Tối 25/2, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức khai mạc Festival “Về miền quan họ” năm 2023. Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Về phía Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cùng dự. |
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc (ảnh: Dân trí).
Diễn ra từ ngày 24-28/2/2023, Festival “Về miền quan họ” có chủ đề “Miền di sản tinh hoa và bản sắc” do UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Đây là ngày hội văn hóa đặc sắc, kết nối tinh hoa, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên cả nước. Trong đó, điểm nhấn của chương trình là giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Fesival “Về miền quan họ" năm 2023 có sự tham gia của 7 tỉnh, thành phố trên cả nước đang sở hữu các di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh gồm: Hát xoan (Phú Thọ); dân ca ví, giặm (Hà Tĩnh); nhã nhạc cung đình (Thừa Thiên Huế), cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), đờn ca tài tử (Bạc Liêu), hát bài chòi (Quảng Nam) và dân ca quan họ (Bắc Ninh).
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn tiết mục dân ca ví, giặm “Bắc Ninh - Hà Tĩnh cùng chung câu hát ân tình” tại lễ khai mạc Fesival.
Tham gia Fesival lần này, bên cạnh các tiết mục biểu diễn dân ca ví, giặm tại lễ khai mạc, đoàn Hà Tĩnh còn tổ chức giới thiệu đến du khách gian hàng trưng bày không gian di sản văn hóa phi vật thể miền đất “Núi Hồng, sông La” với chủ đề "Di sản văn hoá phi vật thể Hà Tĩnh - Hành trình kết nối”.
Gần 1.000 nghệ sĩ biểu diễn tại lễ khai mạc Festival (ảnh: Dân trí).
Không gian trưng bày, giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu về di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO ghi danh gồm: dân ca ví, giặm và ca trù Cổ Đạm; các lễ hội đã được công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn.
Các nghệ nhân quan họ (Bắc Ninh) tham quan không gian di sản văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh.
Tham gia Festival “Về miền quan họ" năm 2023 là dịp để Hà Tĩnh quảng bá, giới thiệu đến công chúng và du khách những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương “Núi Hồng, sông La”; sự nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác bảo tồn di sản. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá, tăng cường kết nối, lan toả tinh hoa các miền di sản.
Cũng trong dịp này, tại không gian trưng bày di sản văn hóa phi vật thể Hà Tĩnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh sẽ tổ chức các suất diễn dân ca ví, giặm phục vụ du khách gần xa.