Mạnh dạn đầu tư, sản lượng tôm nuôi đạt 5.900 tấn

(Baohatinh.vn) - Mặc dù gặp nhiều yếu tố bất lợi nhưng ngành thủy sản cùng người nuôi trồng Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư và có nhiều giải pháp khắc phục linh hoạt nên sản lượng tôm nuôi vẫn tăng.

Năm 2024, các hộ nuôi tôm ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn vì hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, giá tôm thương phẩm những tháng đầu năm xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Nhưng ngành thủy sản và các hộ nuôi trồng đã tập trung khắc phục khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất khá tốt; trong đó, đáng chú ý nhất là đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng để phát triển nuôi tôm trên cát, ao đất lót bạt, nuôi trong bể xây, bể khung sắt lót bạt, nuôi 2 - 3 giai đoạn…”

Hồ nuôi tôm đầu tư quy mô, hiện đại, đồng bộ của Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân ở xã Mai Phụ (Thạch Hà).

Trong bức tranh nuôi trồng của tỉnh, hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân (thôn Đông Vĩnh, xã Mai Phụ, Thạch Hà) được xem là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất. Từ đồng muối bỏ hoang, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để triển khai dự án giai đoạn 1 với quy mô rộng 9 ha, gồm 16 ao nuôi, 1 khu nhà ươm và hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất khép kín đồng bộ, hiện đại. Đầu năm 2024, các hồ nuôi được đưa vào vận hành và trong năm đã sản xuất được 3 vụ, cho kết quả khá khả quan, tạo việc làm cho 20 lao động.

Anh Nguyễn Trung Trực – phụ trách nuôi tôm Công ty cổ phần Thủy sản Long Vân thông tin: “Nhờ được đầu tư đồng bộ, hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng KHKT, liên doanh liên kết nên hoạt động sản xuất của chúng tôi ngày càng đi vào ổn định, hiệu quả. Đặc biệt, vụ nuôi cuối năm đạt sản lượng 60 tấn, xuất bán vào dịp thị trường khan hiếm nên có giá 250 nghìn đồng/kg, doanh thu gần 15 tỷ đồng, lợi nhuận nhiều tỷ đồng”.

Công nhân thu tôm size lớn ở hồ nuôi thâm canh, công nghệ cao của anh Trần Văn Ân.

Để đảm bảo nuôi trồng hiệu quả và an toàn, nhiều hộ dân đã tập trung cải tạo hệ thống ao hồ theo hướng đồng bộ, hiện đại. Anh Trần Văn Ân ở thị trấn Lộc Hà (huyện Thạch Hà) chia sẻ: “Tôi hiện có 5 ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Nghi Xuân và huyện Thạch Hà. Để đảm bảo sản xuất và hướng tới nuôi tôm cỡ lớn (dưới 40 con/kg), chúng tôi đã tập trung cải tạo hệ thống ao hồ theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng đảm bảo an toàn dịch bệnh và quản lý tốt nguồn con giống, thức ăn, thuốc… Vì vậy, dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, dịch bệnh nhưng năm nay tôi vẫn xuất bán được hơn 20 tấn tôm thương phẩm, loại 30 – 40 con/ kg, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng”.

Người nuôi trồng ở xã Đan Trường (Nghi Xuân) đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi tôm công nghệ cao trong nhà.

Với mục tiêu nuôi trồng đạt năng suất cao, mang về hiệu quả kinh tế tốt, bảo vệ môi trường nuôi bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng cho phát triển nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao.

Theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng làm, trên địa bàn tỉnh cũng đã duy trì và mở rộng nhiều vùng nuôi tôm chuyên canh cho hiệu quả cao như Mai Phụ (huyện Thạch Hà), Hộ Độ (TP Hà Tĩnh), Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh), Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên), Xuân Liên, Xuân Phổ, Đan Trường (Nghi Xuân)...

Các ao hồ nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến ở vùng Hà Vọoc, xã Hộ Độ (thành phố Hà Tĩnh) dọn dẹp ao nuôi trước khi xuống giống.

Ngành thủy sản và chính quyền các cấp cũng đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sản xuất và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với con giống, thức ăn, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi trồng tích cực trải bạt, vỗ bờ, lắp đặt sục khí đáy, nuôi trong nhà kín, nhà lưới, nuôi 2 - 3 giai đoạn, nuôi thâm canh theo hướng VietGAP… để nâng cao năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả sử dụng ao hồ.

Người nuôi tôm Yên Hòa (Cẩm Xuyên) bổ sung khoáng chất cho các ao tôm.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng, Chi cục Nuôi trồng Thủy Sản Hà Tĩnh khẳng định: “Ngành thủy sản đã tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành về hoạt động nuôi trồng nói chung và nuôi tôm nói riêng nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Năm 2024, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đạt 2.250 ha (100% kế hoạch); trong đó, nuôi tôm thâm canh và công nghệ cao 665 ha, hợp tác và liên kết 870 ha, bán thâm canh 450 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Vượt qua khó khăn, dịch bệnh, người nuôi trồng đã đưa về sản lượng 5.900 tấn tôm thương phẩm (đạt 100% chỉ tiêu được giao và tăng hơn 1,7% so với năm 2023), cho giá trị sản xuất khoảng 600 tỷ đồng”.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói