“Quê mình giữa niềm thương”

(Baohatinh.vn) - Mỗi khi đất trời báo hiệu mùa mưa lũ trở về thì câu hát của nhạc sỹ Ngọc Thịnh lại ngân lên như sự tuần hoàn cảm xúc trong tôi về miền quê phải vồng lên chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt mà sâu nặng nghĩa tình của người Hà Tĩnh.

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Cái eo nhỏ trên bản đồ đất nước ấy vừa mang trong mình đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam vừa có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc. Chính vì thế, thời tiết, khí hậu ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt, không chỉ phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ mà còn phải chịu sự chuyển đổi đột ngột của những hình thái thời tiết nóng - lạnh.

“Quê mình giữa niềm thương”

Các xã ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ trong đợt lũ tháng 10/2020

Dẫu vậy, cũng thật kỳ lạ là suốt tiến trình hình thành và phát triển đến nay, những người dân chạy loạn ngụ cư ở đây hay người bản xứ đều không bỏ đất mà đi, ngược lại còn gắn bó bằng nghĩa tình sâu nặng. Họ cùng với những biến đổi của sinh quyển đã dần lập nên nhiều làng quê với truyền thống văn hóa, lao động sản xuất đặc trưng. Qua thời gian, dẫu vật đổi sao dời, vẫn luôn có một dòng mạch sâu lắng ân tình, chảy mãi trong sâu thẳm hồn quê Hà Tĩnh. Để trong chiến chinh, loạn lạc hay trong thiên tai, dịch bệnh, người Hà Tĩnh lại vin vào đó, dựa vào đó để cùng nhau khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Chiến chinh, tao loạn hay dịch bệnh chỉ mang tính thời điểm, chỉ có thiên tai, bão lũ luôn tuần hoàn cùng đất trời. Vì thế, người Hà Tĩnh bao đời nay vẫn thường ý thức rất cao về mảnh đất “mưa úng đất, nắng nẻ trời” này để hình thành nên một bản tính kiên cường, dũng cảm, đượm tình. Từ đó, cùng nhau nỗ lực hơn nữa trong lao động, sản xuất, cùng nhau gắn kết hơn nữa trong đời sống để có thể mạnh mẽ vượt qua những cơn “hoạn nạn”.

“Quê mình giữa niềm thương”

Những năm gần đây ở Hà Tĩnh thiên tai xuất hiện với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn, các cơn bão di chuyển phức tạp hơn. Ảnh tư liệu

Những năm gần đây, khí hậu Hà Tĩnh còn khắc nghiệt hơn nữa khi nền nhiệt độ có xu thế tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, còn có sự thay đổi đáng kể về độ ẩm, lượng bốc hơi... và sự xuất hiện bất thường với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn, di chuyển phức tạp hơn của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới do tác động của sự biến đổi khí hậu. Hiện tượng hạn hán, lũ chồng lũ đã xuất hiện không chỉ một lần và ngày càng có thêm nhiều vùng bị ngập lũ với những biến đổi khó lường.

Biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết bất thường đã đặt cư dân Hà Tĩnh vào những thử thách mới. Từ đây, con người Hà Tĩnh truyền thống với tư chất thông minh, kiên cường, không ngại gian khó đã hòa quyện với con người Hà Tĩnh thời đại mới sáng tạo, năng động để tìm ra những cách ứng biến mới với thời tiết.

“Quê mình giữa niềm thương”

Trong mưa lũ, hoạn nạn, nghĩa đồng bào càng trở nên sâu nặng hơn. Ảnh tư liệu

Thay vì di cư khi có lũ, ngày nay, người Hà Tĩnh đã biết sáng tạo, ứng biến để có thể sống chung với lũ. Những ngôi nhà chống lũ đã được đầu tư xây dựng để có thể ứng phó với tình hình. Tùy địa bàn và điều kiện kinh tế mà người dân các địa phương có thể xây các dạng nhà khác nhau như nhà có chạn (gác) hoặc nhà phao di động, nhà phao cố định. Nhờ đó, trong những mùa mưa bão hiện nay, người dân đã chủ động trong việc bảo vệ tài sản, giảm những thiệt hại về người và của trong thiên tai.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu thiệt hại về của, người dân một số địa phương thường bị lũ như ở Hương Khê, Hương Sơn, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc… đã tìm cách thay đổi lịch thời vụ, thay đổi giống trong trồng trọt, đầu tư hệ thống chuồng trại trong chăn nuôi. Điển hình như: Nhân dân các xã Hà Linh, Điền Mỹ, Hương Giang, Gia Phố, Lộc Yên… (Hương Khê) chuyển lịch thời vụ xuống giống ngô vụ đông từ đầu tháng 11 sang cuối tháng 12; nhiều địa phương thường bị ngập lụt lâu như Cẩm Mỹ, Cẩm Vịnh, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), các vùng bãi ngang ở Thạch Hà như Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Văn, Thạch Trị và xã Vượng Lộc, Kim Song Trường (Can Lộc), người dân thường lựa chọn sản xuất các giống cây trồng ngắn ngày; người dân vùng lũ ở Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên… đã đầu tư xây dựng nhà ràn 2 cấp, trong mùa mưa lũ luôn chuẩn bị sẵn sàng thức ăn khô nhằm chống đói rét cho vật nuôi.

“Quê mình giữa niềm thương”

Đã quen với thiên tai, hằng năm cứ chớm mùa mưa bão là người trồng keo vùng núi TX Kỳ Anh lại thu hoạch sớm, tránh nguy cơ thiệt hại do mưa lũ. Ảnh Thu Trang

Ngoài ra, nông dân nhiều vùng cũng tích cực hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, tích cực đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, mua sắm máy móc hiện đại, giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, nhất là trong mùa mưa lũ.

Trong thiên tai, truyền thống tương thân tương ái của người Hà Tĩnh lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Những hình ảnh xúc động về sự chia sẻ của người dân trong những cơn đại hồng thủy đã khắc họa sâu sắc nghĩa đồng bào. Đó là những người nông dân gom góp lương thực, thực phẩm, nấu những bữa ăn cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vùng lũ; là những doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ thuyền, mô tô nước và trực tiếp cùng nhân viên điều khiển phương tiện, xông pha hỗ trợ chính quyền, các lực lượng trong công tác cứu trợ; là những cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi, quyên góp và tình nguyện đi trao quà cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ sinh kế cho người dân sau lũ…

“Quê mình giữa niềm thương”

Trong mưa lũ, nhiều cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ thuyền, mô tô nước hỗ trợ chính quyền, các lực lượng trong công tác cứu trợ. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, những chủ trương, chính sách ấm nghĩa Đảng, tình dân đang ngày càng tỏa lan mạnh mẽ trong đời sống. Trong tháng 10/2020, Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra các đợt mưa lớn gây ngập lụt 42.456 hộ thuộc 118/216 xã, phường, thị trấn, gây thiệt hại trên 5.300 tỷ đồng. Đó cũng là thời điểm Hà Tĩnh vừa hoàn thành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 19/11/2020, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thực hiện mục tiêu của nghị quyết, cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh đã tập trung huy động nguồn lực, hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn, sớm khôi phục các hoạt động của đời sống, đảm bảo an sinh xã hội; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân.

“Quê mình giữa niềm thương”

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ - công trình ấm nghĩa Đảng, tình dân trên nhiều miền quê Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu

Trong đó, điều khiến người dân phấn khởi nhất chính là các địa phương đã tập trung triển khai xây dựng công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 31/32 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ, trong đó 22 nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; có 1.894/2.053 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai được khởi công xây dựng, trong đó có 1.509 nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Mùa mưa đã đến và không ai đoán định được những khó khăn phía trước. Dẫu vậy, với truyền thống kiên cường, bền bỉ, với những kinh nghiệm và giải pháp mới ứng phó với thiên tai, với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng, người Hà Tĩnh đã sẵn sàng tâm thế để có thể ứng biến tốt với mọi khó khăn do thiên tai gây ra.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast