Anh hóa thành “Hoa ban đỏ” Điện Biên

(Baohatinh.vn) - Bây giờ, cựu chiến binh Lê Quang Nghiêm (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã là người thiên cổ, nhưng những câu chuyện ông kể cho tôi nghe về Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót vẫn còn khắc sâu trong tâm trí…

Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót. Ảnh: Internet.

Còn nhớ hồi ấy, khi tôi vừa bước vào nhà, hai vợ chồng ông Nghiêm niềm nở mời tôi ngồi vào bàn uống nước chè xanh. Vợ ông Nghiêm bảo tôi: “Ông nhà tôi thuộc diện thương binh nặng, nên chẳng làm việc gì được nữa. Hôm nào thấy khỏe trong người, ông lại cặm cụi viết”. Tôi cầm cuốn sổ lật xem mấy trang ông viết, tuy chữ hơi khó đọc nhưng ngồn ngộn cảm xúc và tư liệu. Một chủ đề mà cựu chiến binh Lê Quang Nghiêm luôn đau đáu, đó là những gương mặt đồng đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là những kỷ niệm sâu sắc về người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót.

Khi tôi muốn ông chia sẻ thêm về người bạn đã cùng chung chiến hào một thời oanh liệt, ông Nghiêm rưng rưng nhắc lại: “Tôi và anh Phan Đình Giót cùng nhập ngũ một ngày, 2 đứa vừa đồng hương vừa đồng lứa với nhau nhưng hình thể và cá tính từng người lại khác nhau. Anh Giót người mảnh dẻ, da đen, cái miệng mỗi khi cười nom hóm hỉnh và có duyên ngầm. Tính anh Giót trầm lặng, không bao giờ nổi nóng và cãi vã với ai. Ngược lại, tôi thì chắc như cột lim, nói năng sôi nổi, thích tranh luận giữa đám đông”.

Sau khi huấn luyện xong, hai ông được nhập ngũ vào C58, D428, E141, Sư đoàn 312. C58 chính là tiền thân của đội quân Hồng Hà, đã từng “tả xung hữu đột” hết đánh sân bay Gia Lâm lại diệt đồn sông Đuống, rồi tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám.

Khi lên Tây Bắc đánh đồn Sài Lương (Yên Bái), trên lại phân bổ Lê Quang Nghiêm ở cùng tổ 3 người với Phan Đình Giót. Càng gần gũi đồng hương, ông Nghiêm càng phục, càng nể những sáng kiến trong cuộc sống của người bạn này.

Biết ơn công lao của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, thế hệ trẻ Hà Tĩnh hôm nay nguyện học tập, rèn luyện, xứng đáng là con em quê hương cách mạng.

Ông Nghiêm còn nhớ, khi các chiến sĩ của chúng ta hành quân vào để tiếp tế cho bộ đội đánh đồn Sài Lương thì gặp một tình huống khá phức tạp, bởi lối vào đồn bị rừng giang rậm rịt chặn ngay trước mặt. Mấy anh em nuôi quân đang lúng túng, chưa tìm ra giải pháp luồn rừng để đưa cơm cho bộ đội thì anh Phan Đình Giót đã “hội ý” chớp nhoáng với cán bộ trung đội. Lập tức sáng kiến của anh được mọi người thao tác nhanh gọn. Họ lấy lá chuối rừng vắt cơm thành những nắm nhỏ tròn, rồi dồn vào bao tượng. Các chiến sĩ vắt chéo qua vai, cứ thế người trước bám người sau rồng rắn một cách êm thấm qua khu rừng giang rậm rạp.

“Tui thật tự hào có một người đồng hương như thế. Anh Giót tuy người nhỏ mà dai sức, thông minh trước mọi tình huống nên sáng kiến nào cũng thành công. Khi hành quân, phải mang vác động cơ, thế là anh đi tìm quần áo rách cũ may thành túi dết để đựng các thứ cần thiết. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi bộ đội ta tập trung kéo pháo vào trận địa bị phồng rộp bởi dây tời to bện bằng dừa, anh vào rừng tìm cây mấu bện thành từng sợi nhỏ cho anh em cột vào dây tời lớn, rồi luồn dây nhỏ vắt qua vai mình. Thế là khẩu pháo khỏe sức bươn đèo vượt dốc mà tay đồng đội lại không bầm rát. Sáng kiến độc đáo này được lan nhanh trong từng đơn vị. Anh Giót được biểu dương toàn Sư đoàn 312” - ông Nghiêm kể.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta tấn công vào hang ổ của địch từ căn cứ điểm Him Lam, là căn cứ được địch xây hệ thống hầm hào và lô cốt rất vững chắc. Tiểu đội của anh Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ “điểm hỏa” bằng bộc phá ống để phá tan 5 hàng rào của địch, tạo đà cho đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa. Buổi chiều ấy, sau khi nghe thư của Bác Hồ động viên, ai cũng cảm thấy như có Bác đang đứng bên cạnh mình. 17 giờ ngày 13/3/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bắt đầu. Khi bộc phá của tiểu đội Phan Đình Giót phát lên tiếng nổ khai hỏa kinh trời động đất và phá tung hàng rào dây thép gai đầu tiên thì hỏa lực của địch tập trung phản công. Trên không, máy bay địch ném bom như vãi trấu, dưới đất, địch bắn đủ các loại đạn.

Theo lời kể của ông Nghiêm, trong trận đánh này, Phan Đình Giót được giao nhiệm vụ tiểu đội phó và tổ trưởng tổ 3 người. Khi hàng rào thứ nhất phá xong và lần lượt các hàng rào khác được mở toang, kèn lệnh xung trận của tiểu đoàn vang lên thôi thúc từng trái tim chiến sĩ. Ngoài 2 hỏa điểm chính diện liên tục nhả đạn thì phía hai bên cánh gà, súng đạn đại liên cũng không ngớt phản công.

Sau một tiếng đồng hồ, pháo của ta đã dập tắt được hỏa điểm chính diện và hỏa điểm bên cánh phải. Phía bên trái vẫn chưa bịt được họng súng của giặc, Phan Đình Giót tiến sát lô cốt, khi cách hỏa điểm khoảng 5m, ông bèn sử dụng hết số lựu đạn, thủ pháo mang theo bên người hòng dập tan hỏa lực của địch.

Tuy nhiên, địch vẫn ngoan cố và điên cuồng chống trả. Hiệu lệnh xung phong lại tiếp tục phát ra mà đồng đội vẫn chưa tiến lên được. Phan Đình Giót dù đã bị thương nhưng vẫn cố gắng trườn đến lô cốt địch, rướn toàn thân và nghiêng người bịt kín lỗ châu mai. Tiếng súng từ lỗ châu mai đột ngột tắt hẳn. Trong khoảnh khắc này, trung đội đã kịp thời xung trận và diệt gọn cứ điểm Him Lam.

Trong giây phút vui sướng nhất của chiến thắng huy hoàng, bỗng một chiến sĩ trong đơn vị gọi giật giọng: “Anh Nghiêm lại xem này, có một người đang nằm che kín trên miệng lỗ châu mai”. Ông Nghiêm cùng đồng đội hớt hải chạy tới xem người đồng chí ngã xuống đó là ai thì chết lặng đi khi thi thể đã sạm đen màu thuốc súng. Đạn từ lỗ châu mai đã xé nát anh, Lê Quang Nghiêm không ngờ, khi ông lục túi áo ở ngực, mở bọc ni lông ghi tên tuổi ra xem thì chính là người đồng đội, đồng hương Phan Đình Giót.

Đoàn công tác Báo Hà Tĩnh dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Anh hùng Phan Đình Giót mãi mãi nằm lại với trận địa lịch sử, với núi rừng Tây Bắc - xứ sở mỗi mùa xuân về lại nở rộ hoa ban trắng, còn anh hóa thành “Hoa ban đỏ” Điện Biên.

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói