Dưới trời thu xanh thắm...

(Baohatinh.vn) - Tháng Tám về gọi dậy cả miền ký ức hào hùng của lịch sử, đặc biệt là không khí của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 trong lòng mỗi người dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ xóa bỏ xiềng xích nô lệ, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc mà còn thay đổi số phận của hàng chục triệu người dân Việt Nam, giúp họ từ đói rét, khổ đau, thất học trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mình.

Cụ bà Nguyễn Thị Vinh và bà Đặng Thị Nhị (bên trái) - Bí thư Chi bộ thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ cùng con dâu cả.

Một sáng đầu thu đẹp trời, tôi theo chân bà Đặng Thị Nhị - Bí thư Chi bộ thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) đến thăm cụ Nguyễn Thị Vinh - đảng viên 75 năm tuổi Đảng. Cụ Vinh sinh ngày 10/5/1930, vào Đảng năm 1949. Ở tuổi 94, cụ vẫn còn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, tự thực hiện mọi sinh hoạt cá nhân. Trong dòng ký ức về những năm tháng gắn liền với lịch sử dân tộc, cụ nhớ nhất là trận đói năm 1945 và những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, hoạt động cách mạng rồi vào Đảng.

Cụ Vinh kể: “Năm 1945, làng tôi thuộc xã Hà Hoàng (bây giờ là 2 xã Thạch Hạ, Thạch Trung) thuộc tổng Thượng Nhất, huyện Thạch Hà, nay là TP Hà Tĩnh. Làng tôi cũng như nhiều làng quê khác, đói lắm, đến muối cũng khó kiếm chứ nói gì cơm gạo. Thế nhưng, cha tôi, anh tôi đều hăng hái tham gia cách mạng. Tôi cũng thường được cha giáo dục về lòng yêu nước, chia sẻ về hoạt động cứu nước. Nhiều lần, tôi được cha cho đi theo đến các cuộc họp. Tôi nhớ, không khí trước ngày Tổng khởi nghĩa rất khẩn trương. Cha tôi đi họp nhiều hơn. Các cuộc họp được trao đổi bằng mật lệnh, có người gác bên ngoài. Tôi được giao giúp đỡ đội dân quân xã. Không nhớ ngày cụ thể nhưng tôi theo cha và anh trai cùng rất nhiều dân làng tham gia các cuộc biểu tình kéo lên huyện lỵ và tỉnh lỵ giành chính quyền. Người ta kháo nhau, nay mai sẽ có người lãnh đạo cao nhất nước ra mắt. Phải nói là vui sướng vô cùng!”.

Cụ bà Nguyễn Thị Vinh vui mừng khi quê hương, đất nước ngày một phát triển.

Ký ức của cụ Vinh cũng là ký ức chung của hàng chục triệu người dân Việt Nam, trong đó, đến nay, nhiều người đã ra đi, số còn lại như cụ Vinh rất ít ỏi. Nhưng dòng chảy ký ức ấy không bao giờ cũ mòn, phai nhạt mà theo lời kể của lớp cha ông được truyền lại và theo phim ảnh, tư liệu, nó vẫn giúp thế hệ hôm nay hình dung được rõ nét. Điều cảm nhận lớn nhất của hàng chục triệu người dân Việt Nam là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thay đổi số phận dân tộc, từ một dân tộc nô lệ, thuộc địa của Pháp trở thành dân tộc có quyền độc lập, tự do. Chế độ thực dân, phong kiến bị xóa bỏ. Người dân không còn cảnh đói rét, khổ đau, thất học, được làm chủ cuộc đời.

“Mười chín tháng Tám, ánh sáng tự do đưa tới/ Cờ bay muôn nơi tung ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang sơn/ Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề/ Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”. Lời bài hát “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh mỗi dịp thu về lại vang lên hào sảng và trầm hùng trong lòng mỗi người, khiến ai cũng thêm tự hào về lịch sử dân tộc, thêm yêu mỗi ngọn núi, con sông trên dải đất hình chữ S này. Những khúc ca một thời ấy, bố mẹ tôi, các dì, các bác tôi và chắc chắn cả những người như cụ Vinh đã từng hát dưới màu trời thu xanh thắm, hôm nay vẫn vang vọng trong tâm can chúng tôi.

Quảng trường thành phố Hà Tĩnh - nơi lưu dấu tích cổ xưa của Thành Hà Tĩnh.

Không biết bao nhiêu lần tôi dừng chân trước quảng trường trung tâm thành phố, tần ngần ngắm những dấu tích cổ xưa của Thành Hà Tĩnh, nơi chính quyền phong kiến từng đóng đô hàng trăm năm và cũng là nơi quân Pháp từng đóng đô khi xâm lược nước ta. Nơi đây, năm1945, đã từng diễn ra cuộc chuyển giao lịch sử quan trọng giữa tỉnh trưởng Hà Văn Đại và Mặt trận Việt Minh phân khu Nam Hà (Nam Hà Tĩnh). Trước khí thế ào ạt của phong trào khởi nghĩa giành chính quyền khắp nơi trong tỉnh và cả nước, một số địa phương như Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã giành được chính quyền. 9h sáng ngày 18/8/1945, hàng vạn quần chúng ở thị xã Hà Tĩnh và các vùng lân cận thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên như nước vỡ bờ đã giương cao cờ đỏ sao vàng, chỉnh tề đón chào sự ra mắt của chính quyền cách mạng lâm thời do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch. Hà Tĩnh trở thành một trong 4 địa phương giành chính quyền sớm trong cả nước.

Mùa thu năm 1945 và những năm tháng tiếp theo đối với toàn thể người dân Việt Nam, không khí diệt “giặc đói”, “giặc dốt” sôi nổi diễn ra khắp nơi, người dân hăng hái tham gia Tuần lễ Vàng do Chính phủ kêu gọi. Cụ Vinh mà tôi kể ở trên cũng đã tháo đôi trằm (bông tai) bằng bạc để hiến cho Chính phủ trong khi nhiều người trong làng hiến trâu, bò, tiền... Cụ tham gia đoàn thể, được giao phụ trách thiếu nhi và năm 19 tuổi thì được kết nạp Đảng… Đó là những tháng ngày vô cùng sôi nổi, hào hứng không chỉ đối với cụ Vinh mà của toàn thể người dân Việt Nam.

Từ mùa thu năm 1945 khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8 và ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay đã 79 mùa thu. Một chặng đường dài các thế hệ người dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Đảng và Bác Hồ, giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam hùng cường. Có xương máu, nước mắt, mồ hôi, có gian lao khó nhọc nhưng nhìn lại cơ đồ mà tổ tiên ta để lại hôm nay, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống anh hùng, cần cù, sáng tạo của Nhân dân ta để bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám - cuộc cách mạng vĩ đại có một không hai trong lịch sử dân tộc.

Thành phố Hà Tĩnh vào thu.

Dưới trời thu xanh thắm hôm nay, đứng trên quảng trường trung tâm thành phố Hà Tĩnh nhìn về bốn phía của tỉnh lỵ, hình dung lại khung cảnh quê hương năm 1945 qua các bức hình tư liệu, tôi cảm nhận rất rõ những chuyển mình mạnh mẽ của quê hương Hà Tĩnh, rộng ra là cả đất nước Việt Nam sau gần 8 thập kỷ. Chuyện về trận đói năm ấy khiến 2 triệu người dân Việt Nam thiệt mạng đã mãi mãi lùi xa, người dân hôm nay được sống trong hòa bình, tự do, cơm no, áo đẹp, đất nước mạnh giàu và phát triển. Dưới nắng thu ngời ngợi hôm nay, bầu trời như cao hơn, xanh hơn. Dòng người và xe tấp nập lướt trên những làn đường đẹp đẽ, phố xá sang trọng. Những tà áo dài của các cô, các bà đến chụp hình lưu niệm ở quảng trường như tôn thêm vẻ đẹp yên bình của thành phố quê hương.

Tôi trở lại ngôi nhà của cụ Vinh, cùng cụ ngồi dưới tán cây vú sữa trong màu nắng thu thanh bình, nghe cụ đọc những vần thơ về Bác Hồ và bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân mình bây giờ sung sướng quá, hạnh phúc quá! Cơm áo đủ đầy, nhà cửa khang trang, đường phố, đường thôn đều đẹp… Các cháu lớn lên được học hành đầy đủ, nhiều cháu còn đi du học, đi thi quốc tế và đạt giải vàng; đất nước ngày càng phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài… Được như ngày hôm nay là nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ đó cháu. Phải nhớ cái ơn đó, không bao giờ được quên các cháu nhé!”.

Tôi lắng nghe lời cụ giống như thuở còn thơ được nghe bà, nghe mẹ, nghe bố dạy vậy. Những bài học về lòng yêu nước, lòng biết ơn, lòng tự hào dân tộc chẳng bao giờ là cũ… Và hôm nay, trong không khí của mùa thu cách mạng, tôi, bạn bè tôi, các con, các cháu của tôi cũng như triệu triệu người Việt lại dậy lên những xúc cảm hào sảng về đất nước…

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói