Số diện tích gieo trỉa được của gia đình bà Nguyễn Thị Xuân bị ngập úng nên chậm phát triển, một số bị hỏng rễ rồi chết dần.
Bà Nguyễn Thị Xuân (TDP Phú Đông, thị trấn Lộc Hà) chia sẻ: “Từ cuối tháng 1 thời tiết mưa rét liên tục nên gia đình mới chỉ gieo trỉa được 5 sào lạc, còn 3 sào nữa phải chấp nhận chậm lịch thời vụ.
Điều đáng lo hơn là 5 sào lạc đã xuống giống của gia đình cũng nảy mầm không đều (chỉ đạt được khoảng 70%), cây nào sống được thì bị còi cọc, vàng lá, úng rễ… Gia đình đứng trước nỗi lo phải gieo trỉa lại lần nữa số diện tích này khi lịch thời vụ đã “sát nút”.
Một số diện tích lạc của nông dân Lộc Hà bị ngập do mưa rét kéo dài.
Những ngày này, anh Phan Văn Nam (thôn Thanh Tân, Thạch Châu, Lộc Hà) thường xuyên thăm đồng để theo dõi tình trạng phát triển của số lạc đã gieo cấy của gia đình. Anh Nam thông tin: "Các đợt lạnh ra năm luôn kèm mưa dày hạt nên nhiều diện tích ở vùng thấp, trũng bị ngập nước, thối rễ rồi chết dần. Chúng tôi chỉ còn biết trông chờ trời ấm lên mới tập trung trỉa dắm”.
Được biết, hiện nay, toàn huyện Lộc Hà đã gieo trỉa được gần 900 ha, đạt 90% diện tích theo kế hoạch. Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số diện tích lạc đã xuống giống bị chết, số sống được thì vàng lá, khẳng khiu, chỉ có vùng đất cát khô bà con tranh thủ làm từ trước tết âm lịch là cây đã phát triển tương đối tốt.
Toàn huyện Lộc Hà đã gieo trỉa được gần 900 ha, đạt 90% diện tích theo kế hoạch.
Ông Phan Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Số diện tích chưa gieo trỉa của địa phương chủ yếu tập trung ở vùng trũng, thấp của các xã Thạch Châu, Hồng Lộc, Bình An, thị trấn Lộc Hà. Ngành chuyên môn đã có hướng dẫn đến từng thôn, tổ dân phố thường xuyên thăm đồng, nhanh chóng rút hết nước ra khỏi khu vực gieo trỉa.
Đồng thời, khi hết mưa cần tập trung xới nhẹ, phá vỡ lớp váng, lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, sớm cải tạo lại bộ rễ; chưa vội bón phân, đạm, kali vì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm phát triển; chủ động ủ giống để sẵn sàng dặm trỉa lại số diện tích bị chết khi thời tiết ấm lên”.
Nhiều diện tích trên toàn tỉnh chưa thể gieo trỉa do ảnh hưởng của thời tết.
Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có diện tích lạc xuân tương đối lớn (gần 900ha) nhưng tiến độ gieo trỉa đang “giẫm chân tại chỗ” do thời tiết mưa ẩm kéo dài. Với tình trạng này, địa phương không thể hoàn thành được đúng lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo.
Bà Trần Thị Vân (xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) cho biết : “Năm nay, gia đình tính làm 3 sào lạc nhưng đất ướt quá nên tôi chỉ mới gieo trỉa được hơn 1 sào. Chắc gia đình chuyển sang trồng đậu ngắn ngày chứ giờ chờ hết đợt mưa lạnh từ để đất khô ráo phải thêm cả tuần thì chậm thời vụ”.
Đến thời điểm này, khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là khung lịch thời vụ gieo trỉa lạc xuân khép lại thì toàn tỉnh chỉ mới đạt hơn 6.000ha/10.384ha (gần 58% kế hoạch). Rất nhiều địa phương có diện tích xuống giống thấp như: TP Hà Tĩnh (2%), huyện Cẩm Xuyên (22,3%), TX Kỳ Anh (21,1%), huyện Hương Khê (38%), huyện Hương Sơn (30%)…
Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới xuống giống được hơn 6.000ha/10.384 ha (đạt gần 58% kế hoạch).
Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh) Phan Văn Huân cho biết: “Trước tình trạng mưa rét kéo dài, ngành chuyên môn đã tính toán thêm thời gian gieo trỉa lạc xuân 2022 đến 10/3. Tuy nhiên, đối với những địa phương đã quá chậm so với kế hoạch thời vụ thì nên hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ngắn ngày như rau, đậu xanh, đậu đen…”.