Sáng 9/11, tại di tích đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười, TX Hồng Lĩnh tổ chức khai mạc lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười năm 2024.
Dự lễ khai mạc có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và TX Hồng Lĩnh.
Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được Nhân dân trong vùng tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công lao của Đức Quan Ông Hoàng Mười và các vị thần được thờ tại đền đã có công trong việc trấn giữ và bảo vệ mọi người khỏi nạn giặc dã, thiên tai.
Lễ hội thường được diễn ra trong tháng 10 âm lịch, chính lễ vào ngày trùng thập (mồng 10/10 âm lịch) với nhiều hoạt động và trò chơi dân gian thu hút nhiều du khách và nhân dân thập phương đến tham dự.
Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười hay còn gọi là đền Mỏ Hạc Linh Từ. Theo tư liệu lịch sử đền được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ “Nhất”; bao gồm: hậu cung (hay còn gọi là cung cấm), thượng điện, trung điện và hạ điện.
Là ngôi đền lớn nhất của cả tổng nên được gọi là đền Cả hay còn gọi là Dinh đô Quan Hoàng Mười (gọi theo nhân vật thờ chính tại đền).
Theo tín ngưỡng thờ đa thần của người Việt, đền Cả được Nhân dân phối thờ nhiều vị thần, trong đó có cả thiên thần, nhân thần và nhiên thần. Cụ thể: ngoài vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười thì đền còn thờ thần Tam Lang (thần rắn) và bà Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của Vua Lê Thái Tổ.
Năm 2024, Lễ hội đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười được tổ chức với các hoạt động chính như: Hội thi gói, nấu bánh chưng dâng Thánh; lễ rước nước (cấp thủy); lễ cung rước đệ thập Hoàng tử Vương quan (lễ cung rước Quan Hoàng Mười vân du); nghi lễ Nhà nước; lễ tế dân gian.
Dịp này, Tập đoàn Hành trình Kim Cương đã trao tặng gần 1.000 cuốn sách tranh “Giai thoại Thánh đức Quan Hoàng Mười” cho ngành giáo dục, Ban quản lý di tích, thư viện thị xã và các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ dân phố trên địa bàn TX Hồng Lĩnh.