Các cuộc liên hoan ví giặm là cách để bảo tồn và lan tỏa Nghệ ngữ trong đời sống. Ảnh Tiết mục của CLB dân ca ví giặm Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân) tại Liên hoan ví giặm liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh 2023.
“Tiếng Nghệ tìm về”
Nằm giữa bản đồ nước Việt, xứ Nghệ (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) được xem là vùng đất cổ. Theo các tư liệu khảo cổ học, con người đã sinh sống ở vùng đất này từ trên 5.000 năm trước. Gắn với biểu tượng núi Hồng - sông Lam, xứ Nghệ có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, độc đáo. Trong đó, cùng với quá trình hình thành và phát triển, Nghệ ngữ (bao gồm âm vực, từ vựng, ngữ nghĩa) địa phương của con người vùng đất Nghệ - Tĩnh là nét bản sắc riêng biệt trong giao tiếp, sinh hoạt thường ngày. Nghệ ngữ còn đi vào thơ ca, các loại hình văn nghệ dân gian và cả đương đại như dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiếng Nghệ nặng như vùng đất gian lao khó nhọc bao đời. Về mặt ngữ âm (âm vực), như nhận xét của nhiều nhà ngôn ngữ học, hệ thống thanh điệu của tiếng địa phương Nghệ - Tĩnh không đầy đủ như trong ngôn ngữ toàn dân; thanh ngã phát âm thành thanh nặng. Có một số thổ ngữ ở Nghi Lộc, Nghi Xuân, hệ thống thanh điệu chỉ có 4 thanh, thậm chí có vùng phát âm chỉ có 3 thanh điệu. Về mặt nhận cảm, người nghe tiếp nhận một thứ tiếng “lơ lớ” mà giá trị khu biệt của vài ba thanh điệu đó không còn rõ ràng nữa.
Một trong những công trình nghiên cứu về Nghệ ngữ được đưa vào dạy học tại các khoa liên quan về ngôn ngữ củaTrường Đại học Vinh (Nghệ An).
Trong một nghiên cứu mới đây, PGS-TS Hoàng Trọng Canh (Trường Đại học Vinh) nhận xét: “Sự tương ứng giữa từ ngữ địa phương Nghệ - Tĩnh với từ ngữ toàn dân về ngữ âm là phong phú, song cũng hết sức phức tạp. Sự tương ứng ngữ âm ấy diễn ra ở phụ âm đầu, phần vần và ở cả thanh điệu nhưng không theo một tỉ lệ đều khắp giữa các bộ phận âm thanh đó cũng như trong từng bộ phận. Tuy thế, nhìn chung, sự tương ứng về ngữ âm là có quy luật. Phần lớn phụ âm đầu của từ địa phương Nghệ - Tĩnh tương ứng với nhiều phụ âm đầu trong tiếng Việt toàn dân. Điều đó cũng chứng tỏ sự biến đổi ngữ âm của hệ thống phụ âm đầu tiếng Nghệ - Tĩnh rất ít và chậm. Về phần vần, sự tương ứng phức tạp hơn, nhất là đối với sự tương ứng của các vần khác loại. Về thanh điệu, sự tương ứng ấy xảy ra chủ yếu ở thanh nặng và thanh ngang Nghệ Tĩnh với một số thanh khác của từ toàn dân”.
Về nghĩa, hệ thống từ địa phương Nghệ - Tĩnh phức tạp hơn những vấn đề ngữ âm. Hệ thống danh từ, đại từ nhân xưng, đại từ chỉ trỏ, tính từ, động từ... vô cùng phong phú và cũng rất khác biệt. Chính vì vậy, khi giao tiếp với nhiều địa phương trong cả nước, người Nghệ từng trải thường phải “phiên dịch” cho người nghe. Là vùng đất cổ nên hệ thống danh từ cổ gọi tên các địa danh, tên vật, sự vật, sự việc cũng rất cổ. Theo thời gian, hệ thống từ này đang mất dần, trở thành “vốn cổ” trong các thành ngữ, tục ngữ, ca dao, là đề tài cho các nhà nghiên cứu văn hóa. Ví dụ như hệ thống từ địa phương trong bài dặm vè “Thần sấm ngã” của tác giả Lê Thanh Bình. Ví dụ “trộ” là biến thể địa phương của “trận”: Trộ mưa - trộ nam cào; một trộ - trộ gió. Đặc biệt là hệ thống đại từ xưng hô: Tau, mi, hấn, ả, eng... Đại từ chỉ trỏ: ni, nớ, tề... Từ để hỏi: rứa, hè, mô (mô rú mô sông mô nỏ chộ/ mô rừng mô biển chộ mô mồ?).
Video: Dân ca ví, giặm "Thần Sấm ngã". Nguồn: HTTV
Trong xã hội hiện đại, sự giao thoa văn hóa ngày càng rộng rãi nhưng tiếng Nghệ vẫn được bảo tồn, lưu giữ trong đời sống, như một đặc trưng phản ánh tính cách, văn hóa của con người quê hương núi Hồng - sông Lam. Dùng tiếng Nghệ vừa tạo sự dí dỏm, trào lộng trong giao tiếp, vừa tạo nên sự gần gũi, thân thương, là dấu ấn để người Nghệ khi đi xa không lẫn vào những gương mặt khác.
Xa quê hương đến nay đã 40 năm nhưng mỗi lần gặp Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh, người ta vẫn cảm nhận được tâm hồn, cốt cách của một người Hà Tĩnh nơi bà, qua lời nói, tiếng hát quê hương. “Đối với hàng nghìn người Nghệ Tĩnh hiện đang sinh sống, công tác ở miền Nam thì giọng Nghệ chính là “hồn thiêng” sông núi quê hương, ân tình nguồn cội mà những người con xa quê luôn giữ gìn như báu vật. Được nói tiếng quê trong các cuộc hội họp, gặp gỡ đồng hương, nó thiêng liêng xúc động lắm. Do vậy, khi được nghe những lời ru, điệu ví nơi xứ người, ai cũng rưng rưng thương nhớ cội nguồn. Đi xa mới biết, tiếng nói quê hương chính là nơi tìm về” - Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh chia sẻ.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Hồng Oanh là người dành nhiều tâm huyết để bảo tồn phát huy Nghệ ngữ qua các làn điệu ví giặm - hát ru ở các tỉnh phía Nam.
Trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, đã có nhiều bài thơ, ca khúc sử dụng âm sắc, từ ngữ xứ Nghệ tạo dấu ấn riêng, lan tỏa rộng rãi trong đời sống được người dân cả nước yêu thích như ca khúc: “Người con gái sông La” (thơ Nguyễn Phương Thúy, nhạc Doãn Nho), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý), bài thơ “Tiếng Nghệ” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi hay các bài hát gần đây như: “Giọng Nghệ tìm về” của nhạc sỹ Lê Xuân Hòa, phổ thơ Lương Khắc Thanh...
Với sự đa dạng trong vốn từ vựng, giàu sức biểu đạt các sắc thái, cung bậc tình cảm, cảm xúc, miêu tả, trần thuật sự việc, sự kiện, cảnh vật, con người, cùng thổ âm đặc trưng... Nghệ ngữ góp phần làm giàu và đẹp thêm tiếng Việt trong đời sống xã hội hiện đại, là một bộ phận không thể tách rời để cộng đồng Nghệ Tĩnh muôn phương xích lại gần nhau. Như Nhà văn I-li-a E.Ren-bua (Nga) từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Từ yêu tiếng nói ông cha, người Nghệ càng nhân thêm tình yêu quê hương, chung sức dựng xây, phát triển đất nước.
Để tiếng quen không thành xa lạ...
Nghệ ngữ là hệ phương ngữ trong tiếng Việt nhưng với sự gìn giữ, phổ biến ngày càng rộng rãi đã trở thành một “thương hiệu” nhận diện văn hóa, con người xứ Nghệ trong bối cảnh hội nhập. Tuy giàu sức biểu cảm nhưng trong giao tiếp đại chúng, tiếng Nghệ vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi người Nghệ phải linh hoạt uyển chuyển sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, phương ngữ, thổ ngữ trong công việc, học tập để đạt hiệu quả.
CLB dân ca ví giặm các tỉnh phía Nam biểu diễn trong một sự kiện văn hóa ở TP Hồ Chí Minh năm 2022. Ảnh: NNND Hồng Oanh cung cấp.
Anh Dương Văn Thế (quê ở Lộc Hà, hiện công tác ở Lào Cai) bày tỏ: “Tiếng Nghệ có sự đa dạng về từ ngữ biểu đạt từ những đại từ xưng hô đến các tính từ, động từ... nhưng nếu dùng không đúng ngữ cảnh sẽ rất thô, có khi tục khiến người đối diện dù là người Nghệ cũng cảm thấy khó chịu. Đặc biệt là những tính từ biểu thị thái độ thô lỗ, cộc cằn... Vì vậy, rất cần loại bỏ, hạn chế”. Được biết, vì yêu tiếng quê hương, trước đây, anh Thế có tham gia vào một nhóm Nghệ ngữ trên mạng xã hội với mục đích được giao lưu bằng tiếng quê cho thỏa nhớ mong. Tuy nhiên, một số thành viên trong nhóm lạm dụng những từ ngữ thô thiển để đăng bài, bình luận khiến anh khó chịu và rời nhóm.
Một trong những hạn chế của Nghệ ngữ trong quảng giao với mọi miền là thổ âm nặng, khiến khi phát âm những từ ngữ có dấu ngã (~), dấu hỏi (?) thường bị nói thành dấu nặng (.), một số vùng dấu nặng (.) lại biến thành dấu huyền (`), huyền (`) thành dấu sắc (’)... Điều đó gây hiểu lầm hoặc khó hiểu đối với người ở vùng miền khác. Mặt khác, thổ âm nặng của người Nghệ cũng là một rào cản khi học ngoại ngữ. Tại Hội thi Nghiệp vụ lễ tân các cơ sở lưu trú liên tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023 vừa diễn ra tại TP Vinh, điều này thể hiện rất rõ. Đó là một vài thí sinh của Nghệ An và Hà Tĩnh khi thuyết minh bằng tiếng Anh có âm sắc mang nặng thổ âm vùng miền, khiến ban giám khảo và một số khán giả cảm thấy khó hiểu.
Quê hương sông Lam, núi Hồng. Ảnh: Đình Nhất.
Theo một số nhà văn, nhà nghiên cứu, để tiếng Nghệ giữ được bản sắc mà vẫn hòa nhập vào đời sống hiện đại, điều đầu tiên là phải có những chủ trương, chính sách bảo tồn. Trong đó, các trường học cần có những giờ học bài bản về cái hay, cái đẹp cũng như hạn chế của Nghệ ngữ; tăng cường bảo tồn di sản văn hóa như: hát ru Nghệ Tĩnh, dân ca ví, giặm, ca trù..., qua đó làm sống dậy những từ ngữ ông cha mang tâm thức, tâm hồn đặc trưng của người Nghệ. Các văn nghệ sỹ, nghệ nhân cần ý thức trách nhiệm bằng cách đưa lời ăn tiếng nói ông cha từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, cách nói... của người Nghệ vào tác phẩm của mình. Từ đó lan tỏa vẻ đẹp của Nghệ ngữ trong đời sống hiện đại.
Với mỗi cá nhân trong cộng đồng người Nghệ cần phải chú trọng phát âm và dùng từ ngữ linh hoạt trong từng ngữ cảnh, chú ý từ toàn dân để người nghe tiếp nhận dễ dàng nội dung, tránh hiểu nhầm, gây những cản trở trong công việc và cuộc sống.