Phố trong lòng sông...

(Baohatinh.vn) - Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho TP Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh. Theo cách nói của nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy thì những dòng sông đó là “một “bảo tàng” lộ thiên, khách tham quan không cần gõ cửa”. Tôi cũng như bao người đã tiếp cận “bảo tàng” ấy bằng những con đường khác nhau và rồi, đều thêm yêu hơn phố thị hiền hòa này…

Tự cổ, các dòng sông đã đóng vai trò vô cùng đặc biệt trong việc hình thành các nền văn minh trên thế giới. Lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận, nền văn minh khởi nguồn của người Việt cổ hình thành bên lưu vực những con sông lớn. Thực tế cho thấy, ở những vùng đất khác nhau, mỗi con sông đều góp phần kiến tạo nên những giá trị văn hóa, KT-XH riêng biệt cho vùng đất đó. Trải dài trên dải đất hình chữ S, từ Nam ra Bắc, từ Tây sang Đông, không hiếm để thấy được giá trị của các dòng sông đối với sự hình thành các đô thị. Và TP Hà Tĩnh là một trong những đô thị may mắn khi được bao bọc trong dòng chảy của 3 con sông lớn - Rào Cái, sông Cày, sông Hộ Độ. Thêm vào đó là con sông đào giữa lòng phố mà cư dân bản địa vẫn thường gọi là sông Cụt - từng kiến tạo nên nhiều giá trị văn hóa, kinh tế cho lỵ sở (trung tâm chính trị, hành chính) Hà Tĩnh.

Thành Hà Tĩnh và khu vực đô thị nhìn từ trên không (Ảnh chụp từ hướng sông Cụt, do Quân đội Pháp chụp ngày 25/6/1934).

Sử sách chép lại, TP Hà Tĩnh ngày nay (Liên Thành/Thành Sen) là vùng đất có từ thời dựng nước. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), triều đình chủ trương lập tỉnh, tỉnh lỵ Hà Tĩnh hình thành từ đó. Trải qua nhiều lần thay đổi về bản đồ hành chính, năm 1924, vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Từ đó, trong nhiều giai đoạn, đất Liên Thành là đô thị tiếp nhận vai trò lỵ sở của Hà Tĩnh. Trải qua nhiều lần tách nhập địa giới hành chính, đất Liên Thành dẫu có lúc thu hẹp, có lúc mở rộng nhưng vẫn luôn gắn bó với sông; phố vẫn được các dòng sông nuôi dưỡng và kiến tạo nên cốt lõi văn hóa. Đến nay, TP Hà Tĩnh là đô thị 3 mặt sông với rất nhiều giá trị cũ mới được kiến tạo, bồi đắp không ngừng, tạo nên bản sắc, cốt cách riêng mà càng đi sâu tìm hiểu, ta càng thêm trân trọng.

Tôi vẫn thường tự hào về nơi mình sinh sống và làm việc bởi địa hình phố trong lòng sông, sông trong lòng phố. Với tôi, đó vẫn là điểm nhấn trong cảnh quan có đầy đủ núi, sông, ao, hồ, đồng bằng của TP Hà Tĩnh. Tôi đã nhiều lần đến các con sông đó bằng những con đường khác nhau. Có khi là con đường trên mặt đất, có khi là từ trong những tác phẩm văn học nghệ thuật, có khi là trong những cảm nhận được hình thành từ những con người tôi gặp. Con đường nào tôi cũng thu nhận được thật nhiều vẻ đẹp mà các dòng sông ban tặng, bồi đắp cho mảnh đất Thành Sen.

Sông Phủ - cầu Phủ là cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng

Trong 3 mặt sông của TP Hà Tĩnh, để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong sự hình thành và phát triển đời sống văn hóa, xã hội có lẽ là sông Rào Cái. Đây là con sông bắt nguồn từ vùng núi phía Tây huyện Cẩm Xuyên. Sông theo hướng Bắc đi qua nhiều làng mạc, xóm thôn rồi đến Đại Nài thì theo hướng Đông Bắc, vòng quanh TP Hà Tĩnh chảy xuống cầu Đò Hà. Không biết có phải vì quá yêu sông hay không mà ở mỗi địa bàn chảy qua, sông lại được đặt tên khác nhau.

Sông Rào Cái đoạn chảy qua Đại Nài gọi là sông Nài hay Nại Giang, trong đó, có đoạn chảy qua phủ thành Hà Hoa xưa thì gọi là sông Phủ, chảy thêm một đoạn nữa, qua Thạch Hưng thì mang tên Đò Hà, chảy qua Đồng Môn, Thạch Quý thì gọi là sông Đồng Môn. Nhiều sự kiện lịch sử cho thấy, sông Rào Cái hiền hòa ôm ấp thành phố ngày nay không chỉ là nơi chứng kiến các sự kiện lịch sử mà đã từng là đồn binh trong các cuộc giao tranh. Bên cạnh đó, nhiều bến đò trên sông cũng là nơi giao thương của dân cư các vùng lân cận, ghi dấu sự phát triển về thương mại, dịch vụ của lỵ sở Hà Tĩnh.

Sông Rào Cái hiền hòa vòng quanh thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Đình Nhất

Trong rất nhiều ý nghĩ về dòng sông Rào Cái, tôi đã có những liên tưởng nhất định đối với sự hình thành văn hóa, tính cách con người bên lưu vực con sông ấy. Tất cả những dáng vẻ mà Rào Cái mang đến khi chảy qua thành phố đã góp phần tạo nên những con người với tính cách chịu thương chịu khó, biết linh hoạt thuận theo tự nhiên và cưỡng chế tự nhiên để sinh tồn, ở họ vừa có sự dũng mãnh âm thầm cuộn chảy vừa có sự hiền hòa, lãng mạn. Để rồi, có thể trở thành anh hùng trong các cuộc kháng chiến kiến quốc, cũng có thể trở lại làm những con người hiền hòa, yêu lao động để cùng hình thành nên các nghề như trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, đan lát, nấu kẹo cu đơ…; yêu học tập để trở thành những nhà trí thức, cách mạng, những nhà văn, nhà nghiên cứu… góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Núi Nài năm 1975 và trạm ra-đa núi Nài đã đi vào lịch sử. Ảnh tư liệu

Trong các cuộc tiếp xúc với những cư dân phía Nam thành phố, tôi luôn cảm nhận được niềm tự hào của họ đối với vùng đất từng có cảnh quan thuộc “tỉnh thành bát cảnh”. Họ vẫn luôn nhắc đến vế đối “Nài Giang phong thổ ái kỳ quan”; câu ca “Quê em sông Phủ núi Nài/ Tình cao hơn núi, nghĩa dài hơn sông”; hay nhắc đến trạm ra-đa với “trận đầu thắng Mỹ” của những con người yêu nước, thương nòi, quả cảm… Không một ai không bày tỏ sự hàm ơn, niềm tự hào đối với những giá trị được kiến tạo từ con sông Rào Cái…

Sông Cụt - cầu Sở Rượu xưa. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ

Một điểm khá thú vị trong địa hình “phố trong lòng sông, sông trong lòng phố” của TP Hà Tĩnh là con sông Cụt - được đào từ thời nhà Nguyễn, niên hiệu Khải Định năm thứ 7 (1922). Sông hợp lưu từ 2 nhánh, một từ cầu Sở Rượu, một từ Hào Thành chảy qua cầu Vồng, cầu Tre, sau đó đổ về sông Rào Cái, hòa vào biển cả. Sông không khởi nguồn từ những con suối, con khe trên núi, không gập ghềnh, quanh co qua làng, qua xóm, sông chỉ lặng lẽ chảy trong lòng phố, ấy thế mà lại là mạch nguồn dào dạt, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách cư dân đôi bờ. Như có một sự kết nối nào đó, mỗi lần nghĩ về sông Cụt là tôi lại nghĩ đến Danh họa Nguyễn Phan Chánh và những tuyệt phẩm tranh lụa của ông. Phải chăng, trong sự hình thành và phát tiết tài năng của danh họa, có một phần không nhỏ “phù sa” từ dòng sông chảy trong lòng phố.


Lễ hội đua thuyền trên sông Cụt. Ảnh: Khôi Nguyễn.

Nhưng, sông Cụt được đào ngay trước khi TX Hà Tĩnh được thành lập, không chỉ để dâng “phù sa” nuôi dưỡng tâm hồn cư dân phố thị mà đã trở thành tuyến giao thông khá quan trọng, thúc đẩy các hoạt động giao thương diễn ra trong lòng phố. Thuở ấy, sông Cụt được coi là cửa ngõ để TX Hà Tĩnh thông thương với các vùng lân cận. Kể từ khi làng thành phố, đời sống Nhân dân có nhiều thay đổi, trên phố có thêm nhiều cửa hàng, cửa hiệu buôn bán, cư dân vì thế cũng có nhu cầu giao thương lớn hơn với bên ngoài. Dù ngày nay, sông Cụt không còn đóng vai trò là tuyến giao thông như xưa nữa nhưng trong ký ức của người Thành Sen, hình ảnh thương lái tứ phương chở đầy hàng hóa vào sông Cụt rồi ngược lên chợ Tỉnh bán và mua các nhu yếu phẩm mang về trong những ngày chợ phiên vẫn còn nguyên vẹn. Và những giá trị văn hóa tinh thần được khởi sinh từ dòng sông ấy vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó, các lễ hội, nghi lễ gắn với sông nước vẫn được người dân lưu giữ, phát huy như lễ hội đua thuyền hay tục thờ cúng ở các miếu, mạo ven sông…

Bình minh trên sông Hộ Độ. Ảnh: Huy Tùng

Cùng với sông Rào Cái và sông Cụt, sông Cày ở phía Bắc và sông Hộ Độ ở mạn Đông Bắc thành phố vẫn âm thầm ôm ấp đô thị Hà Tĩnh, là mạch nguồn hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách của cư dân ven sông. Trong sứ mệnh là tuyến giao thông, các con sông này không chỉ là nơi chuyên chở hàng hóa mà còn đem đến cho thị xã/TP Hà Tĩnh những con người tài hoa trên nhiều lĩnh vực đến tụ cư. Họ là những thương nhân, những thợ kim hoàn, là những nhà cách mạng, những tác giả văn học nghệ thuật… Họ đã làm phong phú hơn diện mạo của phố thị Thành Sen, tạo nên nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo cho vùng đất lỵ sở. Để rồi trong tiến trình lịch sử của dân tộc, lỵ sở Hà Tĩnh luôn đóng góp cho đất nước những bậc hào kiệt, những nhà cách mạng, những văn nhân tài hoa.

Đó là Hoàng giáp - Quận công Nguyễn Hoành Từ; Đình nguyên Thám hoa Đặng Văn Kiều; Tiến sỹ Nguyễn Tất Bột; Danh họa Nguyễn Phan Chánh; Giáo sư văn học Hồ Tôn Trinh; là các nhà cách mạng Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Trung Thiên, là các chiến sĩ cách mạng quả cảm như Trần Thị Hường, Nguyễn Thị Khương…; là những anh hùng Nguyễn Viết Hồng, La Thị Tám…; các nhà địa phương học Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu; các nhà thơ Cẩm Lai, Thanh Minh…


Đường Phan Đình Phùng - TP Hà Tĩnh xưa và nay. Ảnh tư liệu Sỹ Ngọ - Đình Nhất

Trải qua 100 năm thành lập, lỵ sở Hà Tĩnh đã có những bước thay đổi lớn. Người dân sống trong lòng phố dù là cư dân bản địa hay người tứ phương đến tụ cư, thời kỳ nào cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm xây dựng hình ảnh đất và người Thành Sen. Đặc biệt, kể từ sau năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ lãnh đạo thị xã/TP Hà Tĩnh đã duy trì mạch nguồn truyền thống, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa lỵ sở Hà Tĩnh phát triển không ngừng. Và, trong những mục tiêu mới, TP Hà Tĩnh cũng đã và đang hướng đến khai thác tiềm lực kinh tế từ những dòng sông. Bước đầu là những mô hình du lịch sinh thái, khai thác đặc trưng của các địa bàn để dần hình thành mạng lưới du lịch cộng đồng ở thành phố. Tin rằng, với quyết tâm bứt phá, với kinh nghiệm lịch sử và những tri thức mới, TP Hà Tĩnh sẽ có những quyết sách mới, khoa học và chính xác trong hành trình phát triển. Để những tiềm năng, tiềm lực từ địa hình “phố trong lòng sông, sông trong lòng phố” được khai thác hiệu quả, mang lại nhiều giá trị mới.

NỘI DUNG: ANH HOÀI

ẢNH: SỸ NGỌ - HUY TÙNG - ĐÌNH NHẤT

THIẾT KẾ: KHÔI NGUYỄN

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói