“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

(Baohatinh.vn) - Với hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương cùng nhiều nỗ lực của Hà Tĩnh, “nút thắt” về nguồn vật liệu xây dựng thi công dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đang dần được tháo gỡ.

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh đang được thi công.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua Hà Tĩnh có tổng chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1 với chiều dài 12,18km.

Với mục tiêu đảm bảo cho dự án trọng điểm quốc gia được khởi công đúng tiến độ (1/1/2023), Hà Tĩnh đã tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và chuẩn bị các điều kiện liên quan, trong đó có chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (đất, đá, cát)... phục vụ triển khai công trình.

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Thời điểm này, nhà thầu đang tập trung vào xử lý nền đất yếu, thi công hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Báo cáo từ chủ đầu tư, các nhà thầu và tư vấn giám sát thi công 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh cho thấy, nhu cầu nguồn VLXD phục vụ công trình là rất lớn. Trong đó, theo tính toán của Ban QLDA - chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, nhu cầu khối lượng VLXD cần cho việc thi công là đất đắp 12,228 triệu m3; cát 2,143 triệu m3 và 1,4 triệu m3 đá xây dựng.

Để chủ động nguồn VLXD thi công dự án cao tốc Bắc – Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận nguồn đá xây dựng với 16 khu vực đều đã được cấp phép khai thác, nguồn cát với 3 khu vực (2 khu vực đã cấp phép khai thác, 1 khu vực đã quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác) và nguồn đất đắp với 23 khu vực (11 khu vực đã cấp phép khai thác, 11 khu vực quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác, 1 khu vực đang đề nghị bổ sung Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030).

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Đơn vị thi công tiến hành đúc các trụ điện phục vụ việc di dời hệ thống đường điện nằm trong phạm vi GPMB cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.

Dù có nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn VLXD cho dự án, tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nội dung về thủ tục, hồ sơ liên quan tới đất đai, đăng ký khối lượng khai thác, thủ tục chuyển đổi đất rừng, thuê đất, bảo vệ môi trường... khiến nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh chưa đáp ứng kịp thời.

Việc nguồn VLXD (đất đắp và cát) bị thiếu hụt ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án, nhất là tại 2 dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng. Riêng với đoạn Vũng Áng – Bùng hiện không gặp khó khăn về nguồn VLXD.

“Những tháng qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang tập trung xử lý nền đất yếu phục vụ thi công các hạng mục đường, cầu. Tuy nhiên, việc chưa có đủ nguồn cát nên việc thi công gặp khá nhiều khó khăn, khối lượng không được như kỳ vọng”, ông Hồ Ngọc Loan - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho hay.

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra và xử lý vướng mắc về vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh vào ngày 3/7.

Ghi nhận cho thấy, những vướng mắc, khó khăn về nguồn VLXD thi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 không chỉ diễn ra ở riêng tại Hà Tĩnh, mà xuất hiện ở hầu hết các địa phương có công trình trọng điểm quốc gia này đi qua. Không chỉ ở giai đoạn 2021 – 2025 mà việc thiếu nguồn đất đắp, cát xây dựng cũng đã xảy ra ở giai đoạn 2017 – 2020 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường để đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác/năm của các tổ chức để cung cấp đủ, kịp thời VLXD theo tiến độ triển khai dự án.

Cùng với đó, Chính phủ và Bộ GTVT đã có tổ chức nhiều cuộc họp, thành lập các tổ công tác kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ “nút thắt” về nguồn VLXD, đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ.

Thời gian qua, Hà Tĩnh cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư và đơn vị thi công trong việc đẩy nhanh trình tự thủ tục, hoàn thiện hồ sơ khai thác các mỏ VLXD mới, nâng công suất mỏ đang khai thác.

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Mỏ đất san lấp ở xã Thượng Lộc (Can Lộc) có diện tích 10,7ha được nhà thầu đề xuất khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn cho hay: Số lượng mỏ VLXD thông thường mà nhà thầu thi công 2 dự án Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng đề xuất thực hiện hồ sơ đăng ký khai thác là 11 mỏ (8 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát lòng sông). Tới thời điểm này, 10 mỏ UBND tỉnh đã xác nhận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác, 1 mỏ (mỏ cát tại xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ) đang xem xét, xử lý.

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra trong 2 ngày 13 – 14/7, đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục các công trình dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ từ năm 2023, trong đó có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp đối với 6 khu vực mỏ đất san lấp, phục vụ cho dự án cao tốc Bắc – Nam.

Sau khi được thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với các khu vực mỏ khoáng sản, các nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các nội dung còn lại trước khi tiến hành khai thác.

“Nút thắt” nguồn vật liệu thi công cao tốc Bắc – Nam ở Hà Tĩnh dần được tháo gỡ

Khó khăn về nguồn VLXD thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh đang dần được tháo gỡ.

“Trường hợp cấp phép hết 11 khu vực mỏ khoáng sản nêu trên thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn VLXD thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Hà Tĩnh. Khối lượng khoáng sản còn thiếu sẽ được nhà thầu thi công mua tại các mỏ thương mại đang khai thác trên địa bàn tỉnh và Quảng Bình”, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn thông tin.

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast