Sáng 19/6, UBND xã Thạch Long long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu. Đại diện Sở VH-TT&DL và huyện Thạch Hà cùng đông đảo người dân xã Thạch Long đã về tham dự buổi lễ.
Dòng họ Phạm Duy có nguồn gốc từ phía Bắc. Vào cuối thời Lê - Trịnh, sau khi hoàn thành cuộc chiến ở Trấn Ninh, hai cha con Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu đi về phía Nam và chọn vùng đất Đan Chế, phủ Hà Hoa định cư lập nghiệp lâu dài.
Nhà thờ Võ tướng Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà.
Phạm Hiệu sinh vào khoảng những năm 1725-1730, thuộc đời thứ 2 của dòng họ Phạm Duy. Ông lớn lên khi mâu thuẫn trong xã hội Đàng Ngoài gay gắt, hàng loạt cuộc nổi dậy chống lại triều đình gây cho Nhân dân cảnh lầm than cơ cực, xã hội rối loạn. Vì vậy, khi triều đình tuyển chọn quân lính, ông gia nhập quân đội và hơn 20 năm tham gia, dấu chân ông trải dài khắp các chiến trận từ Bắc Đạo, Hưng Hóa đến Trấn Ninh.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Thạch Hà trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho đại diện địa phương và dòng họ Phạm Duy.
Phạm Duy Triệu thuộc đời thứ 3 của dòng họ, con ông Phạm Hiệu, sinh vào khoảng năm 1750. Năm 18 tuổi, Phạm Duy Triệu gia nhập quân đội nối tiếp con đường binh nghiệp của thân phụ. Ông tham gia nhiều trận đánh dẹp phản loạn, thổ phỉ ở vùng Hưng Hóa và Sơn Nam, lập nhiều chiến công, tiêu biểu nhất là cuộc tấn công vào phủ Trấn Ninh năm 1769. Sau đó, ông được vua Lê ban sắc phong thưởng công và thăng chức Kiệt Trung Tướng Quân.
Người dân xã Thạch Long và dòng họ Phạm Duy long trọng rước bằng di tích tích sử - văn hóa.
Di tích Nhà thờ Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu có tới 7 sắc phong vua ban và 4 lệnh chỉ của Hà Tĩnh Tuần vũ quan phòng. Ngày nay, con cháu đã xây dựng, tôn tạo nhà thờ trên diện tích 114 m2 ở thôn Hội Cát, xã Thạch Long.
Người dân xã Thạch Long và dòng họ Phạm Duy rước bằng di tích tích sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu.
Năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 3287/QĐ-UBND công nhận Nhà thờ Phạm Hiệu - Phạm Duy Triệu là di tích lịch sử - văn hóa. Nhà thờ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của dòng họ từ bao đời nay.