Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đã “tính trước một bước” trong quy hoạch các mỏ khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về vật liệu xây dựng thông thường khi có nhiều dự án trọng điểm dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu xây dựng giúp các dự án trọng điểm sẽ triển khai ở Hà Tĩnh không bị chậm tiến độ.

Những năm qua, cùng với việc tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các đơn vị thì Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng kịp thời tham mưu, lựa chọn các khu vực mỏ đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đáp ứng cơ bản nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành cho hay: Các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch, về cơ bản đã được cấp phép thăm dò, khai thác trong giai đoạn quy hoạch. Đến nay, có nhiều mỏ đã hết hạn, chấm dứt hiệu lực và thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ hoặc thời hạn khai thác còn lại không nhiều. Vì vậy, nguồn tài nguyên thực tế còn lại ít hơn nhiều so với dự báo ban đầu khi phê duyệt quy hoạch.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đoạn Kỳ Xuân - Kỳ Ninh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, đá xây dựng hiện có 37 khu vực, diện tích 643,4 ha, trữ lượng dự báo 157 triệu m3; đất san lấp có 57 khu vực, diện tích 600 ha, trữ lượng dự báo 79 triệu m3; cát, sỏi xây dựng 30 khu vực, diện tích 359,8 ha, trữ lượng dự báo 14 triệu m3 và đất, sét gạch ngói có 20 khu vực, diện tích 149,9 ha, trữ lượng dự báo trên 6 triệu m3.

Trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2020, ngành chức năng đã cấp phép về đá xây dựng là 348,4 ha, trữ lượng 48 triệu m3; đất san lấp 188,1 ha với trữ lượng 14 triệu m3; cát, sỏi xây dựng là 22 ha với trữ lượng 655.000 m3 và 67,2 ha đất, sét gạch ngói với trữ lượng gần 1 triệu m3.

Như vậy, nguồn tài nguyên còn lại (trữ lượng mỏ đã được cấp phép đang còn hiệu lực và phần tài nguyên còn lại chưa cấp phép) về đá xây dựng 108,9 triệu m3; đất san lấp 65,4 triệu m3; cát, sỏi xây dựng 13,6 triệu m3 và đất, sét gạch ngói 5,1 triệu m3.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Tro xỉ, xỉ thép của Nhà máy luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đã được công bố hợp quy, hợp chuẩn, đủ điều kiện làm vật liệu san lấp.

Theo Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành, dựa vào dự thảo quy hoạch tỉnh thì danh mục các dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn sẽ đầu tư xây dựng nhiều công trình, khu đô thị (KĐT), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) nên nhu cầu về nguồn khoáng sản làm VLXD thông thường trong những năm tới là rất lớn.

Cụ thể, xây dựng mới tuyến đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng cần 10 triệu m3 vật liệu san lấp; hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách diện tích 1.000 - 1.500 ha cần 19 triệu m3 vật liệu san lấp; KCN phía Tây TP Hà Tĩnh diện tích 1.000 - 1.500 ha cần 19 triệu m3 vật liệu san lấp; KCN phía Nam thị xã Hồng Lĩnh và Bắc huyện Can Lộc 2.000 - 2.400 ha cần 33 triệu m3 vật liệu san lấp; KĐT mới Hàm Nghi 150 ha và KĐT Nam Cầu Phủ 49 ha cần 3 triệu m3 vật liệu san lấp; KĐT Thiên Cầm 100 ha cần 1,5 triệu m3 vật liệu san lấp...

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Thời gian qua, việc cấp phép cho các mỏ cát xây dựng ở Hà Tĩnh còn khá ít.

Để đáp ứng nguồn cung khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã rà soát, bổ sung các khu vực mỏ vào khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản để đưa vào quy hoạch tỉnh.

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và qua rà soát sơ bộ, Sở TN&MT Hà Tĩnh đồng ý bổ sung thêm 3 khu vực đá xây dựng, diện tích 73,2 ha, tài nguyên dự báo 10,9 triệu m3; đất san lấp 34 khu vực, diện tích 495,9 ha, tài nguyên dự báo 59,2 triệu m3; cát, sỏi xây dựng 7 khu vực, diện tích 29 ha, tài nguyên dự báo 1 triệu m3, còn đất, sét gạch ngói không có.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Dự án khu đô thị Hàm Nghi có diện tích 150 ha nằm trên địa bàn 4 phường, xã của TP. Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Ảnh: Huy Tùng

Theo ông Hồ Huy Thành, các khu vực đề xuất không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản (đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất), ít ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.

Tuy nhiên, có một số khu vực bổ sung quy hoạch đất san lấp ở chân sườn đồi, núi dọc tuyến quốc lộ 12C, quốc lộ 1 tuyến tránh thị xã Kỳ Anh là chưa phù hợp với quy định của Chính phủ về chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Hà Tĩnh đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng vật liệu xây không nung, giảm dần gạch đất sét nung.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, KKT Vũng Áng dự kiến đầu tư nhiều công trình, dự án, như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy sản xuất ô tô/linh kiện ô tô, đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN... nên cần nguồn đất rất lớn để san lấp mặt bằng. Việc bổ sung quy hoạch là nhằm đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng nhưng phải báo cáo cụ thể để được Chính phủ chấp thuận.

Ngoài nguồn khoáng sản làm VLXD thông thường thì trong KKKT Vũng Áng có các loại vật chất nạo vét của các bến cảng, nhà máy nhiệt điện; các loại chất thải rắn (tro bay, tro đáy, xỉ thép) có thể làm vật liệu san lấp.

Sớm lo nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm ở Hà Tĩnh

Việc triển khai xây dựng thêm các công trình, dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh phát triển.

“Với các công trình, dự án trọng điểm khi triển khai thực hiện (chưa tính tới công trình giao thông, thủy lợi, các nhà máy, khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển…) thì dự kiến nhu cầu về vật liệu san lấp là rất lớn nên nguồn tài nguyên khoáng sản đưa vào quy hoạch, đặc biệt là đất san lấp và cát xây dựng, có thể vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhưng việc chủ động nguồn cung VLXD thông thường sẽ tránh tình trạng khan hiếm, làm chậm tiến độ các dự án, công trình trọng điểm ở Hà Tĩnh”, Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh nhìn nhận.

Cũng theo ông Hồ Huy Thành, với cát xây dựng, cần có các giải pháp tăng cường sản xuất cát nhân tạo và tiếp tục thu mua từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình. Còn đất, sét gạch ngói, tiếp tục thực hiện giảm dần sản xuất gạch đất sét nung, thay thế gạch đất sét nung bằng gạch xây không nung để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo dự báo nhu cầu sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2030 của Sở Xây dựng thì đá xây dựng trong giai đoạn đến năm 2025 cần 23,6 triệu m3, giai đoạn đến năm 2030 cần 29,7 triệu m3. Nhu cầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là 53,3 triệu m3.

Đất san lấp: Giai đoạn đến năm 2025 cần 22,4 triệu m3, giai đoạn đến năm 2030 cần 23,6 triệu m3. Nhu cầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là 46 triệu m3.

Cát xây dựng: Giai đoạn đến năm 2025 cần 10,4 triệu m3, giai đoạn đến năm 2030 cần 16 triệu m3. Nhu cầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là 26,4 triệu m3.

Vật liệu xây: Giai đoạn đến năm 2025 cần 3.831 triệu viên, giai đoạn đến năm 2030 cần 4.547 triệu viên. Nhu cầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030 là 8.379 triệu viên, cần khoảng 19,3 triệu m3 đất làm gạch.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.