Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

(Baohatinh.vn) - Mấy tháng gần đây, ngư dân Lộc Hà (Hà Tĩnh) không mấy mặn mà bám biển, vươn khơi vì lượng hải sản đánh bắt được khá ít. Thuyền nằm bờ, lưới không buông, đồng nghĩa với việc đời sống ngư dân nơi đây đang gặp khó.

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Nếu trước đây chỉ cần ra 3-4 hải lý là đã có tiền triệu thì mấy tháng nay, ông Lê Doãn Đức (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) phải ra xa 5 - 7 hải lý mà lưới vẫn không được là bao.

Ông Lê Doãn Đức (thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) cho biết: “Hơn 2 tháng nay, tôi đi biển không thường xuyên. Đợt này, gần 1 buổi bám trụ với gió to, sóng lớn nhưng cũng chỉ được 5 kg hải sản các loại, bán xong, trừ dầu đèn, tôi và bạn thuyền chia nhau mỗi người 150 nghìn đồng, chẳng đủ chi tiêu cho gia đình. Thời điểm này các năm trước, mỗi chuyến đi lưới ghẹ như thế này 2 người chúng tôi có thể thu về trên 1 triệu đồng”…

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Sản lượng đánh bắt giảm sút nên tại Lộc Hà, chỉ lác đác tàu thuyền ra biển sản xuất.

Cùng chung nỗi niềm, ngư dân Nguyễn Hồng Phú (thôn Yên Điềm) thở dài: “Không biết vì lý do gì mà đợt này biển rất ít tôm cá. Mấy tháng nay, chúng tôi liên tục đổi nghề, đổi ngư cụ từ lưới rê tôm, sang lưới ghẹ, rồi lại sang cá trích… nhưng chẳng ăn thua.

Mỗi chuyến đi biển chỉ được hơn 100 nghìn, chẳng bõ công nên không mấy ai mặn mà bám biển. Thu nhập của ngư dân như chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào biển, tình trạng đánh bắt hải sản ảm đạm thế này khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn”.

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Không mặn mà bám biển, những con thuyền “sinh kế” của ngư dân “mệt mỏi” neo đậu ở cảng cá Cửa Sót.

Nguồn lợi thủy sản giảm sút đã khiến 474 chiếc tàu to, thuyền nhỏ ở Lộc Hà đều đồng loạt thay nhau nằm bờ. Dù thời tiết đẹp, trời yên biển lặng, nhưng ở âu thuyền Cửa Sót, cảng cá Thạch Kim, âu thuyền Thịnh Lộc… đều thấy nhiều tàu thuyền neo đậu, đồ nghề được sửa soạn, thu gom cẩn thận.

Thuyền nhỏ thì vắng bóng người, thuyền lớn thì chỉ có một người trông coi. Đi đến đâu, hỏi ai về tình trạng đánh bắt đều nhận được những cái lắc đầu buồn bã.

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Trong âu thuyền Cửa Sót, tàu thuyền “chen chúc” neo đậu ngày qua ngày thay vì ra khơi đánh bắt.

Anh Trần Tịnh (ở TDP Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà) phản ánh: “Tôi từng có thâm niên hơn 10 năm đi lặn biển nhưng chưa thấy năm nào hải sản ít như năm nay. Nếu những năm trước, mỗi chuyến lặn cho nhóm 5 người chúng tôi có thể được 6 - 10 triệu đồng từ các loài nhuyễn thể (sò huyết, vẹm, chang chanh, hến...) thì nay, may mắn lắm mới được vài triệu đồng.

Với mức thu nhập chẳng xứng công sức, sự nguy hiểm khi làm nghề nên hơn 2 tháng nay, tôi ở nhà đi phụ hồ hoặc chăm con, làm việc đồng áng giúp vợ, mọi chi tiêu đều phải cắt giảm”.

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Sót thỉnh thoảng mới phải làm thủ tục xuất lạch cho ngư dân...

Vào làm thủ tục xuất lạch, ngư dân Võ Đình Hóa - chủ tàu 20002, ở xã Thạch Kim cho biết thêm: “Tàu chúng tôi làm nghề câu. Thuyền nằm bờ, ngư cụ “đắp chiếu”, lãi ngân hàng phải trả nên việc chi tiêu gia đình không biết bấu víu vào đâu. Vì vậy, dù đợt này rất ít cá nhưng tôi vẫn đi biển, mỗi chuyến đi biển chỉ được vài trăm ngàn đồng/người, coi như “lấy công làm lãi” trong giai đoạn khó khăn này”.

Trung úy Nguyễn Hữu Đức - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa Sót thông tin: “Trước đây, bình thường mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào lạch, nhưng mấy tháng nay chỉ có 20 - 30 tàu thuyền qua lại. Nguyên nhân là sản lượng đánh bắt giảm sút, ngư dân không mặn mà bám biển”.

Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Trần Đình Hưng cho biết: “Theo phản ánh của bà con ngư dân, tình hình sản xuất trên biển những tháng gần đây không tốt. Hơn 2 tháng qua, sản lượng khai thác của toàn xã đạt khoảng 102 tấn, chỉ bằng khoảng một nửa so với những tháng trước đó”.

Sản lượng hải sản giảm sút, ngư dân Lộc Hà không còn mặn mà bám biển

Ngư dân Thịnh Lộc thu dọn ngư cụ lên bờ vì đánh bắt chẳng ăn thua...

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt trên 3.410 tấn, bằng 97% so với 5 tháng đầu năm 2020, nhưng chủ yếu rơi vào quý I, còn những tháng gần đây, chỉ bằng 1/3 so với trước.

Trong số này có những loài giảm sâu như: cá thu được 37 tấn (bằng 28,6% so với cùng kỳ), tôm sắt gần 37 tấn (bằng 75%), tôm rảo 1,3 tấn (bằng 47%), các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ 28 tấn (bằng 74%), động vật thân mềm 103 tấn (bằng 78%), rong, ruốc, và các loại hải sản khác đạt 303 tấn (bằng 79%)…

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.