Ông Nguyễn Anh Tuấn, một người chơi cây cảnh thâm niên ở thị trấn Đức Thọ cho biết: Cây cảnh có giá phải hội đủ 3 yếu tố quan trọng, đó là cổ - kì - mỹ. Chính vì thế, cây cảnh muốn có giá trị lớn phải có tuổi thọ lâu đời, có độ độc, lạ và dáng cây phải đẹp mắt.
Trong vườn cây với đủ loại thuộc diện “kỳ hoa dị thảo” của ông Tuấn nổi bật là cây sanh có tuổi đời trên 50 năm, dáng cổ kiểu đa làng (cây có nhiều tán, lá kiểu tản mây), từng được trả giá gần nửa tỉ đồng.
Ngoài sanh còn có những cây như: Lộc vừng, lan rừng...
Cây trong vườn nhà ông Tuấn đều có tuổi thọ hàng chục năm và giá khá cao.
Ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, vườn cây của gia đình ông Phan Văn Hồng được mệnh danh là “khu vườn nhỏ, thế bonsai”. Ông Hồng là người chơi cây cũng là người thường xuyên mua, bán và thẩm giá cây cảnh. Nhiều cây cảnh trong vườn được chính ông tự tay ươm, chiết trồng, tự mày mò học tạo dáng.
Vườn của “nghệ nhân” này có đủ loài cây cảnh như: Sanh, lộc vừng, tùng, bách
Cây sanh thế đa làng của gia đình ông Hồng từng được một vị khách ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) muốn đổi ngang chiếc ô tô.
Cũng ở làng khoa bảng này, vườn của gia đình ông Phan Văn Vũ chẳng khác gì là “khu sinh vật cảnh” khi có hàng loạt những cây độc lạ, như cây sung thế long dáng (cây sung dáng rồng), cây lộc vừng thế bạt phong hồi đầu (rồng quay đầu theo gió), lộc vừng dáng phu thê (lộc vừng vợ chồng); cây si thác đổ; cây si thế đa làng… cùng hàng loạt “kỳ hoa dị thảo” lạ như hoa nhài Nhật, bồ đề…
Cây lộc vừng dáng phu thê được ông Vũ mua về cách đây 10 năm
Cây sung thế trong khu tiểu cảnh của gia đình ông Phan Văn Vũ trĩu quả
Giới chơi cây cảnh cho rằng, nếu đứng trên triền đê La Giang nhìn vào khu vườn của gia đình ông Vũ thì chẳng khác nào đây là khu vườn “thượng uyển”.