Náo nức phiên chợ tết những ngày cuối năm ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hòa mình vào phiên chợ tết Hà Tĩnh ngày cuối năm, không chỉ tất bật với mưu sinh, mua sắm, mỗi người còn được cảm nhận về những thanh âm lắng đọng của năm cũ để mở lòng mình đón chờ năm mới.

Những con đường liên xã ở khu vực chợ Cồn (Thạch Mỹ, Lộc Hà) hôm nay rực rỡ những băng rôn, biểu ngữ, rộn rã tiếng nói cười trong dòng người nhộn nhịp đổ về chợ đông như đi hội.

Chợ Huyện (Bình An, Lộc Hà) đông nghẹt người từ sáng sớm

Không khí chợ tết bắt đầu từ mùi hương trầm phảng phất ngay lối vào các khu chợ

Đi chợ tết mỗi người một lý do nhưng ai cũng tràn ngập niềm háo hức. Đối với cụ Phan Thị Lục (80 tuổi), dù đã lên thành phố Hà Tĩnh sống nhiều năm nay, nhưng mỗi dịp tết cụ lại về chợ quê Thạch Lưu (cũ) nay là xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) để được sống trong không khí chợ quê ngày tết. Ảnh: Thùy Dung

Còn cụ Lê Thị Thiêm, 90 tuổi (Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Chợ tết đông vui lắm, nên tui rất thích. Từ xưa đến giờ, năm mô tui cũng đi cả”. Ngoài đi để tìm niềm vui, cụ Thiêm còn hái ít rau quả tự mình trồng được đem bán trong phiên chợ tết.

Không chỉ các cụ già, niềm vui đi chợ tết còn hiện rõ ở sự háo hức khi bé gái được bà đưa đi sắm đồ mới...

Chợ quê ngày tết rực rỡ với những gian hàng tranh ảnh: cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ câu đối...

Mua sắm để trang trí bàn thờ ngày tết thường là việc mà những người đàn ông quan tâm. Nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn giữ nét văn hóa truyền thống: Sắm bộ câu đối mừng xuân và mua ảnh Bác Hồ về để lên bàn thờ hoặc treo ở vị trí trang trọng trong nhà. (Trong ảnh: Một người đàn ông chọn mua một tấm ảnh Bác Hồ trước quầy hàng tranh ảnh và câu đối ở chợ Eo (Ích Hậu, Lộc Hà).

Trong khi đó, nhiều bà, nhiều chị lại quan tâm đến những mặt hàng liên quan đến đồ cúng và thực phẩm trong ngày tết. Như: Mua cau trầu, hoa quả thắp hương, các loại gia vị, thực phẩm hay sắm lá dong để gói bánh chưng...

Nụ cười rạng rỡ của cụ bà bán trầu ở chợ Huyện (Lộc Hà)

Đây cũng là dịp nhiều người dân mang những hoa trái vườn nhà

hoặc những gia vị nhà nông tự sản xuất ra chợ tết...

Các loại rau củ đều được đưa đến chợ tết nhiều hơn.

Thực phẩm phục vụ ngày tết là sự ưu tiên hàng đầu của các bà nội trợ. Những tết gần đây, để tiết kiệm thời gian, thay vì mua thịt về tự gói giò lụa theo cách truyền thống, nhiều người chọn mua giò thành phẩm đã luộc chín.

Một người đàn ông chọn gà làm lễ cúng giao thừa...

Ngoài cây cảnh để chưng tết, trái cây để đặt lên bàn thờ, tục thờ “gậy ông Vải” bằng 2 cây mía trong ngày tết là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh

Thờ 2 cây mía gắn với câu chuyện: Ngày xưa, đường sá thường lầy lội trong dịp tết nên người Hà Tĩnh quan niệm phải thờ 2 cây mía để khi ăn tết xong, ông bà tổ tiên có cây gậy chống đi cho vững. Vì vậy nhiều người kỹ càng lựa chọn cây mía phải thẳng, to và nhất là không bị sâu mọt...

Góc chợ tết ngày nay vẫn còn những hàng sửa đồ di động như thế này...

Mang xuân từ những phiên chợ tết về nhà là niềm vui đặc biệt của người Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng trong dịp tết cổ truyền dân tộc

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói