Thăm “thủ phủ” nhung hươu Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Khi những mầm xanh đang vươn mình sau giấc ngủ đông cũng là thời điểm người dân huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) rộn ràng vào mùa thu hoạch lộc nhung hươu.

Mỗi mùa hái lộc nhung sẽ là một mùa “vàng” bội thu.

Nhung hươu còn gọi là lộc nhung, thanh mai nhung, ban long châu… là sừng non chưa cốt hóa của hươu sao, hươu ngựa đực. Nhung hươu được coi là một trong 4 thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ) có tác dụng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người. Theo Đông y, nhung hươu vị cam, hàm, ôn, vào can thận có tác dụng bổ thận dương ích tinh huyết (bổ thận tráng dương) cường cân kiện cốt. Với liều lượng 0,5 -15g hằng ngày, người ta có thể dùng bằng cách nấu, hãm, ngâm rượu.

Miền núi Hà Tĩnh có khí hậu ôn hòa, cây cối tốt tươi, nhất là những vùng thuộc lưu vực sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trươi. Những vùng này có nhiều loại cây lá làm thực phẩm cho loài hươu. Hiện nay, Đức Thọ, Hương Khê, Vũ Quang đều có nghề nuôi hươu nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở Hương Sơn.

Người dân Hương Sơn ngày càng gắn bó với loài vật hiền lành, đẹp và khá sạch sẽ này.

Không chỉ có lợi thế về nguồn thức ăn, Hương Sơn còn có nghề nuôi hươu lâu đời. Con hươu “là đầu cơ nghiệp” của người dân ở đây. Qua bao thăng trầm, những năm gần đây, nghề nuôi hươu đã giúp nhiều gia đình ăn nên làm ra. Người dân Hương Sơn ngày càng gắn bó với loài vật hiền lành, đẹp và khá sạch sẽ này. Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Châu… là những xã nuôi hươu nhiều nhất, đặc biệt ở Sơn Châu có 1.100 hộ dân và 2.200 con hươu (bình quân mỗi hộ nuôi 2 con).

Những ngày này, về thăm các miền quê ở Hương Sơn không khó để bắt gặp cảnh cắt lộc nhung. Nhung hươu Hương Sơn được cắt quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, vì thế, người dân thường ví đây là mùa “hái” lộc nhung.

Năm nay, gia đình của ông Ngô Đức Thống (thôn Lâm Giang, xã Sơn Lâm) có 10 con hươu đực cho nhung. Niềm vui nhân lên khi nhung năm nay có kích thước lớn, hình thức đẹp nên thương lái đã đặt mua từ sớm với giá 12,5 triệu đồng/kg.

Ông Ngô Đức Thống và nhiều gia đình khác ở huyện Hương Sơn yên tâm gắn bó với hươu sao.

Ông Thống chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống nuôi hươu gần 30 năm nay. Nếu như trước đây, giá bấp bênh, đầu ra không ổn định thì mấy năm nay, lộc nhung có giá khá cao. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác ở huyện Hương Sơn đều yên tâm gắn bó với con hươu”.

Được xem là trang trại hươu sao “khủng” nhất của Hà Tĩnh, anh Nguyễn Hồng Tiệp (thôn 8, xã Sơn Giang) đang có trong tay gần 200 con. Năm nay, trang trại có gần 100 con hươu đực khỏe mạnh sẽ cho lộc nhung.

Trang trại hươu sao của anh Nguyễn Hồng Tiệp thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm.

Anh Tiệp cho biết: “Thông thường mỗi năm 1 con hươu đực sẽ cho thu hoạch nhung 1 lần nhưng nếu được chăm sóc kỹ lưỡng cùng với giống tốt, có thể cho lộc nhung tới 2 lần, mỗi lần khoảng 1-1,5 kg/cặp. Với số lượng hươu lớn, để nâng tầm chất lượng, tôi đang hướng tới việc sản xuất các sản phẩm OCOP từ lộc nhung và xây dựng trang trại trở thành nơi tham quan, trải nghiệm cho du khách”.

Hiện nhu cầu của thị trường nhung hươu ngày một lớn, người nuôi hươu không phải lo đầu ra, lộc nhung cắt tới đâu được thương lái thu mua tới đó.

Đang chính vụ của mùa lộc nhung nên chị Lê Thị Huyền Trang bận rộn hơn với công việc thu mua nhung hươu.

Theo chị Lê Thị Huyền Trang (thôn Đại Vường, xã Sơn Phú) - một thương lái chuyên thu mua nhung hươu: “Dịp này đang là mùa hái lộc nên thị trường rất nhộn nhịp. Với sự phát triển của mạng xã hội, chúng tôi chỉ cần giới thiệu qua Facebook hoặc Zalo thì khách hàng sẽ “chốt” đơn nhanh chóng. Nhờ vậy, thương hiệu nhung hươu Hương Sơn đã được phủ sóng khắp mọi miền, khách hàng yên tâm, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm”.

Việc bán nhung hươu trên mạng xã hội đã đưa đặc sản này phủ sóng khắp mọi miền.

Từ năm 2019, khi các sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội giúp đặc sản Hương Sơn định vị được thương hiệu trên thị trường. Được biết, toàn huyện Hương Sơn hiện có 4 đơn vị chế biến thành công nhung hươu thành các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, sản phẩm nhung hươu khô tán bột của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn là một trong số ít sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đạt 4 sao.

Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thêm các sản phẩm khác được chế biến sâu từ nhung hươu.

Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn cho biết: “Để thương hiệu nhung hươu Hương Sơn phát triển bền vững, công ty sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất và phát triển hơn nữa các kênh bán hàng online nhằm đưa sản phẩm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với việc nỗ lực nâng hạng sản phẩm OCOP, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thêm các sản phẩm khác được chế biến sâu từ nhung hươu, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng”.

Khách hàng tham quan và mua sắm các sản phẩm từ nhung hươu tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt.

Trong thời điểm chộn rộn mùa hái lộc nhung, không khí sản xuất tại Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhung hươu Việt (xã Sơn Châu) cũng nhộn nhịp không kém.

Anh Nguyễn Khắc Huân - Giám đốc công ty chia sẻ: “Hiện sản lượng thu hoạch nhung hươu trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của các cơ sở. Vì thế, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đang nỗ lực “phủ sóng”, đưa giống hươu Hương Sơn tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước để người dân nuôi và bán lại lộc nhung. Từ đó, giúp công ty có thêm nguồn thu mua nhung hươu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến ngày một tăng cao”.

Niềm vui cắt lộc nhung hươu của người dân Hương Sơn.

Cùng với việc phát triển về chất và lượng của đàn hươu, huyện Hương Sơn đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để đưa thương hiệu vươn xa, mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: “Toàn huyện hiện có khoảng 42.000 con hươu, trong đó, trên 20.000 con đã cho lộc nhung. Năm 2023, toàn huyện ước thu hoạch khoảng 18 tấn nhung. Đặc biệt, từ năm 2019, khi các sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu được công nhận sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn, giúp đặc sản địa phương vươn tầm, “phủ sóng” rộng khắp thị trường, được người tiêu dùng cả nước đón nhận”.

Mùa “hái” lộc nhung hươu còn rộn ràng bởi những chiếc ô tô từ các miền quê đổ về cùng những du khách thích trải nghiệm cảnh cắt lộc. Sau khi mua bán nhung xong, chủ nhà, khách và tốp thợ sẽ chung nhau bữa tiệc nhỏ có sử dụng rượu huyết hươu. Chai rượu huyết còn là phần quà để khách mang về sau một chuyến trải nghiệm thú vị.

Nhung hươu, đặc sản tinh túy của vùng đất Hương Sơn vì thế ngày càng trở nên nức tiếng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói