Hà Tĩnh: Linh hoạt ứng phó “vụ xuân lạnh” để đảm bảo sản xuất thắng lợi

(Baohatinh.vn) - Trước dự báo thời tiết bất lợi, sâu bệnh hại có nhiều nguy cơ bùng phát gây hại cây trồng ở vụ xuân 2023, đòi hỏi ngành chuyên môn, các địa phương ở Hà Tĩnh cần chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thắng lợi của vụ lúa chính trong năm.

Hà Tĩnh: Linh hoạt ứng phó “vụ xuân lạnh” để đảm bảo sản xuất thắng lợi

Xã Phù Lưu (Lộc Hà) ra quân làm thủy lợi, chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2023.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Hà Tĩnh, nền nhiệt độ vụ xuân 2023 khả năng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Do nhuần hai tháng 2, thời điểm xuống giống các trà lúa xuân chủ lực sẽ tập trung từ ngày 10/1 - 8/2, cơ bản trùng với tiết đại hàn - lập xuân, dự báo khả năng thời điểm này sẽ xuất hiện đợt rét đậm, rét hại. Chưa hết, giai đoạn lúa trổ bông sẽ vào đầu tháng 3 (âm lịch), nguy cơ gặp gió mùa Đông Bắc rất cao, ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây.

Từ tháng 2 - 4/2023, nền nhiệt độ các khu vực Hà Tĩnh ở mức xấp xỉ TBNN, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh cuối mùa kèm mưa ẩm, trời âm u, ẩm độ đạt từ 80 - 90%, nhiệt độ trung bình 21 - 26 độ C. Theo các nhà chuyên môn, điều kiện này sẽ là môi trường thích hợp cho dịch bệnh trên lúa phát sinh, nhất là đối với địa phương có nhiều vùng tiểu khí hậu đa dạng và các vùng mẫn cảm với bệnh đạo ôn.

Hà Tĩnh: Linh hoạt ứng phó “vụ xuân lạnh” để đảm bảo sản xuất thắng lợi

Dự báo thời tiết từ tháng 2 - 4/2023 xuất hiện các đợt không khí lạnh cuối mùa kèm mưa ẩm, trời âm u, độ ẩm cao là điều kiện để nhiều loại dịch bệnh phát sinh, gây hại. Trong ảnh: Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa xuân 2022 ở huyện Nghi Xuân.

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Vụ xuân 2023 tiếp tục được xác định là sẽ thiên về lạnh, cộng với là năm nhuần nên việc bố trí lịch thời vụ phù hợp, né tránh được bất lợi của thời tiết gặp khá nhiều khó khăn. Điều đáng nói, tâm lý người dân từ trước tới nay thường triển khai gieo cấy lúa vụ xuân kết thúc trước tết Nguyên đán nên sẽ ảnh hưởng không ít đến công tác chỉ đạo về thời vụ; tư duy xem nhẹ công tác phòng trừ sâu bệnh là nguy cơ khiến dịch rất dễ bùng phát, lây lan nhanh. Bên cạnh đó, còn nhiều địa phương sử dụng giống ngoài cơ cấu, mẫn cảm với bệnh đạo ôn; tập quán canh tác một số vùng còn gieo cấy dày, bón phân không cân đối, bón nặng đạm về cuối vụ trở thành “mồi lửa” cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại diện rộng".

Theo nhận định của các địa phương tại cuộc họp trực tuyến triển khai đề án sản xuất vụ xuân do Sở NN&PTNT tổ chức vừa đây thì giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cao, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chú trọng đầu tư sản xuất thâm canh và công tác phòng trừ sâu bệnh của người dân.

Tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống phù hợp

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt phù hợp. Diện tích gieo cấy lúa vụ xuân toàn tỉnh là 59.049 ha, phấn đấu sản lượng đạt trên 33,5 vạn tấn, năng suất đạt trên 56,7 tạ/ha. Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống, xuống giống nhóm chủ lực sẽ tập trung xuống giống từ ngày 10/1/2023 - 8/02/2023, bố trí lúa trổ tập trung từ 25/4 - 30/4, kết thúc trước 5/5.

Đối với những địa phương có lợi thế về địa hình, tưới tiêu thuận lợi và có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thẳng theo thời vụ bắc mạ. Những vùng khó khăn hơn cần cân đối nguồn nước, bắc mạ cấy để đảm bảo sự an toàn cho lúa sinh trưởng đảm bảo trong khung thời vụ. Cơ cấu bộ giống lúa đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu.

Hà Tĩnh: Linh hoạt ứng phó “vụ xuân lạnh” để đảm bảo sản xuất thắng lợi

Huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành làm đất lần 1 để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2023.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến nghị, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, xem xét thời điểm xuống giống vào cuối khung lịch thời vụ của các trà lúa để giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh; khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật, đồng thời căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Hiện nay, tại các địa phương, cùng với việc lên kế hoạch, sẵn sàng cho công tác chuẩn bị xuống giống vụ sản xuất chính trong năm, chính quyền các cấp cũng tăng cường cao nhất công tác quản lý Nhà nước về thời vụ sản xuất, cung ứng giống và vật tư.

Ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho biết: “Vụ xuân 2023, huyện sản xuất trên 9.100 ha lúa. Thực trạng nhiều năm ở địa phương cho thấy, nhiều người dân do muốn tranh thủ thời gian canh tác trên đồng ruộng đã không tuân thủ đúng lịch thời vụ, xuống giống cùng một lần các loại giống, giống xuống trước lịch thời vụ... Để ứng phó với những khó khăn của vụ xuân 2023, huyện chỉ đạo các địa phương tuân thủ, chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của tỉnh và cơ cấu giống lúa của đia phương. Riêng đối với việc bắc mạ, nhất quyết 100% phải được phủ ni lông".

Vụ xuân 2023, Cẩm Xuyên cơ cấu các giống lúa chủ lực như: Nếp 98, Khang dân 18, Xuân Mai 12, RVT, BT09, Bắc Thịnh... Huyện đang tập trung tích tụ, chuyển đổi ruộng đất lần 3 tại 12 xã với hơn 900 ha; chỉ đạo sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị. Thời điểm này, huyện đang phối hợp với các công ty kinh doanh giống cung ứng đủ số lượng, chất lượng về địa bàn, đảm bảo cho bà con nông dân xuống giống kịp thời vụ.

Tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo, kế hoạch linh hoạt, các địa phương của Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của ngành NN&PTNT để đẩy mạnh sản xuất toàn diện trên tất cả các đối tượng cây trồng, phấn đấu đạt và vượt cả về diện tích, năng suất lẫn sản lượng lúa vụ xuân 2023.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.