Người cộng sản Lê Hữu Hà - hậu duệ xuất sắc của đại danh y Lê Hữu Trác

(Baohatinh.vn) - Mỗi lần nghĩ về quê hương Hương Sơn, Hà Tĩnh, tôi lại rưng rưng nhớ người cộng sản mẫu mực Lê Hữu Hà - một hậu duệ xuất sắc của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Ông Lê Hữu Hà (mặc áo đỏ, quần trắng) quây quần bên con cháu lúc còn sống.

Lê Hữu Hà (1924-2020) sinh ra trong một gia tộc khoa bảng thuộc dòng họ Lê Hữu. Ông nội của Lê Hữu Hà là một trong những chủ điền trang giàu có vào bậc nhất Hà Tĩnh, từng nhiều lần tìm cách bán tài sản để lấy tiền cung cấp cho nghĩa quân Phan Đình Phùng ở căn cứ địa Vũ Quang.

Thân phụ Lê Hữu Hà là cụ Lê Hữu Vững, Nhân dân địa phương kính trọng gọi là cụ “Nghĩa Vững” đã nối tiếp truyền thống gia tộc, dùng tài sản cá nhân góp cho tổ chức của Đảng tại Hương Sơn, qua con trai là ông Lê Hữu Quán, lão thành cách mạng trong giai đoạn 1930-1940. Ông Lê Hữu Quán là cán bộ Xứ ủy Trung kỳ phụ trách các huyện Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) và Hương Sơn. Thân mẫu Lê Hữu Hà là em ruột Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm…

Ông nội nhà cộng sản Lê Hữu Hà từng bán tài sản để ủng hộ nghĩa quân Phan Đình Phùng. Ảnh Internet

Sinh ra từ gia tộc khoa bảng, giàu truyền thống yêu nước, Lê Hữu Hà sớm giác ngộ cách mạng. Năm 13 tuổi, ông được anh ruột giới thiệu, hoạt động trong tổ chức Đảng tại Hương Sơn. Năm 21 tuổi, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 24 tuổi, ông là Trưởng ban Tổ chức Khu ủy Khu 4. Năm 25 tuổi, ông là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, trực tiếp tham gia chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 26 tuổi, ông tham gia mặt trận chiến trường Tây Bắc, với cương vị Trưởng ban Chính trị Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương. Năm 28 tuổi, ông là Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch Hà - Nam - Ninh.

Hòa bình lập lại, từ 1954, ông lăn xả vào sự nghiệp xây dựng đất nước, kinh qua nhiều cương vị như: Cục phó Cục Cơ khí - Điện nước, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng… Trước khi nghỉ hưu, ông là thành viên tổ tư vấn cho Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát.

Nhiều con cháu của Lê Hữu Hà mới biết hết chức trách của ông khi nghe điếu văn tiễn ông về với tổ tiên vào một ngày thu sau kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, cũng là dịp ông đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Còn tôi, mỗi lúc nghĩ đến Lê Hữu Hà, thường không nhớ gì đến những cương vị quan trọng ông từng đảm nhiệm mà chỉ thấy mình như trẻ trung, hồn nhiên và ham muốn hoạt động theo gương ông, đồng thời có cảm tưởng mong chờ được gặp lại con người độc đáo luôn đem niềm vui và thông tin mới cho mọi người.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông là tấm gương sáng ngời để người cộng sản Lê Hữu Hà noi theo. Minh hoạ Internet

Trong ngày Lê Hữu Hà “đi xa”, những người thân của ông đã đúc kết Lê Hữu Hà đã để lại cho đời 5 bài học như là “năm cánh hoa nở ra từ một đóa vô thường, bình dị”. Một con người đa dạng, phong phú, kết hợp hồn nhiên và tài tình những điều tưởng như là nghịch lý.

“Cuộc đời cụ chính là sự hóa thân hồn nhiên, sự kết hợp hài hòa, năng động và uyển chuyển đến mức siêu việt hai mặt đối lập của mỗi phạm trù… “Trung với nước” theo lý tưởng cộng sản và “Hiếu với dân” theo lối sống Phật”. Con người gầy mảnh gợi nghĩ đến cây tre của làng quê Việt - cũng là biểu tượng của sự “kết hợp hài hòa hai mặt đối lập”: rất mềm mại mà lại cứng cỏi, chống chọi được bão dữ.

Và như duyên trời định, phu nhân của ông tên là Nguyễn Thị Cương (1925-2012), trước khi về hưu là Hiệu trưởng Phân hiệu 2 Trường Nguyễn ái Quốc (Hà Nội). Họ là một “cặp đôi hoàn hảo”, sống giản dị, hiền hòa nhưng rất cương trực, đấu tranh không khoan nhượng với những điều sai trái.

Người cộng sản Lê Hữu Hà dấn thân hết mình trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội mới, từng trải qua những giây phút hiểm nghèo khi chỉ đạo chiến dịch Hà - Nam - Ninh, giặc Pháp kê súng ngay trên nắp hầm ông và ban chỉ huy đang trú ẩn; đồng thời lại là con người hết lòng chăm lo cho bà con, họ tộc, là trung tâm đoàn kết, kết nối con cháu trong gia đình với gia tộc và dân tộc.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông - một trong những điểm du lịch thu hút du khách

Có thể nói, Lê Hữu Hà là một hậu duệ xuất sắc của đại danh y Lê Hữu Trác, đồng thời ông cũng là người cháu ngoại đầy tình nghĩa của dòng họ Nguyễn Khắc, chi phái Hương Sơn.

Lê Hữu Hà là con người hành động, nói đi đôi với làm, luôn đi đầu trong những cuộc tìm kiếm. Thời gian làm tư vấn cho Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, ông có dịp khảo sát, tìm hiểu nhiều vùng đất nước, trong đó có vùng đất đỏ phì nhiêu ở Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa) còn nhiều nơi bỏ hoang, trong khi không ít gia đình ở xã Sơn Hòa quê ông và các xã lân cận thiếu ruộng đất canh tác, lại thường bị thiên tai đe dọa, thế là, ông nghĩ ngay tới việc vận động bà con can đảm đi tới vùng đất mới phương Nam.

Đây là một “chiến dịch” dài ngày, không hề đơn giản. Đến nay, vùng khai hoang gồm hầu hết người quê huyện Hương Sơn ấy đã thành làng xóm đông vui.

Một bài học nữa mà Lê Hữu Hà để lại cho đời là đặc biệt quan tâm y tế dự phòng, tự bảo vệ sức khỏe. Mang trong mình dòng máu tổ phụ, danh y Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Hà rất quan tâm chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh. Suốt cuộc đời cho đến phút lâm chung, ông không hề sử dụng bất kỳ viên thuốc chữa bệnh nào, không có bất cứ một bệnh nền nào.

Điều đáng nói thêm là Lê Hữu Hà không chỉ biết chăm lo sức khỏe cho bản thân mà còn muốn truyền bá những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này cho mọi người, nhất là cách sống lành mạnh và tự chữa bệnh bằng thuốc đông y…

Người đảng viên 75 tuổi Đảng Lê Hữu Hà là con người đa dạng như thế. Dù ông đã đi xa nhưng những bài học ông để lại cho đời thật vô cùng quý giá…

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói