Thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thủ tướng dự hội nghị đối thoại với nông dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Cùng tham gia điều hành phiên đối thoại có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ngô Văn Huỳnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Trước khi diễn ra hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả, đã có gần 3.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ngô Văn Huỳnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đó là: Lãnh đạo cấp uỷ đảng, chính quyền định kỳ làm việc với hội nông dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hội; hằng năm tổ chức hoạt động đối thoại với nông dân và hội nông dân.

Phát biểu định hướng hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước.

Đại biểu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.

Tham gia ý kiến tại buổi đối thoại, bà con nông dân, các đại biểu đã thông tin về thực tiễn tình hình sản xuất hiện nay và những khó khăn, vướng mắc “điểm nghẽn” liên quan đến các cơ chế, chính sách. Đồng thời, đặt câu hỏi về những vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhất là những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành.

Trọng tâm thuộc một số nhóm nội dung như: đổi mới hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách ưu đãi để hợp tác xã xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung và xây dựng nhà máy chế biến nông sản hiện đại cho các sản phẩm chủ lực; chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh phù hợp với thực tế hiện nay; chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; giải pháp gì để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các ngư trường và khắc phục thẻ vàng IUU;

Hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; chủ trương quy hoạch đất; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp; đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; tháo gỡ rào cản, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản…

Từ các câu hỏi của người nông dân, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời và chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành liên quan trực tiếp trả lời vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách, giải đáp các ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân; góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và vai trò, vị thế, đóng góp của người nông dân trong sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trọng tâm gồm: tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, chính sách; quan tâm gỡ vướng về công tác quy hoạch; tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng;

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam; khai thác sức mạnh mềm, nâng cao giá trị văn hóa nông thôn; đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị.…

Thủ tướng đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng; xây dựng được chất lượng, thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần...

Hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.

Năm 2024, hội viên, nông dân Hà Tĩnh đã tích cực thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, các mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, kinh tế nông thôn phát triển khá.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, nông dân Hà Tĩnh còn hạn chế, thách thức như: lao động nông nghiệp có xu hướng già hóa, sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo thời vụ, thu nhập thấp; một bộ phận lớn nông dân trình độ sản xuất, khả năng tiếp cận kinh tế thị trường, áp dụng khoa học công nghệ hạn chế; quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông hộ nhỏ, phân tán, liên kết sản xuất thiếu bền vững; hạ tầng nông thôn ở một số địa phương chưa đồng bộ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói