Nghệ nhân kể chuyện xây dựng hồ sơ ví, giặm trình UNESCO

(Baohatinh.vn) - Đã 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Hành trình đó ghi dấu những đóng góp của các câu lạc bộ đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hàng chục năm trước, ngành văn hóa 2 tỉnh đã có nhiều trăn trở về việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này.

10 năm được UNESCO vinh danh, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã phát huy được giá trị trong đời sống văn hóa của người dân. Ảnh Thiên Vỹ.

Năm 2009, Nghệ An thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ trên cơ sở Nhà hát Dân ca Nghệ Tĩnh đã có từ hàng chục năm trước. Năm 2012, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh cũng chính thức được thành lập trên cơ sở kiện toàn Đoàn Ca - Múa - Kịch Hà Tĩnh. Đây được coi là hành động có ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm lúc bấy giờ.

Cũng từ đó, chính quyền, ngành chức năng và giới chuyên môn của 2 địa phương quyết tâm hơn trong xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm đó, việc lập hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn bởi hoạt động hát dân ca ví, giặm đã mai một; phần lớn thế hệ nghệ nhân tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thế hệ kế tục không có vốn dân ca dày dặn. Hơn nữa, môi trường để ví, giặm phát triển, lan tỏa chưa nhiều; công tác kiểm kê di sản chưa được thực hiện…”.

CLB Dân ca ví, giặm Phù Việt (Thạch Hà) là một trong những CLB đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từng giành nhiều thành tích cao tại các hội thi, hội diễn.

Nhận thức được những khó khăn đó, lãnh đạo và ngành văn hóa các địa phương đã quyết tâm cao, cùng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách khẩn trương, tích cực. Một trong những phần việc được ưu tiên thực hiện là gây dựng phong trào ở cơ sở bằng việc tổ chức, thành lập các CLB tại một số xã, phường có tiềm năng về dân ca ví, giặm.

Cùng đó, phối hợp, đầu tư phục dựng các sinh hoạt diễn xướng dân gian để quay phim tài liệu về ví, giặm nhằm hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của UNESCO.

Các thành viên CLB Dân ca ví, giặm Phù Việt duy trì tập luyện tại đình làng Tương Nịu.

Sống trên vùng đất của dân ca ví, giặm, người dân các xã Phù Việt, Việt Xuyên và Thạch Tiến (nay là xã Việt Tiến - huyện Thạch Hà) có một tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với loại hình nghệ thuật diễn xướng này.

Những lời ca, điệu ví đã ăn sâu trong tâm thức, trong từng sinh hoạt lao động sản xuất, đời sống văn hóa của bao thế hệ người dân nơi đây. Chính vì thế, ở đây, nhiều nhóm dân ca ví, giặm được hình thành và sinh hoạt thường xuyên.

Đầu năm 2014, CLB Dân ca ví, giặm Phù Việt chính thức được thành lập trên cơ sở lựa chọn các nhân tố điển hình của 3 xã như các thành viên: Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Giang (1932-2022), Nguyễn Đức Chất, Nguyễn Thị Lan, Tô Thị Lý, Phan Văn Xuyên, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Công Bằng, Đặng Khẩn, Nguyễn Trọng Thắng…

Với vai trò chủ nhiệm CLB những ngày mới thành lập, anh Nguyễn Công Bằng - công chức văn hóa - xã hội xã Phù Việt đã cùng các thành viên tích cực sưu tầm lời cổ, phục dựng các tiết mục, tập luyện ngày đêm để kịp cho các đoàn làm phim của tỉnh, của Trung ương ghi hình tư liệu phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.

Anh Bằng cho biết: “Địa phương có nghề làm nón lá truyền thống nên các tiết mục được lựa chọn để dàn dựng chủ yếu gắn với làng nghề này, phản ánh chân thực nét đẹp văn hóa trong đời sống, lao động sản xuất của người dân. Đình làng Tương Nịu (nay thuộc thôn Trung Tiến, xã Việt Tiến) được chọn làm không gian diễn xướng chính. Dù chưa thực sự ý thức hết tầm quan trọng của việc hoàn thiện hồ sơ xét công nhận di sản nhưng các thành viên CLB rất tích cực, trách nhiệm, tham gia bằng tình yêu, niềm đam mê mãnh liệt”.

Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Thanh Minh là người có nhiều đóng góp cho việc dàn dựng các tiết mục để thực hiện phim tài liệu về dân ca ví, giặm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO.

Đã 10 năm trôi qua nhưng với vợ chồng Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Thị Thanh Minh (SN 1954) - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thế Nhuần (SN 1950) ở thôn Mỹ Sơn - xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), những ngày cùng đoàn làm phim tư liệu của Đài Truyền hình Việt Nam gấp rút quay hình để làm hồ sơ trình UNESCO vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp trong hành trình “rong ruổi cùng câu hát” của ông bà.

NNND Thanh Minh chia sẻ: “Tiết mục ví, giặm “Đố vui trên sông” của đội văn nghệ xã Cẩm Mỹ đã được đưa vào trong bộ hồ sơ trình UNESCO nhưng gần ngày xét công nhận, đoàn làm phim về xã tìm gặp chúng tôi đặt vấn đề quay thêm tiết mục khác để bổ sung. Thời gian rất gấp gáp, trong khi thời tiết mưa rét dầm dề, ảnh hưởng không nhỏ đến lịch quay của đoàn nhưng chúng tôi đã cùng nhau thực hiện tác phẩm “Ân tình xứ Nghệ” với quyết tâm cao nhất. Ai cũng tự nhủ lòng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm vì việc chung”.

CLB Dân ca ví giặm Cẩm Mỹ là một trong những CLB hoạt động hiệu quả nhất hiện nay trong việc bảo tồn, truyền dạy dân ca.

Tác phẩm được quay bên sông Ngàn Mọ, trong điều kiện diễn viên không trang điểm, chân chất trong bộ quần áo nâu, chân đất, vừa bắt cá vừa hát. Và chính vẻ mộc mạc, chân chất cùng làn điệu dân ca say đắm lòng người đã góp phần làm nên thành công của hồ sơ, chinh phục được các thành viên Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

“Đêm 27/11/2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, chúng tôi không khỏi tự hào vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào thành công đó. Ngày 28/11/2014, CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ cũng chính thức ra mắt, do tôi làm chủ nhiệm. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn tích cực tham gia các kỳ liên hoan, biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh; trao truyền tình yêu, niềm đam mê ví, giặm cho các thế hệ trẻ” - NNND Thanh Minh chia sẻ.

Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm - một trong những "bảo tàng sống" đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá để các cấp ngành hoàn thiện hồ sơ vinh danh di sản quê hương. Ảnh Thiên Vỹ.

Ngoài đóng góp của CLB Dân ca ví, giặm Phù Việt và Cẩm Mỹ thì các CLB Dân ca ví, giặm Trường Lưu (Can Lộc) với thể hát ví phường vải độc đáo và tinh tế; CLB Dân ca ví, giặm Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) với hát ví O Nhẫn mộc mạc, ân tình cũng đã đóng góp quan trọng trong thành quả chung này.

Cùng đó, các “cây đại thụ” của dân ca ví, giặm Hà Tĩnh như NNND Trần Khánh Cẩm (SN 1939), NNND Nguyễn Ban (SN 1940)… là những “bảo tàng sống” cung cấp nhiều tư liệu quý giá để các cấp, ngành hoàn thiện hồ sơ vinh danh di sản quê hương.

Sau khi góp phần quan trọng vào thành công vinh danh di sản, các CLB dân ca ví, giặm nói chung, các nghệ nhân và thành viên các CLB nói riêng vẫn tiếp tục dành tình yêu, tâm huyết với việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca ví, giặm. Họ là những hạt nhân lan tỏa di sản một cách rất tích cực và hiệu quả trong đời sống cộng đồng. Và mô hình CLB dân ca ví, giặm về sau cũng trở thành một trong những nội dung quan trọng của Chương trình hành động bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm”.

Bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh

Video: Trích tiết mục "Giặm tương tư" do nghệ danh Khánh Huyền biểu diễn tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ-Tĩnh 2023.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói