Pin sau khi sử dụng nếu không được thu gom xử lý đúng quy định sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường sống.
Nghiên cứu của Viện Khoa học môi trường và Phát triển (Bộ TN&MT), lượng thủy ngân có trong một cục pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm... Khi con người hấp thụ qua đường ăn uống hoặc hít thở, các độc tố phát tán từ pin có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch.
Hiểu được sự nguy hiểm đó, đầu năm học 2018 - 2019, cô Đậu Thị An - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đại Nài đã khởi xướng và phát động trong học sinh toàn trường về việc thu gom pin đã qua sử dụng.
Cô An chia sẻ: “Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, người dân có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chung vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, lúc này pin có thể bị đốt hoặc chôn lấp, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Trước thực trạng đó, tôi chọn cách tác động ngay từ gốc đó là giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho các em học sinh ngay khi từ còn nhỏ. Hy vọng rằng, khi việc phân loại, thu gom rác đã trở thành thói quen thì chính các em sẽ làm nên sự thay đổi ý thức ở phụ huynh và người thân”.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, việc thu gom pin đã qua sử dụng được các em học sinh trường Tiểu học Đại Nài (TP Hà Tĩnh) triển khai hiệu quả
Với ý nghĩa đó, hàng trăm viên pin cũ từ các vật dụng như điều khiển, đồ chơi, đèn pin, đài cassette, đồng hồ... tại các gia đình đã và đang được các em học sinh thu gom đưa về tập kết tại thùng thu gom pin đặt tại sân Trường Tiểu học Đại Nài.
Em Nguyễn Thị Yến Nhi, lớp 5B, trường Tiểu học Đại Nài vui vẻ: “Sau khi nghe cô Tổng phụ trách Đội phát động, tuyên truyền, em hiểu hơn nhiều về hậu quả, sự nguy hiểm khi vứt rác bừa bãi, đặc biệt là pin đã qua sử dụng. Em đã thu gom được 6 cục pin mang về thùng thu gom của trường, sắp tới em và các bạn sẽ tiếp tục thu gom pin. Đây là những việc không hề nặng nhọc mà bọn em có thể làm được".
Chị Nguyễn Thị Phong Lan, phụ huynh học sinh cho biết: “Con về nhà cứ hay hỏi bố mẹ “Pin điều khiển tivi còn dùng được không mẹ? Bao giờ pin không dùng được nữa mẹ không được vứt lung tung mà hãy cho con nhé!" Lúc đầu tôi cứ nghĩ con lấy để chơi hay có trò gì nghịch phá, thế nhưng sau đó nghe con nói về hoạt động ý nghĩa này, tôi rất vui và hết lòng ủng hộ. Đáng mừng hơn, từ đó con có ý thức hơn trong phân loại rác, vứt rác đúng quy định”.
Biện pháp tạm thời được cô trò Trường Tiểu học Đại Nài áp dụng đó là đựng pin trong chai nhựa
Sau đó đổ cát, đổ nước vào chai và đặt ở chỗ cao ráo, tránh tầm tay trẻ em
Việc thu gom pin cũ đang được triển khai hiệu quả, tuy nhiên vấn đề đang khiến cô trò Trường Tiểu học Đại Nài “đau đầu” đó là việc xử lý pin sau khi thu gom.
Cô Đậu Thị An cho biết: “Pin sau khi thu gom cần được gửi đến nơi có nhà máy xử lý chuyên dụng, đảm bảo quy định nghiêm ngặt về môi trường hoặc gửi đến Chương trình Việt Nam tái chế qua các địa chỉ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để các đơn vị đó thu gom pin thì mình phải trực tiếp đưa pin đến các địa điểm, trong khi đó kinh phí hỗ trợ cho việc này trường không đảm đương được, cũng không có đơn vị nào hỗ trợ kinh phí. Vì vậy, cô trò đang rất bối rối chưa biết xử trí thế nào. Vừa qua, đọc các thông tin trên mạng, biết được cách xử lý thủ công là bỏ pin vào chai nhựa, đổ thêm cát và nước rồi chôn xuống đất, nhưng hiện tại thông tin này chưa được kiểm chứng nên chúng tôi chưa yên tâm”.
Bí thư Thành đoàn Hà Tĩnh Nguyễn Duy Ngân bày tỏ: “Việc làm của Liên đội Trường Tiểu học Đại Nài rất ý nghĩa và hiệu quả. Chúng tôi mong muốn Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng liên quan cùng phối hợp, hỗ trợ kinh phí hoặc có các hướng dẫn để xử lý pin sau thu gom; qua đó, nhân lên hiệu quả của hoạt động ý nghĩa này”.