Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.

Những ngày này, bà con nông dân thôn 2, xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân) tất bật xuống đồng gieo cấy vụ lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Thương (thôn 2) cho biết: “Nằm trong vùng khó khăn về nguồn nước nên chúng tôi càng phải chủ động sản xuất. Thời tiết đang thuận lợi nên mấy ngày nay tôi tập trung lấy nước, san ủi mặt bằng để gieo thẳng hơn 6 sào giống N24. Năm nay, quá trình làm đất được thực hiện tốt từ đợt ra quân chuyển đổi ruộng đất nên chân ruộng mềm, dễ gieo cấy hơn hẳn. Đây cũng là vụ đầu tiên bà con được sản xuất trên cánh đồng thửa lớn nên chúng tôi rất phấn khởi, kỳ vọng vào vụ xuân thắng lợi”.

Bà con nông dân bắt đầu gieo thẳng một số loại giống như N24, P6... tại các vùng sản xuất đặc thù của huyện Nghi Xuân.

Được biết, để chuẩn bị tốt cho vụ xuân 2025, xã Xuân Lĩnh đã ra quân tập trung, tích tụ ruộng đất 5/5 thôn trên địa bàn. Theo đó, đến nay, xã đã đào đắp 76 tuyến giao thông nội đồng với chiều dài 21,35 km; đắp 62 tuyến mương nội đồng với chiều dài 20,96 km…

Sau khi hoàn thành tập trung, tích tụ ruộng đất, số hộ nhận đất 1 thửa là 671/731 hộ, đạt 91,7%; số hộ dân nhận đất 2 thửa là 60/731 hộ, đạt 8,3%. Bà con nhân dân phấn khởi nhận đất, nhận ruộng, kịp thời cày ải, lựa chọn các loại giống mới để bước vào sản xuất vụ xuân năm 2025. Theo đó, lịch thời vụ của xã tập trung từ ngày 25/12/2024 - 10/1/2025 với các giống chủ yếu là N24, Nếp 98, Nếp 87, Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111…

Nông dân chủ động che mạ bằng nilon để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại.

Không chỉ Xuân Lĩnh, ở Nghi Xuân, các xã: Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Phổ… cũng nằm trong vùng sản xuất đặc thù, phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên là chính. Thời điểm này, bà con cũng đã bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.

Tại xã Xuân Hội, đến nay, cây mạ Chiêm nếp phát triển tốt, bà con nông dân đang bước vào đợt cấy tập trung. Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, vụ xuân 2025, toàn xã gieo cấy hơn 150 ha, chủ yếu là các giống Chiêm nếp, N24, N98,… chiếm khoảng 70% diện tích sản xuất. Địa phương nằm trong vùng sản xuất đặc thù nên bà con thường có tập quán chủ động bắc mạ, gieo cấy sớm.

Nông dân TDP Thanh Tiến, phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) xuống giống ở các vùng thấp trũng.

Được biết, vụ xuân 2025, huyện Nghi Xuân có khoảng 600 ha lúa thực hiện gieo cấy các giống như N24, Xi23, NX30, XT28,… tập trung ở những địa phương đặc thù, không chủ động nước tưới, khó khăn về thủy lợi như: Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Lĩnh, Xuân Phổ…. Tùy theo đặc điểm tình hình, chất đất, nguồn nước, lịch thời vụ của nhóm giống này dao động từ ngày 20/12/2024 - 10/1/2025.

Tại một số vùng ruộng sâu trũng của TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Đức Thọ, bà con nông dân cũng đã chủ động bắc mạ sớm và che phủ nilon để ứng phó với những thời điểm thời tiết cực đoan đầu vụ xuân. Chị Mai Thị Sâm (tổ dân phố Thanh Tiến, phường Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vụ xuân 2025, gia đình tôi gieo cấy 6 sào với các giống VNR20, N98, LY2099. Vì ở khu vực trũng thấp nên theo hướng dẫn, hiện nay, toàn bộ diện tích tôi tiến hành bắc mạ sớm hơn khoảng 10 ngày để ngay sau tết Nguyên đán, khoảng ngày 5/2 sẽ kịp xuống đồng cấy lúa. Toàn bộ số mạ này đều được phủ nilon nhằm đảm bảo cây non phát triển tốt khi thời tiết dự báo còn xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại”.

Bắc mạ cho máy cấy tại HTX Đồng Tiến (phường Đồng Môn, TP Hà Tĩnh).

Những ngày cận kề thời vụ xuống giống, tại các huyện trọng điểm sản xuất lúa của toàn tỉnh như Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… các công việc cuối cùng để chuẩn bị vào vụ tập trung như cày ải, dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng… đang được gấp rút hoàn thành.

Ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho biết: “Vụ xuân 2025, toàn huyện sản xuất 9.100 ha lúa với các loại giống chủ lực như: Nếp 98, VNR20, Thái Xuyên 111, Hà Phát… Hơn 3.000 ha lúa sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung đang tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo sản xuất, thời vụ xuống giống tập trung, rút ngắn thời gian, chi phí cho bà con nông dân. Thời vụ gieo cấy đồng loạt của huyện bắt đầu từ ngày 10/1 và kết thúc đầu tháng 2/2025”.

Nông dân Can Lộc đẩy nhanh tiến độ làm đất lần cuối trước khi xuống giống.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha lúa được gieo cấy vào khung lịch thời vụ trước ngày 10/1 (trước khung thời vụ chung của tỉnh), chủ yếu nằm ở giống N24, P6, X28, Xi23, XT28, IR1820..., tập trung ở các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà và một số ít ở Đức Thọ. Các loại giống này phù hợp với tập quán sản xuất và thực hiện cơ cấu vào những vùng đặc thù có địa hình sâu trũng, vùng chờ “nước trời”, không chủ động thủy lợi.

Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, ngoài các vùng đặc thù thì bà con cần bám sát lịch thời vụ chung, chú trọng khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lấy nước để bước vào đợt cao điểm gieo cấy lớn nhất của vụ xuân năm nay kéo dài từ ngày 10 - 25/1/2025 (11 - 26 tháng Chạp), tập trung hơn 90% bộ giống lúa chủ lực của tỉnh.

Vụ xuân năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu gieo cấy 59.097 ha lúa (giảm 221 ha so với vụ xuân 2024 do thu hồi đất trồng lúa để thực hiện các dự án), sản lượng đạt trên 35,5 vạn tấn, năng suất đạt trên 60,14 tạ/ha. Toàn tỉnh cơ cấu các giống đại trà gồm: Bắc Thịnh, Nếp 98, Hà Phát 3, Nếp 87, HT1, Khang Dân đột biến, Khang Dân 18, Nhị Ưu 838, TH3-5, Thái Xuyên 111, Ly2099...; một số giống tiềm năng tiếp tục mở rộng diện tích gồm: HG12, VNR10, TBR97, ĐB6, ADI28, Hương Bình, Hana167... Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống để bắc mạ trong khung thời vụ từ 10/1 - 5/2/2025. Đối với những vùng có tập quán gieo thẳng, lịch gieo thẳng theo thời vụ bắc mạ. Trong cùng một nhóm giống, giống có thời gian sinh trưởng dài hơn bố trí gieo cấy đầu khung thời vụ, giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn bố trí cuối khung thời vụ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói