Quê hương Hà Tĩnh ôm ấp những người con trở về

(Baohatinh.vn) - Trong vòng xoáy của đại dịch COVID-19, nhiều người con Hà Tĩnh tha hương mưu sinh đã tìm về trong vòng tay quê mẹ. Cùng với bao tâm tư, trăn trở, những người trở về đang ấp ủ những dự định mới.

Về nhà là được bình yên

10 năm trước, do cuộc sống khó khăn, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1976) và chị Trần Thị Dần (SN 1974) ở thôn Tân Trung, xã Hương Trạch (Hương Khê) cùng 2 con gái vào Đắk Lắk làm thuê kiếm sống. Công việc làm nương rẫy vất vả, thu nhập bấp bênh.

Vợ chồng anh Chiến tự xây căn nhà mới trên mảnh vườn của cha mẹ.

Năm 2014, con trai thứ ba ra đời, cuộc sống của anh chị lại càng thêm khó khăn, chật vật. Đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng lương của 2 vợ chồng đã ít ỏi càng eo hẹp hơn. Nhiều tháng trời không có việc làm, những đồng tiền tích cóp cuối cùng cũng cạn kiệt, anh chị quyết định trở về quê với hai bàn tay trắng.

Được họ hàng, làng xóm hỗ trợ cho vay tiền, trả góp vật liệu, căn nhà của gia đình anh Chiến dần thành hình.

Về quê, gia đình anh chị sống tạm cùng mẹ già trong căn nhà được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo. Với quyết tâm ổn định cuộc sống ở quê hương, anh Chiến đã bàn với vợ vay mượn tiền xây nhà trên mảnh vườn của cha mẹ. Chia sẻ với hoàn cảnh của anh chị, họ hàng, bà con lối xóm đã giúp đỡ cho vay tiền mặt, cho thanh toán chậm tiền vật liệu...

Hàng xóm thường xuyên qua lại động viên vợ chồng anh Chiến lập nghiệp tại quê nhà.

Không có tiền để thuê thợ, hai vợ chồng tự làm tất cả các khâu từ chở vật liệu đến hoàn thiện công trình. Nhìn căn nhà cấp 4 đang dần hình thành, chị Dần chia sẻ: “Dù phải vay mượn hầu hết kinh phí nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm xây cho được căn nhà để ổn định cuộc sống. Bao năm phiêu dạt nơi đất khách, qua nhiều biến cố, khó khăn mới biết rằng, không đâu bằng quê hương của mình”.

Cháu Nguyễn Thị Mai Sương (SN 2001) là con gái đầu của anh Chiến và chị Dần. Sau khi học xong lớp 9, Sương đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương rồi lấy chồng cũng là công nhân, quê ở Nghệ An.

Mai Sương là một trong những thai phụ được đón về trên chuyến bay ngày 9/10 do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Ảnh: Đình Nhất

Từ khi dịch bùng phát mạnh vào giữa năm 2021, vợ chồng Sương không có việc làm. Thời kỳ đỉnh dịch ở Bình Dương (tháng 9) cũng là lúc Sương ở vào những tháng cuối của thai kỳ.

“Khắp nơi là F0, phong tỏa, trong khi ngày sinh cận kề, cả hai vợ chồng bắt đầu hoảng loạn. May mắn là em cùng với nhiều bà bầu và trẻ em được tỉnh đón về quê trên chuyến bay ngày 9/10. Khi đặt chân vào khu cách ly tập trung của huyện, em vẫn chưa tin là mình đã được về quê an toàn” - Mai Sương xúc động chia sẻ.

Bà Lê Thị Chắt (thứ hai từ phải sang) vui mừng khi con cháu trở về an toàn và quyết định ở quê lập nghiệp.

Giờ đây, khi đã hạ sinh đứa con thứ 2 an toàn trong vòng tay yêu thương của bà nội, bố mẹ, Mai Sương càng thấm thía hơn ý nghĩa của hai chữ đoàn viên. Sương cho biết, chồng vẫn còn “mắc kẹt” ở Bình Dương nhưng vợ chồng đã bàn bạc với nhau sẽ sớm về quê để ổn định cuộc sống.

Phấn khởi và xúc động khi con cháu trở về bình an, bà Lê Thị Chắt (SN 1942) - mẹ đẻ anh Chiến chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm tôi chỉ được gặp con cháu một lần vào dịp tết, có năm chúng nó còn bận việc chẳng về. Lần này các con quyết định ở lại quê lập nghiệp, tôi vui lắm! Về quê dẫu sao còn có gia đình, họ hàng, làng xóm làm nơi nương tựa những lúc khó khăn, hoạn nạn”.

Lập nghiệp ở quê nhà

Những năm gần đây, với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, Khu kinh tế Vũng Áng hình thành và phát triển mạnh mẽ; nhiều khu, cụm công nghiệp ở các địa phương như TX Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc... cũng đi vào hoạt động với việc đứng chân của nhiều doanh nghiệp. Hàng nghìn cơ hội việc làm đang chờ đón lực lượng lao động trở về quê.

Các doanh nghiệp được đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh là cơ hội việc làm cho lao động hồi hương.

Làm công nhân ngành dệt may ở Bình Dương đã nhiều năm nay nên khi quyết định về quê, chị Phan Thị Hợi (SN 1995) và em gái là Phan Thị Trang (SN 1999) - quê xã Tân Mỹ Hà (Hương Sơn) mang không ít nỗi băn khoăn, lo lắng.

Đã quen với cuộc sống và môi trường làm việc ở khu công nghiệp lớn nên khi về quê, hai chị em lo không tìm được công việc phù hợp. Thế nhưng, họ đã có nhiều lựa chọn khi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục đăng thông báo tuyển dụng lao động. Sau hơn một tháng được nhận vào Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (Đức Thọ), chị Trang và chị Hợi khá hài lòng với công việc hiện tại.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh - tiềm năng việc làm cho lao động hồi hương.

Chị Hợi chia sẻ: “Mức lương dù thấp hơn so với thu nhập trước đây, nhưng bù lại, chúng tôi được về gần nhà, chi phí sinh hoạt cũng giảm đi rất nhiều. Không phải làm ca đêm, chị em tôi có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bố mẹ nhiều hơn. Những lý do đó cũng đủ để chúng tôi quyết định ở lại làm việc lâu dài tại quê hương”.

Cũng như chị Hợi và chị Trang, anh Dương Ngọc Sơn (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) cùng vợ con từ Đồng Nai trở về trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát mạnh. Trong khi anh Sơn đang làm hồ sơ xin việc tại một doanh nghiệp ở Khu kinh tế Vũng Áng thì chị Nguyễn Thị Nhung - vợ anh tranh thủ thời gian phụ giúp bố mẹ chăn nuôi lợn.

Anh Sơn quyết định đưa vợ con về quê lập nghiệp sau một thời gian làm công nhân ở miền Nam. Ảnh: NVCC

Vốn có tay nghề cắt tóc, chị Nhung dự định sau tết Nguyên đán sẽ mở cửa hàng làm tóc ở quê. Anh Sơn chia sẻ rằng, anh khá bất ngờ với tốc độ phát triển nhanh chóng của quê nhà. “Nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư sẽ là cơ hội để chúng tôi ở lại và tìm kiếm công việc ổn định, làm việc lâu dài, không phải tha hương kiếm sống như trước. Quê hương đang giữ chúng tôi ở lại”.

Trở về sau những tháng ngày xa xứ mưu sinh, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn chọn hướng đầu tư phát triển kinh tế tại quê nhà. Năm 2018, anh Trần Xuân Thái (SN 1986 - thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Anh Thái phát triển kinh tế theo hướng đầu tư trang trại.

2 năm nay, đại dịch khiến công việc của anh bấp bênh, nguy cơ nhiễm bệnh cao nên anh Thái quyết định về quê lập nghiệp. Mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng, cùng với 80 triệu đồng vốn vay không hoàn lại của Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Chính phủ Nhật Bản, anh Thái đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp.

Đến nay, trang trại có diện tích hơn 1 ha đã bước đầu cho thu nhập ổn định, với 10 con lợn nái, 20 con lợn giống, 4 con trâu, bò và ao thả cá. Anh Thái chia sẻ: “Được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, tôi đã tính chuyện khởi nghiệp tại quê nhà và đã nhận được sự tiếp sức, đồng hành đầy trách nhiệm, ân tình để có thêm động lực làm giàu trên quê hương”.

Hà Tĩnh đang đổi thay từng ngày, hứa hẹn nhiều cơ hội cho những người con hồi hương. (Ảnh Thanh Hải).

Dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động Hà Tĩnh quay về sau hành trình mưu sinh lắm vất vả, gian nan. Quê hương đang thay đổi từng ngày, đó là cánh tay ôm ấp những người con trở về để họ lập nghiệp, ổn định cuộc sống và đóng góp cho mảnh đất nơi mình sinh ra.

Kiều Minh

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói