Cần nâng tầm việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dòng họ Nguyễn - Tiên Điền

(Baohatinh.vn) - Dòng họ của Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã sản sinh, trao truyền được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của đất nước.

Di sản văn hóa dòng họ là loại hình di sản của một thiết chế tổ chức, một cộng đồng người đặc thù nằm trong chuỗi liên kết văn hóa Việt: cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã - vùng miền - quốc gia/dân tộc; nó bao hàm cả những giá trị vật chất và tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học do các dòng họ sản sinh và tái tạo, được lưu truyền qua các thế hệ.

Toàn cảnh Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân). Ảnh: Thành Nam

Dòng họ của Nguyễn Du đã sản sinh, trao truyền được nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu, đóng góp xứng đáng vào hệ thống di sản văn hóa của đất nước.

Đó là những danh nhân văn hóa, những thiên tài của dân tộc mà sự nghiệp sẽ còn lưu danh muôn thuở như: Đại tư đồ Tế tửu Quốc Tử giám Nguyễn Nghiễm, Đại thi hào Nguyễn Du; là những tác phẩm văn học đỉnh cao làm thay đổi hẳn diện mạo văn hóa nước nhà như Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh; là truyền thống giáo dục, học hành, gia phong, lễ nghĩa, chí lập thân, lập nghiệp cống hiến cho dòng tộc, dân tộc; là hệ thống di tích, cổ vật, bảo vật quý giá; là những bài học về tích tụ, lan truyền ảnh hưởng văn hóa trong họ tộc, làng xã, vùng miền…

Qua khảo sát một số loại hình chủ yếu của hệ thống di sản văn hóa dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, ta thấy nổi lên một số đặc điểm sau:

(1) Là một cự tộc văn hiến tiêu biểu để lại kho tàng giá trị văn hóa hết sức lớn lao, hiếm có dòng họ nào trên địa bàn Xứ Nghệ sánh được từ truyền thống khoa danh, lập thân lập nghiệp, ý thức trứ tác cho đến hệ thống đền, miếu, lăng mộ…

(2) Thời điểm thăng hoa nhất của dòng họ là từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX với sự xuất hiện của cha con Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm; giá trị văn hóa đỉnh cao là truyền thống sáng tác văn học được kết tinh ở Đại thi hào Nguyễn Du.

(3) Nếu đỉnh cao của truyền thống văn chương ở họ Nguyễn Huy - Trường Lưu là Nguyễn Huy Tự với Truyện Hoa Tiên thì với họ Nguyễn - Tiên Điền, là Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ. Cả hai người đều có thân phụ “cao khoa hiển hoạn” trong dòng họ, đó là Thám hoa - Thượng thư - Thạc Lĩnh hầu Nguyễn Huy Oánh và Hoàng giáp - Đại tư đồ - Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm.

Như vậy, để có được những thiên tài chói sáng cống hiến cho dân tộc, dòng họ cũng phải qua một quá trình dài tích lũy các điều kiện cần và đủ. Cần là truyền thống kế tiếp nhau học hành, lập thân lập nghiệp của một cự tộc, đủ là phải có một cá nhân “đột khởi” tạo thế cho hiền tài xuất hiện và thăng hoa.

Phải từ sự đột khởi của Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Nghiễm thì dòng họ và đất nước mới có được Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du và Hoa Tiên, Truyện Kiều.

Cuốn Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền được dịch, biên soan từ bản chữ Hán - Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả (ký hiệu VHv, 1852), do Nguyễn Nghiễm (1708-1776), thân phụ Nguyễn Du (1765-1820) soạn và các người sau đó kế theo là: Nguyễn Y, Nguyễn Thục cho đến đời tiến sĩ Nguyễn Mai nhà khoa bảng cuối cùng của họ Nguyễn Tiên Điền ghi chép. Ảnh Bách Khoa

Những giá trị văn hóa nổi trội của dòng họ trước nay đã được bảo tồn, phát huy trên một số lĩnh vực, chủ yếu bằng phương pháp tiếp cận đối tượng là những tác gia văn học, danh nhân văn hóa… Tuy nhiên, qua thăng trầm của lịch sử, do ý thức, nhận thức của nhiều thế hệ, một số di sản văn hóa của cự tộc này đã bị thất truyền, mai một, bảo tồn chưa đúng phương pháp, chưa tương xứng với giá trị đích thực của nó…

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy có hiệu quả hơn kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà dòng họ văn hiến này trao truyền lại, đã đến lúc cần phải có một hoạch định chiến lược tổng thể trên cơ sở xác định đối tượng là một loại hình di sản văn hóa đặc thù - di sản văn hóa dòng họ để có thái độ ứng xử và phương pháp bảo tồn đúng hướng nhất.

- Từ trước đến nay mới chỉ chú trọng đến các trước tác của Đại thi hào Nguyễn Du; cần phải tiếp tục sưu tầm, dịch thuật và công bố tác phẩm của các danh nhân trong dòng họ như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành… Dưới góc độ di sản văn hóa, cần phải tiếp tục sưu tầm trước tác của Nguyễn Du, đặc biệt là các bản Kiều cổ hiện đang nằm phân tán trong các gia đình; sưu tầm, phục dựng các hình thức diễn xướng dân gian có nguồn gốc từ Truyện Kiều như lẩy Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, trò Kiều, bói Kiều…

- Đối với công tác lập hồ sơ về di sản văn hóa, cùng với việc đã xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho quần thể di tích họ Nguyễn - Tiên Điền (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/10/2012), cần có kế hoạch nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng cho kiệt tác Truyện Kiều trên cơ sở nghiên cứu phục dựng được một bản Kiều gần nguyên tác nhất hoặc bản Kiều có sự đồng thuận cao nhất.

- Hoàn thành và tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch Khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du, Tiên Điền đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những giá trị di sản văn hoá của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền đang được nhiều thế hệ người dân Hà Tĩnh tìm hiểu, khai thác. Ảnh Thiên Vỹ

Các quy hoạch này trước hết phải căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của vùng và dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời nối kết với các quy hoạch văn hóa, du lịch hiện đang được triển khai như quy hoạch khu văn hóa - du lịch Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), quy hoạch hệ thống di tích liên quan đến phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, quy hoạch phát triển du lịch ven núi Hồng Lĩnh, dọc sông Lam…

Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch vừa phải đáp ứng được yêu cầu bảo tồn - nhất là hệ thống các cảnh quan, di tích, di vật và các yếu tố văn hóa phi vật thể hiện tồn, vừa phải đáp ứng được yêu cầu phát triển - tạo nền tảng, nguồn tài nguyên văn hóa gắn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển KT-XH của cả vùng.

Ngoài việc xác định được những nội dung, yếu tố cần được bảo tồn, phát triển, quy hoạch cần phải nghiên cứu xác định thêm các mối quan hệ mở của vùng văn hóa Nghệ Tĩnh trong tour, tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”.

Phải đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, nhất là động viên sự đóng góp bằng cả trí tuệ, tinh thần và vật chất của con em trong các địa phương, dòng họ đang ở địa phương hoặc đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của Nhân dân trong vùng, nhất là thế hệ trẻ, học sinh các trường học về việc chủ động, tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương - dòng họ mình; đồng thời, tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa gắn với tiềm năng du lịch của vùng để vừa thu hút khách tham quan, nghiên cứu, du lịch, vừa huy động thêm được nhiều nguồn lực đầu tư.

Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về những truyền thống tốt đẹp trong dòng họ như ý thức ham học, quyết chí lập thân lập nghiệp, đam mê trứ tác, giữ gìn nền nếp gia phong, tu nhân tích đức, truyền giữ di sản qua các thế hệ…

- Hầu hết các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng ở vùng Tiên Điền và các xã lân cận hiện nay đều có quy mô chưa tương xứng với ý nghĩa, giá trị đích thực và đang bị xuống cấp hoặc bị lấn chiếm. Các nhà thờ danh nhân quy mô nhỏ bé, đất đai bị thu hẹp dần. Nhiều di tích từng nổi danh cả vùng, thậm chí là cả nước một thời giờ chỉ còn là phế tích…

Hát trò Kiều đang sống dậy khá mạnh mẽ trong đời sống văn hoá của người dân Nghi Xuân. Ảnh: Sỹ Ngọ

Vì vậy, cùng với công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng quy hoạch, phải đồng thời và càng sớm càng tốt ưu tiên triển khai kế hoạch tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại một số di tích đã xuống cấp, giải quyết đất đai, địa điểm cho các di tích bị lấn chiếm trong vùng.

Nghiên cứu phục dựng lại một số lễ hội truyền thống liên quan đến dòng họ (như lễ tế tổ, lễ Vu lan rằm tháng bảy gắn với Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du…), kết hợp với xây dựng lễ hội mới về tưởng niệm danh nhân, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn.

- Đề án này sẽ có nhiều thuận lợi vì dòng họ này gắn bó với một làng xã có nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như hát ví phường vải, phường nón, ca trù, trò Kiều, thơ ca dân gian; lại có nhiều danh nhân gắn bó với các vùng văn hóa lớn như: Thăng Long, Kinh Bắc, Huế…

Riêng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, hiện đã có một Hội Kiều học và Quỹ Nguyễn Du - Truyện Kiều tập hợp những người tâm huyết, yêu thích Truyện Kiều trong và ngoài nước, rất có khả năng tạo được những hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế (Nguyễn Du với các danh nhân văn hóa thế giới khác như: thi hào Gớt, Đăng-tê, Đỗ Phủ, Puskin, Vích-to Huy-gô…).

Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm tròn 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần có một tầm nhìn mới và những hành động thiết thực để di sản văn hóa của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền và Nguyễn Du - Truyện Kiều được bảo tồn và phát huy ở một cấp độ cao hơn.

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói