Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

(Baohatinh.vn) - Với lợi thế ở vùng cửa biển, có nghề truyền thống sản xuất - chế biến thủy hải sản, xã Cẩm Nhượng đang dẫn đầu huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) về số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Sản xuất, chế biến nước mắm là nghề truyền thống của người dân vùng biển cửa Cẩm Nhượng. Từ lâu, nước mắm ở đây đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, sản phẩm có cung cấp cho thị trường quanh năm. Đặc biệt, từ khi xây dựng được thương hiệu OCOP, nhiều cơ sở “ăn nên làm ra”, phát triển ngày càng bền vững.

Bà Trần Thị Loan (thôn Xuân Nam, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) cho biết: “Đặc sản bao đời nay của người dân xã Cẩm Nhượng là nước mắm và các sản phẩm chế biến hải sản. Trước đây, bà con địa phương sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún và theo hình thức gia đình là chủ yếu nhưng từ khi xây dựng thương hiệu OCOP, các cơ sở đều đầu tư lại nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp hơn nên sản phẩm tiêu thụ cũng tốt hơn”.

Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

Bà Trần Thị Loan - chủ cơ sở nước mắm Loan Tuệ.

Được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao từ năm 2020, nước mắm và cà muối mắm Loan Tuệ của bà Trần Thị Loan hiện đã có mặt khắp các địa phương trong và ở ngoại tỉnh. Từ đầu năm đến nay, cơ sở sản xuất Loan Tuệ đã bán ra hơn 3.000 hộp cà muối mắm và hơn 3.000 lít nước mắm các loại, đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng. So với trước khi xây dựng thương hiệu OCOP, doanh thu của cơ sở đã tăng gấp 3 lần.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Tại xã Cẩm Nhượng, ưu việt của chương trình được khai thác triệt để nhờ địa phương có sản vật phong phú, đặc trưng và có thời gian hình thành, phát triển từ lâu đời. Và, OCOP chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển cho nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn. Người dân không chỉ mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm mà còn biết cách để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng.

Đang cao điểm mùa du lịch, những ngày này, cơ sở sản xuất - kinh doanh hải sản Thanh Sáng (thôn Hải Bắc) đón hàng chục lượt khách vào tận nơi mua hải sản các loại. Thông qua mạng xã hội, cơ sở còn tiếp cận đông đảo khách hàng khắp cả nước.

Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

Mực khô Thanh Sáng của chị Nguyễn Thị Thu là sản phẩm OCOP 3 sao

Chị Nguyễn Thị Thu - chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh hải sản Thanh Sáng chia sẻ: “Ban đầu, cơ sở của chúng tôi chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ, từ năm 2021, sau khi xây dựng thành công thương hiệu mực khô Thanh Sáng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi được khách hàng biết đến và tin tưởng nhiều hơn. Nhờ vậy, sức tiêu thụ các sản phẩm cũng tăng lên gấp nhiều lần. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở bán ra hơn 1.500 lít nước mắm và hàng trăm kg mực khô, tôm khô, tôm nõn, ruốc… Cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng”.

Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

Cơ sở sản xuất – kinh doanh hải sản Thanh Sáng mở rộng thị trường, tăng lượng tiêu thụ từ khi xây dựng được sản phẩm OCOP.

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, huyện Cẩm Xuyên hiện có 27 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, xã Cẩm Nhượng chiếm 40,7% với 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, cao nhất trên địa bàn toàn huyện.

Các sản phẩm của xã Cẩm Nhượng đã đạt chuẩn OCOP gồm: nước mắm Thu Hùng, mực khô Thu Hùng, tôm nõn Thu Hùng, nước mắm Loan Tuệ, cà muối mắm Loan Tuệ, mực một nắng Cửa Nhượng, nước mắm Lương Cẩn, chẻo Bà Châu, mực khô Thanh Sáng, tôm nõn khô Liễu Phượng, mực khô Liễu Phượng.

Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

OCOP là “vé thông hành” cho nhiều sản phẩm truyền thống của người dân xã Cẩm Nhượng

Ông Hoàng Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng chia sẻ: “Nhờ OCOP, nhiều cơ sở đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập. Đồng thời, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân địa phương theo hướng bền vững. Xã đã xây dựng nhóm zalo để liên kết các cơ sở sản xuất OCOP nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến cũng như tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ/cơ sở. Tuy nhiên, để xây dựng chuỗi liên kết bền vững, tạo thương hiệu chung, hi vọng tới đây, tỉnh quan tâm sớm xúc tiến đầu tư cảng cá và cụm công nghiệp Cẩm Nhượng".

Về xã có sản phẩm OCOP nhiều nhất xứ Cẩm

Du khách vào tận cơ sở sản xuất - chế biến của HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Thu Hùng để mua sản phẩm

Hiện nay, nhu cầu mở rộng, xây dựng thương hiệu OCOP của các cơ sở sản xuất - chế biến thủy hải sản trên địa bàn xã Cẩm Nhượng khá lớn. Tuy nhiên, do diện tích chật hẹp nên nhiều cơ sở vẫn chưa đảm bảo các điều kiện về quy mô.

Theo nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đang nỗ lực để triển khai xây dựng cụm công nghiệp nhằm đưa các cơ sở sản xuất - chế biến thủy hải sản ra vùng tập trung; từ đó xây dựng thêm được nhiều sản phẩm đạt OCOP để lan tỏa và tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm truyền thống, góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.