Thức trọn với rừng để dập lửa
Mùa hè đến cũng là lúc các chiến sĩ Đại đội Trinh sát (C20), Bộ CHQS tỉnh lại lên “dây cót”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên tuyến đầu chống “giặc lửa”. Gần 20 năm trong quân ngũ là cũng chừng ấy mùa hè, Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng (SN 1981) gắn bó với nhiệm vụ dập lửa cứu rừng.
Anh Dũng cho biết: “Tôi không thể nhớ hết số lần mình đã cùng đơn vị luồn lách vào tận gốc của những đám cháy. Bởi, mỗi khi đã nhận nhiệm vụ, tôi và đồng đội chỉ xác định mục tiêu duy nhất là dù bất cứ giá nào cũng phải nhanh chóng dập tắt đám cháy, cứu rừng, giảm thiểu thiệt hại”.
Dù không nhớ số lần đi cứu rừng nhưng anh Dũng vẫn có những kỷ niệm khó quên trong những lần “vào sinh ra tử” giữ lại màu xanh cho đồi núi.
Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng (phía trước) cùng đồng đội kiểm tra thiết bị chữa cháy
“Hai vụ cháy gần đây khiến tôi nhớ mãi là vụ cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận Nghi Xuân, tháng 6/2019 và vụ cháy rừng ở Hương Sơn - Vũ Quang vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020. Cả 2 vụ cháy rừng đó, chúng tôi đều xuyên đêm trong rừng sâu để dập lửa. Trong vụ cháy rừng Hồng Lĩnh, hôm đó, sau 2 ngày đêm liên tục dập lửa, đến khoảng 19h ngày 28/6, ngọn lửa đã được khống chế, chúng tôi có ý định nghỉ ngơi chút nhưng lòng vẫn không yên. Tôi và anh em trong đơn vị kịp ăn xong chút lương khô tiếp tế lại tiếp tục vác máy thổi đi tìm tàn lửa. Tưởng sẽ triệt tiêu được “bà hỏa”, sáng mai có thể xuống núi thì bất ngờ 2h sáng, đám cháy ở mạn gần thị trấn Xuân An lại bùng phát… Cho đến khi dập tắt lửa hoàn toàn cũng là lúc 3 ngày, 3 đêm chúng tôi thức trọn với rừng” - anh Dũng chia sẻ.
Các chiến sỹ Đại đội C20 tham gia chữa cháy tại Hương Sơn, năm 2020. Ảnh: Tư liệu
Là đơn vị lính trinh sát, trong những vụ cháy rừng, nhiệm vụ của chiến sỹ đơn vị C20, Bộ CHQS tỉnh là phải đi đầu khống chế đám cháy bằng cách xác định tâm điểm ngọn lửa để phát đường băng cản lửa, hỗ trợ lối đi cho các lực lượng khác. Dù thành công trong việc chữa cháy rừng là sự hợp sức của rất nhiều lực lượng và hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân… nhưng đóng góp của những người lính C20 như anh Dũng là vô cùng quan trọng.
Tham gia cứu rừng trong suốt nhiều năm qua nhưng Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng vẫn băn khoăn: “Dù chúng tôi đã dập tắt được ngọn lửa thì nhiều mảng rừng cũng đã bị thiêu rụi. Đối với người lính thời bình, được tham gia giữ màu xanh cho đại ngàn là niềm tự hào. Tuy nhiên, sau những vụ cháy, nhìn cánh rừng xác xơ, tôi vẫn ước giá có thể khống chế được lửa rừng ngay từ đầu và nhất là người dân ý thức hơn trong việc gìn giữ lá phổi xanh”.
Cứu rừng chính là cứu cuộc sống của mình
Gần gũi với rừng và là lực lượng đầu tiên phát hiện, tham gia ứng cứu khi rừng bị cháy là những cán bộ địa phương. Có mặt tại vụ cháy rừng Thượng Lộc (Can Lộc) tháng 6/2020, tôi vô cùng cảm kích trước sự lăn xả của các lực lượng chữa cháy. Trong đó, hình ảnh “người lính già” Nguyễn Xuân Lục - cán bộ nông nghiệp xã Thượng Lộc miệt mài mang máy thổi xuyên đêm trong rừng tìm tàn lửa, đứng gác rừng cho đến khi bình minh lên khiến tôi nhớ mãi.
Một khoảnh rừng bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng tại Hương Sơn, tháng 7/2020.
Ông Lục chia sẻ: “Đối với một địa phương, kế sinh nhai của người dân có đến 70-80% nhờ vào rừng, vào vườn đồi như Thượng Lộc thì cứu rừng chính là cứu cuộc sống chính mình”. Với gần 30 năm làm cán bộ địa phương, trong đó, phần lớn là cán bộ nông nghiệp của xã, hơn ai hết, ông Lục hiểu được tầm quan trọng của rừng và việc bảo vệ nguồn tài nguyên này. Trải qua vụ cháy thiêu rụi 4 ha rừng năm 2020, bước vào mùa nắng nóng 2021, chính quyền xã Thượng Lộc đã tăng cường tuyên truyền đến bà con nâng cao cảnh giác đề phòng “bà hỏa”. Bên cạnh việc đi từng thôn nhắc nhở bà con ký cam kết phòng cháy, ông Nguyễn Xuân Lục cũng thường xuyên vào rừng để kịp thời nắm bắt tình hình, đề phòng hỏa hoạn.
Ông Nguyễn Xuân Lục (giữa) kiểm tra lại máy thổi sau vụ cháy rừng tại Thượng Lộc, tháng 6/2020.
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Đình Thiện (72 tuổi, thôn 7, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) vẫn nhớ như in vụ cháy rừng Hồng Lĩnh năm 2019. Ông kể: “Trưa hôm đó, sau khi phát cháy, gió nam thổi mạnh khiến cả cánh rừng ngùn ngụt bốc lửa. Tiếng loa, tiếng kẻng báo động vang lên dồn dập. Cả dân làng chúng tôi nháo nhào, người lao vào rừng chữa cháy, kẻ sơ tán người già, trẻ em… Tất cả đều sợ hãi, chỉ sơ sểnh một chút cả làng nằm sát bên đồi sẽ bị thiêu rụi. Không chỉ tài sản, tính mạng con người cũng khó an toàn”.
Bây giờ, sau 2 năm xẩy ra vụ hỏa hoạn, kẻ gây ra vụ cháy rừng đã bị pháp luật xử lý, rừng Xuân Hồng bắt đầu xanh trở lại nhưng tổn thất do mất rừng vẫn còn hiện hữu. Khí hậu mùa nắng nóng trở nên oi bức, ngột ngạt; mùa mưa lũ thì từng dòng nước đổ ào ạt xuống làng… Người dân nơi đây thêm thấm thía giá trị của rừng xanh.
Rừng là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia. (Trong ảnh: Một góc rừng thông hàng chục năm tuổi ở xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân).
“Bây giờ chỉ cần nhìn thấy ngọn khói bốc lên trong thôn, ngay lập tức không chỉ cán bộ, chính quyền mà người dân cũng theo dõi, hỏi han. Vào mùa nắng nóng này, chúng tôi được quán triệt không được đốt rác hay làm bất cứ điều gì liên quan đến lửa trong vườn đồi của mình” - ông Thiện cho biết.
“Rừng là vàng, biển là bạc”, ví von ấy là sự đúc rút kinh nghiệm của cha ông ta từ muôn đời nay. Hơn thế, khoa học ngày nay cũng đã chứng minh tầm quan trọng của rừng trong việc điều hòa hệ sinh thái, ngăn lũ, chống hạn. Thời gian gần đây, bão lũ, hạn hán xảy ra ở khắp nơi, trong đó có Hà Tĩnh, cũng một phần do con người dần để mất màu xanh của đồi núi.
Câu chuyện từ những vụ cháy rừng, từ sự hy sinh của những lực lượng tham gia bảo vệ rừng hay hệ lụy từ việc mất rừng thêm một lần nữa cảnh tỉnh tất cả về tầm quan trọng của những khu rừng xanh cần gìn giữ và bảo vệ.