Người làm “dày thêm” tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền

(Baohatinh.vn) - Ở Khu Lưu niệm Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ông Hồ Bách Khoa được biết đến là người say mê sưu tầm, nghiên cứu những giá trị di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du.

Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du vốn chịu ảnh hưởng rất lớn từ dòng họ tài hoa Nguyễn - Tiên Điền ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Chính vì thế, ông Hồ Bách Khoa - Trưởng Ban quản lý (BQL) Di tích Nguyễn Du đã chủ trương sưu tầm, khảo cứu, biên soạn các cuốn sách về Nguyễn Du và dòng họ này.

Những bộ sách giá trị về dòng họ Nguyễn - Tiên Điền do BQL Di tích Nguyễn Du chủ trì sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật xuất bản thời gian qua.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông Hồ Bách Khoa là sự lặng lẽ. Thế nhưng, ẩn sâu trong dáng vẻ lặng lẽ ấy là cả một kho kiến thức khá đồ sộ về sử học, về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền. Những điều ông chia sẻ đã giúp tôi hiểu thêm về giá trị của di sản Truyện Kiều và sự nghiệp của Nguyễn Du.

Năm 2012, ông Hồ Bách Khoa được Sở VH-TT&DL điều động về đảm nhận Trưởng BQL Di tích Nguyễn Du. Ngoài những tư liệu tự sưu tầm, khảo cứu được, ông Hồ Bách Khoa còn kết nối với nhiều nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật trong cả nước như: Tiến sỹ Võ Vinh Quang (Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế), các nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy (Hà Tĩnh),… mời họ tham gia biên soạn 7 đầu sách với hàng nghìn trang sử liệu quý hiếm.

Ông Hồ Bách Khoa - Trưởng BQL Di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Đến nay, BQL Di tích Nguyễn Du phối hợp với các nhà xuất bản đã cho ra đời 5 cuốn: Danh gia Xứ Nghệ Đại tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (2015), Nam song Nguyễn Hành - Quan Đông Hải (2016), Minh Quyên thi tập (2017), Tiên Điền tế văn (2018), Hoa trình tiêu khiển hậu tập (2019). 2 cuốn Tuyển tập Nguyễn Khản, Nghiên cứu và dịch thuật Truyện Kiều sẽ ra mắt trong sự kiện kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du.

Trong 2 cuốn sắp phát hành, cuốn Nghiên cứu và dịch thuật Truyện Kiều là công trình do giáo sư Triệu Ngọc Lan (một giáo sư đầu ngành nổi tiếng Trung Quốc) biên soạn. Hiện nay, BQL Di tích Nguyễn Du cũng đang tiến hành kết nối với các nhà nghiên cứu dịch thuật để năm 2021 sẽ cho ra mắt cuốn sách “Thuyết Ấu chân kinh”, một tác phẩm nổi tiếng của cụ Nguyễn Quỳnh…

Giáo viên Trường THCS Hồng Tân (Lộc Hà) tham khảo sách về dòng họ Nguyễn Tiên Điền tại thư viện trường.

Ông Hồ Bách Khoa bày tỏ: “Sự nghiệp của cụ Nguyễn Du chịu ảnh hưởng rất lớn từ dòng họ Nguyễn - Tiên Điền nhưng từ trước đến nay chưa có một công trình nào thể hiện được vai trò của dòng họ này trong dòng chảy lịch sử. Bởi vậy, tôi đã kết nối với các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa… tổ chức sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu những tư liệu liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du và các danh nhân trong dòng họ.

Qua đó, góp phần làm rõ và hệ thống những giá trị mà dòng họ Nguyễn - Tiên Điền để lại; góp phần mở rộng thêm không gian nghiên cứu văn hóa Truyện Kiều và Nguyễn Du”.

Tác phẩm Nam song Nguyễn Hành - Quan Đông Hải

Dòng họ Nguyễn - Tiên Điền không những nổi tiếng về khoa bảng với 2 người từng là tể tướng của triều đình (Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản) mà còn sinh ra nhiều bậc anh tài văn chương như: Nguyễn Hành, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thiện, Nguyễn Đạm... Danh sỹ trong nước Việt bấy giờ có 5 người lỗi lạc “An Nam ngũ tuyệt” thì họ Nguyễn - Tiên Điền đã có 2 người là Nguyễn Du và Nguyễn Đạm.

Những cuốn sách mà ông Hồ Bách Khoa - trong vai trò đại diện BQL Di tích Nguyễn Du đã chủ trì, phối hợp sưu tầm, dịch thuật khảo cứu, xuất bản có giá trị rất lớn, không chỉ phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du mà còn mở mang thêm những hiểu biết mới về dòng họ của thi nhân.

Những cuốn sách về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn - Tiên Điền là nguồn sử liệu quý góp phần mở rộng không gian nghiên cứu di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Ở Khu lưu niệm Nguyễn Du, ông Hồ Bách Khoa còn được biết đến là người tích cực đào tạo, truyền cảm hứng say mê sưu tầm, nghiên cứu những giá trị di sản Truyện Kiều và Nguyễn Du cho nhân viên.

Chị Trần Thị Vinh, cán bộ BQL Di tích Nguyễn Du chia sẻ: “Tâm huyết của anh Khoa đã lan tỏa đến tất cả chúng tôi. Ai cũng ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình. Hơn nữa, chúng tôi còn được kích hoạt những năng lực mà trước đây chưa từng thể hiện. Trong hoạt động biên soạn sách, tôi cũng được tham gia biên tập. Tôi cảm thấy rất tự hào về điều đó”.

Bộ đĩa mai hạc quý hiếm liên quan đến chuyến đi sứ Trung Quốc (năm 1813) của Nguyễn Du được BQL di tích sưu tầm thời gian gần đây.

Nhà văn Đức Ban nhận xét: “Ông Hồ Bách Khoa rất mẫn cán, nghiêm túc cùng bạn bè lặng lẽ sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật khảo chứng cho xuất bản các tập sách. Đây là những di sản văn hóa có giá trị đã làm sáng tỏ thêm những đóng góp lớn lao của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền với lịch sử, văn hóa quê hương, dân tộc…”.

Ngoài công tác tổ chức xuất bản các tập sách sử liệu quý giá, thời gian gần đây, dưới sự chủ trì của ông Hồ Bách Khoa, Khu lưu niệm Nguyễn Du cũng đã dày công sưu tầm được nhiều hiện vật quý hiếm, làm dày thêm giá trị to lớn của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói