Thành công nhờ chọn đúng nghề

(Baohatinh.vn) - Trong cuộc sống, mỗi người đều có một sở trường, niềm đam mê khác nhau. Nhờ lựa chọn đúng nghề nghiệp, nhiều người trẻ ở Hà Tĩnh đã đạt được những thành công, mang lại cơ hội phát triển bản thân và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Anh Nguyễn Văn Tuân - Kỹ sư xây dựng công trình (xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên): Kiên định với ước mơ.

Trở thành kỹ sư xây dựng là mơ ước từ nhỏ của tôi. Năm 2012, khi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, mặc dù gia đình, thầy cô, bạn bè đều góp ý nên theo học những ngành kinh tế đang “hot” nhưng tôi vẫn chọn theo đuổi ước mơ của mình. Sự kiên định của tôi đã thuyết phục được gia đình. Sau đó, tôi đã thi đậu vào Khoa Công trình - Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội). Sau gần 5 năm học tập, tôi trở về quê hương và được nhận vào làm việc tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bắc Á. Tại đây, tôi đã được làm đúng công việc mình yêu thích nên càng say mê cống hiến.

Anh Nguyễn Văn Tuân - Kỹ sư xây dựng công trình.

Được ban lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát trạm trộn bê tông tươi, tôi luôn tìm tòi, sáng tạo để cải tiến các quy trình, không ngừng học hỏi và thử nghiệm những phương pháp mới, đưa ra nhiều sáng kiến giúp công việc hiệu quả hơn. Các ý tưởng đó đều hướng tới mục tiêu cải thiện năng suất lao động, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp... Năm 2022, tôi vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo”.

Trải qua nhiều năm đảm nhận công việc kỹ sư, tôi thấy rằng, có ước mơ rồi nhưng cần kiên trì theo đuổi ước mơ mới có thể mang đến thành công. Khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp cần tìm hiểu kỹ về nghề, xác định sở thích và năng lực của bản thân; đồng thời không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức, xây dựng các mối quan hệ xã hội… để có thể kiến tạo những thành tựu mới trong công việc.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang (phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh): Xác định đúng sở trường, theo đuổi đam mê.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã chọn học ngành điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Tại ngôi trường này, tôi đã học được nhiều kỹ năng nghề nghiệp, vững tay nghề chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi ra trường, tôi thấy mình không thực sự phù hợp với nghề y mà lại có thiên hướng kinh doanh hơn. Khi quyết định không theo nghề y, tôi và gia đình cũng tiếc nuối nhưng tôi nghĩ, nếu không phù hợp thì tương lai cũng khó phát triển. Vì thế, năm 2016, tôi quyết định đăng ký học ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang.

Năm 2019, sau khi tốt nghiệp, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về trầm hương và bắt đầu khởi nghiệp SXKD sản phẩm này. Đến năm 2021, những sản phẩm trầm hương mang tên Tâm Thiên Hương của tôi đã được bán ra thị trường. Để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tôi đã tham gia chương trình OCOP và được đánh giá đạt chất lượng 4 sao. Điều này đã giúp cho các sản phẩm Tâm Thiên Hương khẳng định thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng gần xa biết đến, tin dùng. Thành quả của trầm hương Tâm Thiên Hương chính là động lực giúp tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ kinh doanh của mình.

Nhìn lại hành trình đưa trầm hương Tâm Thiên Hương có chỗ đứng trên thị trường, tôi tin rằng, nếu dám từ bỏ cái không phù hợp để làm điều mình yêu thích, chắc chắn ta sẽ có điều mình mong muốn. Đồng thời, tôi cũng nhận ra rằng, nếu như xác định đúng sở trường, đam mê ngay từ lúc tốt nghiệp THPT thì con đường thành công của tôi chắc chắn sẽ sớm hơn.

Anh Mai Văn Quyền - chủ Gara ô tô Lương Quyền (xã Hồng Lộc, Lộc Hà): Đại học không phải là con đường duy nhất.

Đến thời điểm này, sau nhiều năm nỗ lực tôi đã sở hữu một ga ra sửa chữa ô tô. Công việc không chỉ là niềm đam mê mà còn mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định, đủ chăm lo cho gia đình.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đăng ký thi tuyển vào một trường đại học nhưng trượt vì thiếu nửa điểm. Lúc đó, tôi rất chán nản, cảm thấy mình đang đứng giữa ngã ba đường với nhiều lựa chọn: hoặc chờ năm sau thi lại, hoặc đi xuất khẩu lao động, học nghề… Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định đăng ký vào Khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô - Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim (Thái Nguyên).

Anh Mai Văn Quyền - chủ Gara ô tô.

Năm 2008, ra trường, tôi xin vào làm việc tại nhiều gara, xưởng sửa chữa ô tô ở nhiều tỉnh, thành để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Năm 2012, sau khi cảm thấy tay nghề cứng cáp, tôi trở về quê khởi nghiệp bằng cách tự mở gara riêng của mình. Công việc ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa được nhiều người biết đến nhưng tôi vẫn cố gắng. Dần dần “tiếng lành đồn xa”, ga ra của tôi trở thành địa chỉ quen thuộc của tài xế quanh vùng.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi nhận sửa chữa, xử lý khoảng 5-6 lượt xe ô tô các loại. Dù bận rộn nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi hằng ngày được làm công việc yêu thích bằng kiến thức, kỹ thuật, tay nghề của mình.

Nghĩ lại ngày xưa, tôi thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Không có nghề sang hay hèn, chỉ có nghề mình yêu thích và nỗ lực thì sẽ đạt được thành công.

Ca sỹ Trần Vân Anh (xã Cương Gián, Nghi Xuân): Thành công khi biết đặt mục tiêu ngắn cho đường dài.

Tôi là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Năm tôi 4 tuổi, bố không may qua đời, mẹ một mình vất vả nuôi 3 anh em ăn học. Tuy cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành ca sỹ. Hoàn cảnh không cho phép tôi mộng tưởng nhiều nên tôi luôn tự đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn để chinh phục. May mắn, tôi luôn nhận được sự đồng hành của mẹ. Trong những lần tôi tham gia cuộc thi The Voice Kids mùa 2017 và 2019, mẹ luôn ủng hộ và đồng hành cùng tôi. Khi tham gia cuộc thi đó, tôi cũng mơ ước đạt giải nhưng mục tiêu chính là học hỏi và tự đánh giá khả năng cũng như tiềm năng của mình, từ đó mới có thể đặt ra những mục tiêu tiếp theo.

Ca sỹ Trần Vân Anh.

Được sinh ra trên “miền đất hát” Nghi Xuân và được trời ban cho giọng hát là một niềm hạnh phúc của tôi và tôi luôn khao khát trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi cũng nhận ra điều đó là rất khó nên đã tự vạch ra một kế hoạch có nhiều bước. Đó là phải thi đỗ vào một trường nghệ thuật ở địa phương để học hỏi thêm kiến thức rồi mới tính chuyện thi vào ngôi trường mơ ước. Vạch rõ lộ trình nên năm 2021, khi đang học lớp 10 - Trường THPT Nghi Xuân, tôi đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Vinh và năm 2022 thi đỗ vào hệ trung cấp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thời điểm nhận kết quả đỗ vào học viện, tôi cảm thấy con đường mình đi thực sự rất đúng đắn. Đó cũng là khởi đầu để tôi tiếp tục nỗ lực và đạt được giải nhất cuộc thi “Tiếng hát Hà Nội” năm 2023.

Từ sự nỗ lực đi đến thành công của bản thân, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, dù bạn sinh ra ở đâu, trong môi trường nào, nếu có niềm đam mê và biết vạch ra kế hoạch, quyết tâm, nỗ lực cho lựa chọn của mình thì bạn sẽ gặt hái được kết quả xứng đáng. Về tương lai, tôi sẽ tiếp tục học lên hệ đại học ở Học viện, phấn đấu trở thành ca sỹ chuyên nghiệp và là một giảng viên thanh nhạc.

Chủ đề Hướng nghiệp dạy nghề

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói