Vụ lạc xuân năm 2025, huyện Thạch Hà có kế hoạch gieo trỉa trên 977 ha với các giống chủ lực như: L18, TB 25, V79… Thời điểm này, các vùng sản xuất lớn như: Bình An, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Hồng Lộc… người dân đang tập trung ra đồng làm đất, gieo trỉa lạc xuân.
Bà Trần Thị Minh (thôn Đại Yên, xã Thạch Mỹ) chia sẻ: “Gia đình tôi đã xuống giống được khoảng 2 sào lạc xuân, số ít còn lại sẽ sớm hoàn thiện trong vài ngày tới. Để đảm bảo năng suất, bên cạnh nguồn giống tốt, được bóc vỏ, tuyển lựa kỹ, chúng tôi cũng tập trung xử lý đất, cày bừa, đảm bảo điều kiện tốt nhất để cây phát triển”.
Không chỉ có các vùng sản xuất lạc xuân nhộn nhịp những ngày đầu năm, thời điểm này, nhiều hộ dân tại xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) cũng tất bật xuống đồng chăm sóc dưa chuột - một trong những loại rau màu chính đem về nguồn thu nhập khá trên địa bàn.
Ông Trần Hậu Vơi (thôn Đồng Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn) cho biết: “Trước đây, cánh đồng này thường chỉ trồng một vụ lúa, từ khi chuyển sang trồng dưa chuột, năng suất cao, giá ổn định. Với 3 sào dưa chuột xuống giống từ 20 tháng Chạp, thời điểm này, cây phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau 3 tuần tới. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tôi xuống đồng để bón phân, cột lại giàn phòng trừ có mưa trong những ngày tới”.
Tại vùng sản xuất màu tập trung thuộc vùng bãi ngang xã Thạch Văn (TP Hà Tĩnh), sau đợt mưa rét nhiều ngày qua, nhiều hộ dân đã nhanh chóng triển khai các công đoạn sản xuất, đảm bảo kịp thời vụ, né tránh các đợt thời tiết tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Tiết (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vụ xuân năm nay gia đình tôi gieo 5 sào lạc. Trước khi xuống giống, tôi xử lý nền đất bằng vôi, rải phân chuồng, phân đạm,… sau đó cày bừa, dọn bờ. Đến thời điểm này, gia đình đã xuống giống được hơn 2 sào, dự kiến sẽ hoàn thành số diện tích còn lại trong vài ngày tới”.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Bắc Văn) cũng đang tập trung chuẩn bị giống, phân bón để xuống giống lạc. Ông Hoàng cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đồng hoa màu, trong đó có 10 sào trồng lạc, số còn lại dự kiến trồng các loại dưa đỏ, dưa lê. Thời điểm đầu năm thường rất bận rộn, chúng tôi phải cân đối thời gian, theo dõi thời tiết để tiến hành các khâu sản xuất, đảm bảo thời vụ. Trong tháng 2 này, gia đình tôi sẽ cố gắng gieo trỉa toàn bộ diện tích lạc, 2-3 tuần nữa sẽ tiến hành xuống giống dưa”.
Cũng theo ông Hoàng, vụ lạc xuân được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thạch Văn kỳ vọng bởi năng suất cao, giá bán ổn định. “Nếu thời tiết thuận lợi, vụ lạc xuân sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 4 âm lịch. Trung bình mỗi sào đem về cho người nông dân từ 7-8 triệu đồng. Nhiều năm liền, lạc xuân được bán với giá cao nên chúng tôi càng thêm phấn khởi, có động lực sản xuất các mùa vụ tiếp theo” – ông Hoàng cho biết.
Bên cạnh sản xuất lạc xuân, một số hộ dân tại vùng trồng rau màu tập trung thuộc thôn Bắc Văn (xã Thạch Văn) cũng đang tất bật chăm sóc lứa củ cải, cà rốt gối vụ nhằm đảm bảo năng suất cung ứng ra thị trường. Ông Nguyễn Đình Thắng (thôn Bắc Văn) chia sẻ: “Sản xuất gối vụ giúp gia đình tôi có được nguồn thu nhập ổn định từ 7-8 triệu/sào/vụ. Thời điểm sau Tết, gia đình tôi có hơn 1 sào diện tích củ cải đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy, tôi cũng tập trung làm đất, chăm bón, kỳ vọng khi thu hoạch sẽ có được mức giá cao”.
Vụ xuân 2025, toàn xã Thạch Văn sản xuất khoảng 140 ha rau màu, 128 ha lạc xuân, số còn lại sản xuất gối vụ các loại như củ cải, cà rốt…
“Thời điểm này, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật lực để hoàn thành gieo trỉa lạc xuân đúng thời vụ. Bên cạnh đó, tiến hành chăm sóc rau màu để đảm bảo chất lượng, sản lượng thu hoạch. Chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân theo sát thời vụ, đảm bảo các công đoạn sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật” – ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho hay.
Không khí sản xuất rộn ràng trên những cánh đồng rau màu trong ngày đầu xuân năm mới thể hiện kỳ vọng của bà con nông dân về một vụ mùa thắng lợi, bội thu. Để đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, cho năng suất cao, các địa phương đang phối hợp với ngành chuyên môn triển khai các giải pháp hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc người dân đảm bảo xuống giống đúng thời vụ, hết diện tích. Bên cạnh đó, chủ động thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, phát hiện các đối tượng dịch hại để có phương án phòng, trừ kịp thời, hiệu quả.