Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Giá trị to lớn từ Truyện Kiều nói riêng và các tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du nói chung đã trở thành mạch nguồn văn hóa xuyên suốt trong tiến trình phát triển của dân tộc và ghi dấu ấn sâu sắc đối với văn hóa nhân loại.

Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Khu di tích Nguyễn Du.

Ngày đầu xuân mới, mưa bụi lấm tấm trên những mầm non vừa mở, trên những lối đi rợp ngời hoa lá trong Khu di tích Nguyễn Du. Ngắm bức tượng Đại thi hào uy nghi mà trầm lặng giữa đất trời Tiên Điền, tôi lại nhớ lời của Mộng Liên Đường: “Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Những tác phẩm từ bút lực ấy không chỉ tỏa sáng ở thời đại của ông mà còn kết tinh những giá trị vượt thời đại, vượt không gian, để tên tuổi của ông, tác phẩm của ông, nhất là Truyện Kiều còn tỏa bóng tới hôm nay và mai sau. Đặc biệt, Truyện Kiều đã phái sinh nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nhân, thi sỹ. Không những thế, thơ Nguyễn Du còn trở thành thông điệp ngoại giao của nhiều chính khách trong nước và thế giới...

Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương và tham quan Khu di tích Nguyễn Du (tháng 12/2021).

Chị Nguyễn Thị Vinh - Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích Nguyễn Du cho biết: “Chúng tôi vừa sưu tầm thêm một số hiện vật liên quan đến Đại thi hào. Đó là những bộ tranh sơn mài chế tác từ vỏ trứng, những bộ đồ gốm tinh xảo, có khắc các câu thơ của Nguyễn Du. Đây là những hiện vật có nguồn gốc từ một số tỉnh Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước. Điều này càng minh chứng cho sự “phủ sóng” của Truyện Kiều và Nguyễn Du trong đời sống văn hóa của Nhân dân trên dặm dài đất nước”.

Những hiện vật mới đã bổ sung vào bộ sưu tập hàng trăm cổ vật, hiện vật, ấn phẩm, bút tích... liên quan đến Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du mà Ban Quản lý Khu di tích đang sở hữu. Trong đó, ngoài những hiện vật được sưu tầm từ các tỉnh, thành phố trong nước, còn có ở nước ngoài như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Cổ vật không cất lời nhưng tự thân nó đã kể cho muôn thế hệ sau biết bao câu chuyện về văn hóa, về sự sống động của những giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Một số hiện vật quý trên chất liệu gốm, sứ minh họa Truyện Kiều có niên đại gần 1 thế kỷ vừa được Ban Quản lý khu di tích Nguyễn Du sưu tầm từ các tỉnh phía Nam trong năm 2021.

Di sản mà Nguyễn Du và Truyện Kiều để lại “sống” trong đời sống đương đại không chỉ ở những bảo tàng, khu lưu niệm, di sản đó đang nằm trong ý thức gìn giữ của mỗi người dân bằng đời sống văn hóa vô cùng phong phú. Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du có sức hấp dẫn mãnh liệt, đang lan tỏa những giá trị thông qua các loại hình nghệ thuật.

Hàng chục năm nay, tại nhiều địa phương Hà Tĩnh, sân khấu trò Kiều vẫn sáng đèn mỗi dịp lễ, tết hoặc hội làng. Đó là các CLB trò Kiều ở Xuân Liên, Tiên Điền (Nghi Xuân), Hồng Lộc (Lộc Hà)… đang được các nghệ nhân dày công gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ cháu con.

Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Trò Kiều tiếp tục được người dân xã Xuân Liên (Nghi Xuân) gìn giữ và phát huy trong đời sống ngày nay.

Trong những năm gần đây, có hàng chục chương trình âm nhạc, hội họa, phim ảnh, sân khấu xoay quanh cảm hứng từ Truyện Kiều và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du. Trong đó, sự ra đời của bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” do Tiến sỹ Phạm Xuân Mừng sản xuất và “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền đã tạo dấu ấn mới về cách gìn giữ, tiếp nhận di sản của Nguyễn Du trong thời đại mới. Đặc biệt, vừa qua, phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền sau khi trình chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc đã vượt biên giới, chiếu trên đất Mỹ và phát hành trên nền tảng trực tuyến Amazon toàn cầu.

Đầu xuân, bàn về sức lan tỏa của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều

Cảnh Nguyễn Du gặp nữ sỹ Hồ Xuân Hương bên hồ sen trong chiều mưa, trong bộ phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du”, sản xuất năm 2021.

Truyện Kiều đi vào đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, thơ Kiều cũng đang ngày càng hiện diện trong các trường học không chỉ ở những bài giảng mà còn trong những chương trình ngoại khóa. Nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã mở các CLB Truyện Kiều để giúp học sinh am hiểu hơn giá trị di sản. Hội Kiều học Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân cũng tổ chức các cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều… Có thể nói, Truyện Kiều đã và đang hiện hữu một cách sống động giữa đời sống xã hội hiện đại. Điều đó không chỉ khẳng định vai trò bảo tồn của các cấp, ngành và Nhân dân mà còn cho thấy giá trị to lớn, có tính chất “muôn đời” của di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Giữa đất trời Nghi Xuân, nhớ lại câu Kiều: “Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần” mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đọc trong chuyến làm việc tại Hà Tĩnh vừa qua, tôi càng thêm rưng rưng tự hào. Trong lịch sử, đã rất nhiều lần thơ Nguyễn Du được các chính khách Việt Nam và thế giới sử dụng như một thông điệp ngoại giao đầy ý nhị. Giá trị đó, mấy thi phẩm có thể chạm tới...

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast