Tết về nhớ tập tục xưa...

(Baohatinh.vn) - Trưa 30 tết Giáp Thìn 2024, trong phảng phất trầm hương, trong lây rây mưa phùn giăng mắc, người Hà Tĩnh lại rộn ràng bày biện mâm cúng tổ tiên.

Tết cổ truyền luôn là sự chờ đợi sum họp của mỗi người. Ảnh: Internet

Tết Nguyên đán còn gọi là tết đoàn viên. Ấy là lúc bố mẹ trông chờ con cái trở về đoàn tụ, người thân, họ hàng, bạn bè có dịp gặp gỡ... Và mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết đã trở thành mạch nguồn kết nối, khơi dậy ý thức về nguồn cội, truyền thống văn hóa dân tộc.

Cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi vẫn còn nhớ mãi hương vị tết qua mâm cỗ cúng gia tiên cách đây 30 - 40 năm trước. Hồi đó, làng tôi vẫn còn rất nghèo, nhiều gia đình tháng 3, ngày 8 vẫn phải lo chạy ăn từng bữa. Ấy thế nhưng đối với mâm cỗ tết, ai cũng cố gắng “xoay xở” để tươm tất nhất, dâng lên tổ tiên, sau đó là mời anh em, họ hàng cùng thưởng thức.

Mâm cỗ tết truyền thống của người Việt. Ảnh: Internet

Mâm cỗ tết được người dân quê tôi chuẩn bị trước đó cả tháng trời, ấy là khi nhiều gia đình bàn nhau "đụng lợn”. Trước đó, để chuẩn bị cỗ tết, khoảng 5-10 gia đình sẽ chung nhau mua một con lợn giống rồi giao cho một hộ chăm nuôi, đến kỳ tết chung nhau mổ lợn chia phần. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác cũng được chuẩn bị đầy đủ cho mâm cỗ truyền thống.

Chợ tết quê tôi luôn nhộn nhịp người sắm sửa vật phẩm để chuẩn bị cho mâm cỗ tết.

Mâm cỗ tết của người dân làng tôi thường có 6 - 8 món, tùy điều kiện kinh tế nhưng các món chính không thể thiếu thường là: giò lụa, bánh chưng, thịt lợn nấu đông, canh miến dong, thịt nấu riềng, ram rán...Tất cả các món được bày lên mâm bằng đồng hoặc gỗ để dâng lên bàn thờ thắp hương.

Để chuẩn bị cho mâm cúng tết, ở làng tôi, đàn ông thường phụ trách món giò lụa. Giò phải gói sớm để luộc trong 4-6 giờ, sau đó để nguội cắt mới thành khuôn mịn và đẹp. Các món còn lại do người phụ nữ trong gia đình phụ trách.

Tôi còn nhớ sự kỹ lưỡng của mẹ tôi trong việc làm mâm cỗ cúng gia tiên ngày tết. Đó là khi chế biến nấu nướng không được ngửi, nếm trước. Tất cả quy trình đều làm theo cảm nhận của từng người. Mẹ tôi nói, đồ cúng tổ tiên phải thật tinh sạch, mình là người trần nếu nếm ngửi trước là có lỗi với những người đã khuất.

Ảnh hưởng từ phong tục tết Hàn thực xưa (3 ngày tết không đỏ lửa) nên các món chính được mỗi gia đình nấu 1 lần, mỗi lần cúng thì lấy ra không hâm lại. Thức ăn được múc ra cúng mâm cỗ chiều 30 xong ăn không hết thì để riêng ra, tuyệt đối không được đổ vào nồi cũ, vì chiếc nồi đó vẫn còn để làm mâm cúng ngày mồng 1 hoặc mồng 2 tết. Làm như vậy để đảm bảo sự nguyên vẹn ban đầu cho món ăn.

Ông và cháu cùng chuẩn bị lá dong gói bánh chưng làm mâm cỗ tết.

Ngoài mâm cỗ cúng tất niên trưa hoặc chiều 30 tết, người làng tôi còn làm mâm cỗ để đưa về nhà thờ họ hoặc đem đến nhà các cậu để cúng ông bà ngoại. Người làng tôi gọi đó là cỗ đơm. Mỗi lần nhà tôi làm cỗ đơm, tôi đều được sai đi hỏi hoặc báo tin với cậu về thời gian để “đon” chừng đưa mâm cỗ đến cúng. Đây cũng là dịp để con cháu quây quần, sum họp, tưởng nhớ tổ tiên.

Với tôi, mỗi lần theo mẹ hoặc chị gánh cỗ đơm đi cúng ông bà ngoại là những kỷ niệm rất trong trẻo. Hồi đó, đường trong làng chỉ rộng hơn 1m, những ngày tết trời mưa, người đi lại nhiều càng lầy lội, trơn trượt. Để đảm bảo gánh cỗ không nghiêng đổ thức ăn, mẹ hoặc chị tôi phải bấm ngón chân từng bước chậm rãi để vượt qua. Cũng có những người vì đường trơn mà ngã đổ cả gánh cỗ, lúc đó chỉ biết khóc ròng.

Giò lụa (bột) là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ tết của người dân quê tôi.

Cỗ đơm ở nhà cậu tôi lúc nào cũng rất ấm cúng, sau khi cúng mời ông bà, tổ tiên, chúng tôi sẽ cùng nhau hưởng lộc. Để thưởng thức các món ăn của nhau, chúng tôi thường ngồi mâm nhà cậu, các anh chị, em con các cậu lại ngồi mâm gia đình tôi.

Cuộc sống ngày càng no đủ, người trẻ ngày nay ít cảm nhận được hương vị tết qua mâm cỗ, thay vào đó là những chuyến du xuân.

Ngày nay, tuy cách thức mua sắm thay đổi nhưng người làng tôi vẫn giữ các tập tục, nhất là cúng tất niên hay làm cỗ đơm. Tham gia và thực hành những tập tục này cũng là cách để tôi lưu giữ nét văn hoá truyền thống của gia đình, của làng quê tôi.

Tin liên quan:

Chủ đề MỪNG XUÂN GIÁP THÌN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói