Tết ấm áp tình thân của người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mùa xuân đã về trên khắp phố phường Hà Tĩnh, trong rạng ngời những sắc hoa ngày tết. Tết với người Việt, đó là lúc lòng người nao nao những ký ức, nỗi nhớ, là lúc chộn rộn sửa soạn cho một kỳ nghỉ ấm áp tình thân…

Tết ấm áp trong tình thân sum vầy. Ảnh internet

Gìn giữ phong vị ngày tết

Dẫu đời sống có biến thiên bao nhiêu thì với tôi, tết vẫn là những ngày quây quần bên gia đình trong trầm hương tỏa ngát, đào hoa dâng sắc, mâm ngũ quả, bánh chưng xanh... Tất cả tạo thành một phong vị rất riêng mà ngày thường không thể có. Để sắm sanh được một cái tết tươm tất, những nhà không thuộc diện khá giả thường phải chuẩn bị trước đó vài ba tháng, thậm chí chắt chiu, dành dụm cả năm trời. Quanh năm tất bật mới có được mấy ngày để lòng lắng dịu, để hướng về nguồn cội, tổ tông, ai nỡ căn cơ hơn thiệt.

Trong tất bật sửa soạn, có lẽ hương là một trong những thứ người ta sắm đầu tiên. Người ta mua hương bằng tất cả lòng tôn kính tổ tiên. Bởi vậy, chọn hương ngày tết cũng rất cầu kỳ. Mẹ tôi thường chọn mua của người quen và mua rất sớm. Bà nói, đó là cách mình cung kính tổ tiên. Tết cũng là dịp để nhà nhà đốt lên những cây hương trầm ấm áp. Tôi nhớ, ông bác tôi - một người khá cầu kỳ, năm nào cũng thế, trước tết độ vài tháng là ông lên núi đào rễ cây hương bài về rửa sạch, đập dập sấy thật khô trên than hồng.

Sau đó, đem bỏ vào cối giã cho đến khi thành bột rồi trộn cùng bã mía làm chất dẫn lửa. Giấy dùng cuốn hương là loại giấy vở học trò bóc đôi ra. Lõi cây hương thường được làm bằng nứa khô chẻ nhỏ. Xong đâu đấy, bác ngồi tỉ mẩn cuốn những cây hương trầm, khi thắp lên có vị thơm đậm mà ngát, phảng phất trong không gian không lẫn vào đâu được.

Trong tất bật sửa soạn, có lẽ hương là một trong những thứ người ta sắm đầu tiên. Ảnh Dương Chiến

Không chỉ ngày nay mà từ xưa, người dân quê tôi đã biết “chơi” tết. Nhà nào cũng có cây đào trước sân để “nghênh xuân”. Chủ yếu là giống đào phai. Và, cứ đến chiều 30 tết, sau khi đã chọn những cành đẹp nhất cắt dâng lên bàn thờ tổ tiên, người quê tôi lại bắt đầu cắt cành mang vào nhà cắm chơi tết.

Hình ảnh ấn tượng nhất của những ngày tết đến xuân về là khi các bà, các cô chộn rộn sửa soạn xoong nồi, bếp núc, củi lửa để nấu bánh chưng. Trước đó, lá dong rừng đã được cắt về xếp thành từng tệp bó vào thân cột cái tránh bị queo lá. Đợi đến ngày 29, 30 tết, ngâm nếp, đỗ xanh, thịt lợn thái to bản, gia vị đầy đủ… tất cả được chuẩn bị sẵn để các bác, các chú gói bánh.

Còn gì thú vị hơn là vào những ngày cuối cùng của năm cũ, con cháu phương xa lũ lượt kéo về, xúm xít bên nhau xem người lớn gói bánh chưng. Rồi trong cái giá lạnh mùa cũ, bên bếp lửa hồng, ngồi canh nồi bánh chưng, cùng ôn lại những chuyện vui buồn trong suốt năm qua trên mọi nẻo đường mưu sinh, lập nghiệp. Bếp lửa cuối đông là gam màu sinh động, nét phác thảo ấm áp trên nền chồi non lộc biếc giao mùa.

Trần Đức Cường

Tết quê

Tết là dịp để tôi được sống trọn trong hương vị quê nhà. Tạm gác những tất bật nơi phố xá, trở về thong dong, thư thái trong hương sắc làng quê. Nơi đó, có mẹ cha, có nếp nhà ấm nồng tình ruột thịt.

Những ngày áp tết, khi ngang qua những ruộng rau gần chỗ làm việc, tôi lại miên man nhớ về mảnh vườn thân thương của mẹ. Trước tết, mẹ thường trồng đủ các loại rau, củ, quả. Nào là cải, xà lách, nào là ớt, là hành, ngò, su hào, bắp cải... Mẹ bảo rằng, thích tự mình trồng và chăm sóc mảnh vườn bởi nhìn cây lớn lên có niềm vui rất lạ. Giờ đây, chắc hẳn mảnh vườn của mẹ cũng đã lên xanh chờ tôi về thu hái để dọn cỗ cúng tổ tiên ngày tết.

Tết quê bình dị ngay từ chính mùi khói bếp ấm áp, cay nồng bay lên trong gian bếp của mẹ. Những chiếc bánh chưng, bánh tét tròn trịa, vuông vức được mẹ nấu trên bếp lửa đượm nồng. Mùi khói, mùi lá dong, mùi nếp quyện hòa làm nên vị tết đặc trưng. Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy cứ tranh ngồi trông rồi cùng nhau vùi vài củ khoai, củ sắn.

Tết quê bình dị ngay từ chính mùi khói bếp ấm áp, cay nồng bay lên trong gian bếp của mẹ. Những chiếc bánh chưng, bánh tét tròn trịa, vuông vức được mẹ nấu trên bếp lửa đượm nồng.

Tết Tân Sửu đã đến trong niềm hạnh phúc đủ đầy người thân. Tất cả những hương vị ngày tết mẹ đã chuẩn bị sẵn, những phong tục cũng được cha sửa soạn, sắp xếp ngày giờ, chỉ chờ đợi chúng tôi trở về. Dẫu mưa nắng cuộc đời có làm vết thời gian bàng bạc trên dáng hình của cha, quầng mắt thâm, hằn in vết chân chim của mẹ, người vẫn không thôi chờ đợi sự trở về của các con. Tết là để trở về với những bình dị xưa cũ, tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn bên những người thân yêu. Trong miên man hơi ấm ngày xuân, tôi lại nhớ tiếng còi tàu hun hút, chở những giấc mơ sum vầy về bên mái ấm yên bình…

Trần Thị Thắm

Ở nơi nào cũng ấm tình quê hương

Rời quê từ thuở ấu thơ, đã sống ở nhiều vùng đất khác nhau nhưng duyên phận cuộc đời đã “buộc” tôi vào mảnh đất Hà Tĩnh. Suốt hơn 15 năm qua, cô gái thành Vinh là tôi đã thực sự trở thành một người Hà Tĩnh thực thụ. Trong tôi luôn có 2 mạch nguồn văn hóa của miền quê tôi sinh ra và miền quê tôi làm dâu, của gia đình bên ngoại và gia đình bên nội. Dẫu không quá khác biệt nhưng cũng đủ làm cho tâm hồn tôi trở nên giàu có hơn.

Ai trong chúng ta cũng có nơi để về và có một người làm điểm tựa cho tâm hồn mình. Ngày tết, với những người xa quê như tôi, nếp nhà thời ấu thơ càng gợi nhớ. Đặc biệt, bóng dáng mẹ tôi vẫn luôn ngập tràn trong từng kỷ niệm dẫu người đã về thế giới khác…

Tôi thường làm những món ăn truyền thống trong dịp tết cổ truyền.

Tết với tôi rất thú vị, không phải để nghỉ ngơi hay đi du lịch mà chính là để được bận bịu với nhiều phong tục truyền thống.

Tôi là người hướng nội nên tết vẫn là dịp để được đoàn tụ với gia đình nội, ngoại. Và, mọi sắm sửa, chuẩn bị cho ngày tết của tôi cũng chỉ xoay quanh người thân. Hầu như những việc tôi làm đều là những tập tục được trao truyền từ gia đình.

Như cách bố tôi đã làm với mấy chị em, trước tết, thế nào tôi cũng thu xếp cho con về thăm ông bà nội ngoại, ra nghĩa trang thắp hương cho người quá cố, đến nhà thờ họ dâng lễ và thăm, tặng quà cho một số bà con khó khăn… Các con tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng đã cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm gia đình, họ hàng và biết cách trân trọng điều đó.

“Tôi cũng làm thêm một số món hiện đại để đãi khách ngày tết”

Vì tôi đã xuất giá, lại ở tỉnh khác nên những ngày tết không thể về sum vầy cùng bố và các em. Tôi gửi thương nhớ của mình vào những món ăn. Bao giờ cũng thế, khi chuẩn bị các món ăn cổ truyền ngày tết cho gia đình nhỏ của mình thì tôi cũng làm biếu ông bà nội một phần và gửi về Vinh cho bố tôi một phần.

Và, bao giờ cũng thế, bên cạnh những món tôi mới học được luôn có một số món được mẹ tôi truyền lại. Tôi tin, ẩm thực chính là một đặc trưng văn hóa vùng miền sâu đậm nhất. Giữ gìn được hương vị của món ăn cũng chính là giữ được dòng mạch văn hóa quê hương trong tâm hồn mình. Bởi thế, dẫu ở xa quê, tôi vẫn luôn tìm được hơi ấm quê nhà, hơi ấm tình thân và luôn cảm thấy mình thật “giàu có”.

Bùi Quỳnh Hoa

Áo mới mùa xuân và tấm lòng của mẹ

Bây giờ, mỗi khi tết đến, người ta không còn phải lo nghĩ gì nhiều về chuyện ăn, chuyện mặc nữa. Trong nhộn nhịp bán mua, tôi lại nhớ về nỗi tảo tần của mẹ cha. Dẫu trăm nghìn gian nan, mẹ vẫn luôn dành dụm để ngày tết, chúng tôi vẫn có manh áo mới cho bằng chúng bạn.

Hồi đó ít khi mua đồ chợ, thường là may ở tiệm. Mẹ lo xa nên ngay đầu tháng Chạp đã đi mượn nợ người bà con xóm trên về mua vải, dắt anh em chúng tôi lại tiệm may lấy số đo. Khỏi phải nói, nghe được may đồ tết là chúng tôi mừng lắm. Trong khi chúng tôi hồn nhiên, vui vẻ, cười tươi với cô thợ may thì trong lòng mẹ hoang mang với nhiều cảm xúc khó tả. Sau này tôi mới hiểu, lúc đó mẹ tôi vừa vui, vừa lo lắng. Vui vì con mình có áo mới mặc đi chơi tết, thoáng chút lo lắng về khoản nợ vừa vay.

Đêm giao thừa, mẹ mang quần áo của tất cả những thành viên trong nhà đi là. Đó là cách mẹ tạo nên sự mới mẻ để bắt đầu kỳ nghỉ tết. Chúng tôi nôn nao không ngủ, cứ ngồi bó gối canh chừng mẹ làm việc. Bếp than cháy đỏ rực cả một trời tuổi thơ, phá tan cái lạnh tê buốt tràn vào ngôi nhà lá xập xệ nơi chúng tôi che mưa che nắng. Lúc đó em tôi hồn nhiên hỏi mẹ: “Sao mẹ là đồ vá cho bố vậy? Đồ mới bố đâu?”. Mẹ chỉ lặng cười rồi lặng lẽ mân mê từng đường vá trên chiếc áo của bố.

Mùa xuân, nhớ nhất là dáng mẹ ngồi khâu áo. Minh hoạ internet

Sáng mùng một tết, mẹ không cần gọi chúng tôi cũng ngoan ngoãn thức dậy rửa mặt bởi đó là lúc được mặc áo mới. Một cảm giác lâng lâng khó tả khi đưa tay vuốt ve từng thớ vải. Bố chìa phong bao lì xì đỏ thắm cho mỗi đứa rồi dặn dò: “Ngoan ngoãn, chăm học để sau này đỡ vất vả nha các con”. Chúng tôi dắt tay nhau ra đường cái. Mùi vải mới, mùi gió tết và cả mùi hoa mai, cúc vạn thọ quyện vào nhau ấm nồng…

Giờ đây, vất vả đã lùi xa, nghèo đói đã lùi xa. Mỗi lần tết về, bố mẹ luôn nhắc nhớ về quãng đời cơ cực. Bố tôi giờ đã mặc áo mới ngày xuân rồi nhưng mẹ vẫn không bỏ thói quen là quần áo vào đêm giao thừa. Có lẽ, đó là cách mẹ gửi vào đó tình yêu thương cũng như những mong ước lặng thầm cho những ngày tháng mới…

Trần Thái Học

“Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè”

Vào những ngày áp tết, nỗi nhớ bà ngoại thường đầy hơn trong tôi. Trong những sửa soạn hành trang về quê thăm bà của tôi thể nào cũng có vuông vải nhung đen nhức. Ấy là vì bà tôi vẫn giữ thói quen vấn đầu và chít khăn mỏ quạ.

Tết! Người ở xa xắm nắm để về, người ở nhà thì ra ngõ ngóng trông bóng dáng thân quen. Những ngày đó là những ngày bà ngoại tôi làm việc gì cũng lẩy ra đôi ba câu ca dao, tục ngữ. Và khi nghe đến câu: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Trông mau đến tết dựng nêu ăn chè…” thì cậu tôi dẫu có bận trăm bề cũng xắm nắm đi làm cây nêu cho có không khí tết.

Trước đây khi còn khỏe, ông tôi thường đảm trách việc dựng nêu. Ông xem đó là một nghi lễ quan trọng nhất trong mỗi dịp tết đến. Ông tỉ mỉ từ cách chọn tre, phải là loại tre già, to, thẳng, ống dài và đều, không được sâu hay cụt ngọn. Trên ngọn để lại một phần lá tươi bởi nó tượng trưng cho mây trời, trên đó ông treo lên một chiếc đèn lồng đỏ và một cái chuông gió.

Riêng nhà tôi vẫn giữ được nếp nhà xưa, đến giờ vẫn cách làm nêu xưa cũ. Ảnh internet

Ông bảo, cây nêu tượng trưng cho trục của vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu phải làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống giúp mặt đất phì nhiêu. Đèn lồng mang thông điệp như đưa lối dẫn đường, đón nhận sinh khí, chuông gió là để xua đuổi tà ma, khẳng định chủ quyền để không bị ma quỷ dòm ngó…

Lễ dựng nêu là thế, lễ hạ nêu vào ngày mùng 7 tết còn cẩn thận hơn nhiều. Trước khi hạ nêu, cần tránh động thổ để cho đất được hội tụ sinh khí. Sau khi hạ nêu, con người có thể bước vào lễ hội mới, bước đầu có những hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Cuộc sống bây giờ đã khác xưa. Người ta dựng nêu bằng các vật liệu hiện đại hơn và ý nghĩa của cây nêu cũng không còn nguyên vẹn nữa. Riêng nhà tôi vẫn giữ được nếp nhà xưa, đến giờ vẫn cách làm nêu xưa cũ. Những đêm mùa cũ trở về, tôi lại nghe leng keng tiếng chuông gió trên ngọn nêu vọng về. Nhớ dáng bà nghiêng nghiêng chải tóc, cẩn thận quấn chiếc khăn nhung đen óng quanh đầu. Rồi xắm nắm ra chợ chọn mua miếng vải nhung thật đẹp tặng bà may khăn… Gấp miếng vải vào chiếc hộp nhỏ, cảm giác như sự ấm áp đoàn viên của những ngày tết đã len chặt trong lòng mình…

Lâm Lâm

Chuẩn bị ban thờ ngày tết

Ban thờ chính là nơi linh thiêng nhất trong không gian ngôi nhà của người Việt. Đó là nơi tưởng nhớ tổ tiên, ông bà. Trong những dịp lễ tết, dù có bận trăm công ngàn việc, tôi cũng dành thời gian để lo toan việc lau dọn ban thờ sao cho thật sạch sẽ, sau đó lo bày biện các món lễ vật dâng cúng như: mâm ngũ quả, bình hoa tươi cùng các loại hương thơm dùng đốt trong mấy ngày tết.

Nhớ thuở xưa, mỗi khi tết đến xuân về, mẹ thường giao công việc lau dọn, sửa soạn ban thờ cho mấy anh chị em chúng tôi ngay từ trước thời khắc ông Táo chầu trời. Sau khi công việc dọn dẹp, lau chùi ban thờ và các vật dụng thờ cúng hoàn tất là tới khâu bày biện lễ vật dâng cúng. Bây giờ, khi đã có gia đình riêng, tôi vẫn kế tục nếp cũ của mẹ tôi. Mâm ngũ quả có thể bày biện các loại quả khác nhau nhưng không được thiếu chuối.

Chuẩn bị ban thờ là việc trọng đại trong ngày tết của người Việt. Ảnh internet

Mỗi lần sửa soạn ban thờ đón tết, tôi lại nhớ lời bà nội tôi lúc người còn sống: “Nhà ta có thể bỏ bớt thứ này, thứ kia không mua sắm nhưng mâm ngũ quả nhất định phải đủ đầy. Đó cũng là cách thể hiện lòng thành với tổ tiên, ông bà... Cùng với việc sửa soạn mâm ngũ quả, trước tết vài ngày, tôi thường cùng mẹ đi chợ chọn mua mấy cành lay ơn, thược dược để bày trên ban thờ. Mẹ tôi bảo, các loài hoa này chính là loài hoa hoài niệm… Tôi cũng tin thế bởi những lần chọn hoa, tôi đều cảm nhận rất rõ mùi của ký ức xa xôi…

Trong dòng mạch văn hóa Việt, có lẽ gia đình nào cũng coi trọng việc bày biện ban thờ ngày tết. Đó là cách người ta thực hành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vì vậy mà việc trang hoàng, bày biện ban thờ sao cho thật chu đáo để “thỉnh cầu” tổ tiên về đón tết cùng con cháu là vô cùng quan trọng.

Đặng Đức(TP Hồ Chí Minh)

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói