Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với mong muốn Bảo tàng Hà Tĩnh sẽ là nơi bảo tồn và lan tỏa rộng rãi những giá trị di sản văn hóa quê hương, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã tình nguyện hiến tặng hàng trăm cổ vật, hiện vật và tư liệu quý cho bảo tàng.

Video: Ông Trần Đức Hạnh (TP Hà Tĩnh) chia sẻ về việc hiến tặng cổ vật cho Bảo tàng tỉnh.

Vào ngày 21/9 vừa qua, Bảo tàng Hà Tĩnh đã làm lễ tiếp nhận 7 cổ vật quý do ông Trần Đức Hạnh (80 tuổi, ở TDP 4, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) hiến tặng.

7 cổ vật hiến tặng được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 với 5 cổ vật được xác định có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm là 2 chiếc rìu đá được chế tác thủ công công phu với bề mặt được mài nhẵn,1 cái đốc rìu hình vuông, 2 cái còn lại chưa xác định được chức năng; nhóm 2 có 2 cổ vật là 1 hũ gốm sành màu da lươn và 1 nậm gốm tráng men ngà được xác định xuất xứ vào thời Hậu Lê cách đây khoảng từ 300 - 600 năm.

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Ông Trần Đức Hạnh (thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh tại lễ tiếp nhận cổ vật hiến tặng.

Đây là những cổ vật được ông Trần Đức Hạnh và gia đình sưu tầm và cất giữ hàng chục năm nay tại gia đình mình. Trong đó, 2 cổ vật là hũ gốm sành màu da lươn và nậm gốm tráng men ngà được bố mẹ ông Hạnh nhặt được khi cày ruộng trên cánh đồng ở quê ông (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) cách đây khoảng 70 năm trước.

Nhóm 5 cổ vật còn lại được người anh rể ông Hạnh đào được tại thôn Nam Viên (xã Xuân Viên, Nghi Xuân) cách đây khoảng 50 năm và tặng lại cho ông.

Nhận thấy đây là những cổ vật quý hiếm nên nhiều năm qua, ông Hạnh luôn giữ gìn cẩn thận. Dịp gần đây, thông qua một người bạn giới thiệu về vai trò chức năng của Bảo tàng Hà Tĩnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, ông Hạnh bày tỏ nguyện vọng hiến tặng lại số cổ vật cho bảo tàng.

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Nhóm cổ vật quý hiếm do ông Trần Đức Hạnh hiến tặng cho Bảo tàng Hà Tĩnh.

Ông Trần Đức Hạnh cho biết: “Hiến tặng cổ vật mình sưu tầm và lưu giữ cho Nhà nước là tâm nguyện của tôi từ lâu nay. Vì vậy, sau khi được Bảo tàng Hà Tĩnh tiếp nhận, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Tôi tin rằng, với vai trò của bảo tàng, những cổ vật quý này sẽ hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nhất là lan tỏa tới thế hệ trẻ và người dân những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương”.

Trước đó, Bảo tàng Hà Tĩnh cũng đã tiếp nhận nhiều cổ vật, hiện vật và tài liệu quý do người dân hiến tặng như: Bộ đồ nghề làm thuốc, mộc bản các cuốn sách đông y của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Hội Đông y Hà Tĩnh; các hiện vật về dụng cụ lao động nghề truyền thống của người dân nhiều địa phương trong tỉnh; các tài liệu ghi chép lịch sử cách mạng thời kỳ 1930-1945 của một số cá nhân, tập thể ở huyện Hương Khê, Lộc Hà...

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Một số cổ vật liên quan đến nghề đông y Hà Tĩnh do Hội Đông y Hà Tĩnh hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh.

Trong số đó, Bảo tàng Hà Tĩnh đã được hiến tặng bộ tài liệu với hàng chục hiện vật gốc quý hiếm về cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 từ dòng họ Mai ở xã Tân Lộc (Lộc Hà). Số tài liệu này đều được làm bằng giấy bù màu nâu, một số trang đã bị rách viền, được chép tay bằng chữ quốc ngữ. Trong đó, có cuốn sách “Người Đỉnh Lự”, khổ 22cm x 15cm, ghi chép lại quá trình hoạt động cách mạng của các đảng viên cộng sản trong chi bộ Đỉnh Lự thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931.

Ngoài ra, còn có tập tài liệu kích thước 29cm x 20cm cũng chép bằng tay viết về lịch sử làng Đỉnh Lự và quá trình hội họp, hoạt động cách mạng giai đoạn 1930 - 1936 tại làng Đỉnh Lự (nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà). Cuốn sách cùng với một số giấy tờ, biên bản của các lão thành cách mạng được một đơn vị của Nhật Bản gửi cho Việt Nam và sau đó đã chuyển lại cho dòng họ Mai lưu giữ.

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Bộ tài liệu về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh do họ Mai (xã Tân Lộc, Lộc Hà) hiến tặng cho Bảo tàng Hà Tĩnh.

Không chỉ người dân Hà Tĩnh, thời gian qua, thông qua sự vận động, kết nối của ban lãnh đạo và cán bộ bảo tàng, nhiều nhà sưu tầm ở các tỉnh, thành trên cả nước cũng đã tích cực hiến tặng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng Hà Tĩnh. Trong số này phải kể đến các cá nhân như: ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Tấn Ngọc, Nguyễn An, Lâm Tấn Bình đều sống ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã hiến tặng cho bảo tàng tỉnh hơn 400 cổ vật, hiện vật quý có xuất xứ đa dạng về quốc gia và niên đại, trong đó có một số cổ vật được sưu tầm tại Hà Tĩnh.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Ngọc Ẩn (TP Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết: “Nhận thấy tâm huyết của cán bộ Bảo tàng Hà Tĩnh và mong muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa quê hương, đất nước của Nhân dân Hà Tĩnh, tôi đã quyết định hiến tặng và vận động bạn bè hiến tặng số cổ vật, hiện vật trên. Ngoài số hiện vật đã tặng, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hiến tặng cho Bảo tàng Hà Tĩnh một số bộ sưu tập khác mà chúng tôi sưu tầm được”.

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Một số cổ vật có niên đại hàng nghìn năm được trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh.

Theo thống kê của Bảo tàng Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến nay, bảo tàng đã tiếp nhận hơn 500 cổ vật, hiện vật và tư liệu quý có giá trị khảo cổ học và lịch sử do người dân trong và ngoài tỉnh tình nguyện hiến tặng. Số cổ vật, hiện vật này đã được cán bộ bảo tàng thực hiện các công tác tiếp nhận, kiểm kê, đánh giá và phân loại để bảo quản, đồng thời lên kế hoạch để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và trưng bày, triển lãm để công chúng tham quan trong thời gian tới.

Nhiều người dân hiến tặng cổ vật, tư liệu quý cho Bảo tàng Hà Tĩnh

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức tham quan trưng bày chuyên đề “Hà Tĩnh - 65 năm thực hiện lời Bác dạy”, dịp tháng 6/2022.

Thời gian qua, việc người dân tình nguyện hiến tặng nhiều hiện vật, tư liệu quý hiếm, nhiều cổ vật có niên đại lên đến hàng nghìn năm đã làm phong phú thêm số lượng và chất lượng cổ vật, hiện vật cho Bảo tàng Hà Tĩnh.

Thời gian tới, cùng với việc tích cực sưu tầm, chúng tôi sẽ tăng cường vận động người dân gửi các cổ vật, hiện vật và tư liệu quý vào bảo tàng trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ, phát huy giá trị. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh cũng sẽ nỗ lực trong việc bảo quản và phát huy giá trị các bộ sưu tập này, nhằm lan tỏa đến cộng đồng những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.

Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Đậu Khoa Toàn

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast