Trung Lương là một trong những làng nghề cổ lâu đời của Hà Tĩnh
Phường Trung Lương có 823,94 ha diện tích tự nhiên, diện tích canh tác 340 ha gồm đồi núi, trung du, đồng bằng, có vùng cằn cỗi, chua phèn nhưng cũng có những cánh đồng màu mỡ do thiên nhiên ưu đãi. Trung Lương nổi tiếng với nghề rèn đúc các vật dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Dù trải qua hơn 700 năm tồn tại nhưng nghề rèn đúc vẫn chỉ là một nghề thủ công truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí có lúc còn lao đao trước sự xâm lấn của các sản phẩm công nghiệp ồ ạt, có giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, với người dân Trung Lương xưa, nghề rèn vốn dĩ chỉ là nghề phụ, bởi vậy, lửa làng rèn vẫn được người Trung Lương duy trì.
Những năm gần đây, cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nghề truyền thống, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề rèn ở Trung Lương đã có những bước phát triển mới. Đến nay, toàn phường có 110 hộ làm nghề rèn, đúc, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm rèn, đúc đã đứng vững và chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh và nước bạn Lào. Tổng thu nhập từ nghề rèn, đúc truyền thống của Trung Lương năm 2021 đạt hơn 250 tỷ đồng.
Nghề rèn Trung Lương tiếp tục được lưu giữ và phát triển bởi những người thợ tâm huyết, năng động.
Ông Nguyễn Công Lộc - Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho hay: “Một thời nghề rèn nông cụ ở Trung Lương hắt hiu trước sự đổ bộ ồ ạt của hàng dao, kéo đến từ Trung Quốc, Thái Lan. Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, thế hệ thợ trẻ đã chịu khó học nghề, học làm sản phẩm mới. Nhiều mặt hàng ở Trung Lương đã được Bộ Khoa học - Công nghệ đánh giá cao về chất lượng, đặc biệt là phụ tùng xe đạp, các máy móc phục vụ nông nghiệp như máy cắt lúa, cắt cỏ. Đồng thời, các mặt hàng của xã ngày càng phong phú, đa dạng, tân tiến, nhất là các nông cụ lao động được đánh giá cao về chất lượng…”.
Nhiều mặt hàng ở Trung Lương đã được Bộ Khoa học - Công nghệ đánh giá cao về chất lượng và vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Một ngày đầu năm, chúng tôi đến thăm làng rèn Trung Lương. Trong con ngõ nhỏ nhà cửa san sát vẫn còn đượm không khí mùa xuân, lửa lò rèn của gia đình anh Bùi Tân vẫn đỏ. Anh Bùi Tân còn trẻ. Xem chừng chỉ mới ngoài 30 thôi nhưng đã là một người thợ giỏi nức tiếng.
Theo anh, nghề rèn vất vả lại khó nên nếu không có lòng yêu nghề sẽ không theo được. Trước đây, mọi công đoạn làm ra sản phẩm đều được thực hiện thủ công, không như bây giờ có máy móc hỗ trợ. Trải qua một thời gian mạnh dạn vay vốn xóa đói giảm nghèo, anh đã gây dựng cho mình một xưởng rèn, đúc theo mô hình công nghiệp, sản phẩm chủ yếu là hàng thô, sau đó bán lại cho các xưởng tinh chế lại.
“Trước đây, tôi đã từng đậu vào khoa chế tạo máy của một trường cao đẳng công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nhưng do hoàn cảnh mà không thể theo học được. Nếu như được đi học, tôi sẽ hiểu rõ hơn về công nghiệp chế tạo máy, dung sai lắp ghép, chi tiết máy, sức bền vật liệu, máy công cụ, công nghệ CNC… thì việc tiếp nhận công nghệ mới sẽ dễ dàng hơn” - anh Bùi Tân tâm sự.
Nói vậy nhưng với tinh thần ham học hỏi, anh Bùi Tân đã tiếp nhận và làm chủ nhiều công nghệ mới. Ví như công nghệ CNC mà anh nhắc đến sẽ giúp anh tạo ra các sản phẩm được cắt gọt rất sắc sảo và đẹp mắt… Giờ đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự hỗ trợ của các chính sách khuyến khích phát triển, làng nghề có truyền thống hơn 700 năm lịch sử đã một lần nữa được hồi sinh từng ngày.
“Khi con người ta làm chủ được ngọn lửa, ta có thể thắp sáng chúng vào mọi thời điểm” - Tân đã nói như vậy.
Nhiều thợ rèn Trung Lương đã tâm huyết tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để phát triển nghề rèn.
Chắc sẽ làm được thôi vì thợ rèn Trung Lương thời nào cũng tài hoa. Chẳng phải, trong phong trào Cần Vương, thầy trò cố Đường - một người thợ cả tài hoa của làng đã tình nguyện đem lò rèn của mình lên đại ngàn rèn đao, kiếm cho nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng. Cố Đường cùng với tướng Cao Thắng đã chế thành công súng cho nghĩa quân. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Trung Lương cũng đã rèn hàng vạn mã tấu, kiếm, dao găm, sản xuất hơn 2.000 khẩu súng kíp, hàng chục tấn lựu đạn phục vụ dân quân, bộ đội. Vậy thì hà cớ gì, bây giờ, ước mơ làm những sản phẩm tinh tế và đẹp mắt lại không thể được!