễn của ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (Xuân Hồng) - một trong hai thí sinh đạt giải xuất sắc tại liên hoan. Ảnh: Hoài Nam

Đó là màn biểu diễn đầy cảm xúc với cách ém hơi, nhả chữ, ngân rung đổ hột mượt mà của ca nương Trần Thị Lưu Liên (xã Xuân Hồng). Dù năm nay đã 53 tuổi và đến với ca trù chỉ cách đây gần 1 năm nhưng bằng sự say mê, tìm tòi học hỏi cùng năng khiếu hát chầu văn nhiều năm, ca nương Lưu Liên đã đem đến cho khán giả nhiều sự mới lạ. Hay thí sinh Phan Thùy Diễm (35 tuổi, Xuân Thành) với chất giọng trầm ấm đầy ấn tượng.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Màn biểu diễn của thí sinh Trần Thị Lưu Liên (Xuân Hồng).

Đặc biệt, trong 37 thí sinh tham gia liên hoan có 16 thí sinh tuổi từ 8-17. Các em là những học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

Trong đó, nhiều em được đánh giá có tố chất và triển vọng kế thừa di sản nghệ thuật ca trù tương lai, như: Phan Thị Quỳnh Trâm (Trường THPT Nguyễn Công Trứ), Dương Lê Nhã Uyên, Phùng Anh Nguyên (Trường Tiểu học Xuân Thành), Nguyễn Quỳnh Như (Trường THPT Nghi Xuân)... Dù kỹ thuật hát, gõ phách, đánh trống chưa thật nhuần nhuyễn nhưng tất cả các thí sinh nhỏ tuổi đều có phong thái tự tin, thể hiện sự đam mê với ca trù trên sân khấu.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

2 thí sinh nhỏ tuổi nhất liên hoan là ca nương Dương Lê Nhã Uyên (8 tuổi) và Phùng Anh Nguyên (9 tuổi, bên trái).

Bức tranh tươi sáng về sự tiếp nối của ca trù trong tương lai

Đã 11 năm kể từ Liên hoan Ca trù huyện Nghi Xuân lần thứ 2 được tổ chức vào năm 2010, ca trù lại một lần nữa “đổ hột phách giòn” trên miền đất hát khiến người dân ở đây vô cùng phấn khởi.

Bà Nguyễn Thị Huyên, khán giả tại liên hoan chia sẻ: “Đã khá lâu rồi, chúng tôi mới được thưởng thức ca trù trên sân khấu được bài trí trang trọng và các tiết mục được biểu diễn bài bản như tại liên hoan kỳ này. Tôi cảm thấy rất vui khi tiếng hát cha ông để lại từ nhiều đời nay vẫn tiếp tục được ngân vang trên quê hương”.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Ban tổ chức trao 2 giải xuất sắc nhất cho ca nương Nguyễn Thị Thu Hà (áo đó) và Phan Thị Sâm (áo vàng). Ảnh: Hoài Nam

Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 2 giải xuất sắc, 15 giải A, 10 giải B, 5 giải C và 5 giải khuyến khích cho các thí sinh. Đây là sự ghi nhận và động viên khích lệ để các nghệ nhân trẻ tiếp tục gắn bó, rèn luyện cống hiến cho nghệ thuật ca trù.

Nghệ nhân dân gian Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông Nghi Xuân, Trưởng Ban giám khảo liên hoan bày tỏ: “Là một người được kế thừa sự trao truyền di sản của cha ông từ các thế hệ nghệ nhân đi trước, tôi luôn đau đáu với việc trao truyền lại cho thế hệ trẻ. Liên hoan cho tôi thấy bức tranh tươi sáng về sự tiếp nối của ca trù trong tương lai”.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Trao 15 giải A cho các thí sinh.

Theo bà Cảnh, huyện Nghi Xuân đang chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai nhiều hơn các nội dung ngoại khóa về ca trù nhằm lan tỏa sức sống của di sản trong thế hệ trẻ. Đó cũng là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù có tính bền vững nhằm góp phần xây dựng huyện NTM, điển hình về văn hóa.

Ca trù là di sản được UNESCO đưa vào danh sách những di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009. Từ đó đến nay, không chỉ Hà Tĩnh mà 15 tỉnh, thành phố là thành viên sở hữu ca trù trong cả nước đều có nhiều việc làm để bảo tồn di sản này. Tại Hà Tĩnh, ngoài việc đăng cai tổ chức nhiều kỳ liên hoan ca trù toàn quốc, các cấp chính quyền cũng đưa nội dung bảo tồn di sản vào các chương trình phát triển KT-XH.

Liên hoan ca trù huyện Nghi Xuân - sức lan tỏa và niềm hy vọng lớn

Những thí sinh nhỏ tuổi tham gia liên hoan.

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng, Cục Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá: "Chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của huyện Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung trong việc bảo tồn di sản văn hóa ca trù. Nhất là trong bối cảnh khá khó khăn, kỳ liên hoan đã diễn ra thành công. Những liên hoan như thế này chính là môi trường nuôi dưỡng và phát triển ca trù trong đời sống Nhân dân.

Đặc biệt, theo dõi liên hoan, tôi cảm thấy vui mừng vì số lượng nghệ nhân trẻ tham gia rất đông. Điều đó chứng tỏ ca trù đã đi vào đời sống của người dân Nghi Xuân cũng như ở Hà Tĩnh một cách sâu rộng. Đây là một trong những căn cứ góp phần xây dựng kế hoạch đưa ca trù ra khỏi danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại danh sách di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại, như đã thành công với hát xoan".

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast