Khám phá hệ thống giếng cổ mang dấu ấn văn hoá Chăm Pa ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hệ thống 12 giếng cổ vừa được phát hiện tại xã Hồng Lộc (Lộc Hà) thể hiện kỹ thuật xưa của người Chăm Pa trong việc kè đá, gạch và cách dùng đáy lót gỗ để lấy mạch nước ngầm... Đây là tư liệu quý trong việc tiếp cận nghiên cứu về lịch sử làng xã vùng đất Lộc Hà nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.

12 giếng cổ vừa được Bảo tàng Hà Tĩnh khảo sát tại xã Hồng Lộc (Lộc Hà) có 11 giếng cấu trúc hình vuông và 1 giếng cấu trúc hình tròn, phân bố tại 6 thôn. Trong đó, giếng Chợ, giếng Tây, giếng Đài ở thôn Thượng Phú; giếng Cồ, giếng Đồng Cạ, giếng Mới ở thôn Đông Thịnh; giếng Ngọt, giếng Trúc ở thôn Trung Sơn; giếng Dưới ở thôn Quan Nam; giếng Trúc, giếng Đá ở thôn Đại Lự và giếng Sen ở thôn Yến Giang.

Mang vẻ đẹp cổ xưa nhất trong chuỗi giếng cổ có cấu trúc hình vuông là giếng Chợ ở thôn Thượng Phú. Tên gọi giếng Chợ do trước đây giếng nằm cạnh chợ Lù ở xã Phù Lưu Thượng xưa (nay là xã Hồng Lộc).

Các vị cao niên ở thôn Thượng Phú chỉ biết giếng đã có từ rất lâu, không xác định được thời gian xây dựng.

Kích thước lòng giếng 145 x145 cm, thành cao 70cm, được kè bằng các loại đá, như: đá phiến, đá cuội và đá ong.

Ông Phan Đình Vị (50 tuổi, thôn Thượng Phú) sống cạnh giếng Chợ cho biết: “Khi khảo giếng để vệ sinh, tôi phát hiện lòng giếng có 8 miếng gỗ lim ghép ở 4 thành lòng giếng, mỗi mảnh dày khoảng 3 cm, rộng 40 cm và dài 1,4m, mỗi miếng đều có đục lỗ để thông mạch nước ngầm”.

Thành giếng Chợ được xây bằng đá và vôi vữa (tam hợp), các trụ đều có ghi bằng chữ Hán - Nôm nay đã mờ không thể đọc được.

Giếng Cồ (thôn Đông Thịnh) được người dân khôi phục gần đây cũng là một dạng giếng có cấu trúc hình vuông.

Ngoài lòng giếng, nền giếng Cồ cũng được ghép bởi nhiều phiến đá có kích thước lớn...

Đặc điểm chung của các giếng cổ ở Hồng Lộc là đều nằm ở gần đường cái hoặc ở rìa làng, trước đây, gần giếng có nhiều loại cây cổ thụ. Trong ảnh: Giếng Trúc ở thôn Trung Sơn nằm ở gần đường cái.

Giếng Ngọt ở thôn Trung Sơn nằm ở rìa làng.

Có cấu trúc hình tròn, giếng Sen ở thôn Yến Giang cũng được xây dựng cách đây từ rất lâu

Tương tự như dạng giếng cấu trúc hình vuông, lòng giếng Sen được ghép bằng nhiều phiến đá lớn.

Tất cả các giếng trong hệ thống giếng cổ ở Hồng Lộc trước đây đều phục vụ nhu cầu lấy nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, ngày nay, đa số các giếng đều bị bỏ hoang dẫn đến mất vệ sinh... Trong ảnh: Giếng Trúc ở thôn Trung Sơn bị người dân vô ý xả rác xuống.

Trong số 12 giếng cổ chúng tôi mới khảo sát đều có đáy lót gỗ và được kè đá, gạch là kỹ thuật xưa của người Chăm Pa. Tuy thời gian xây dựng đã lâu, qua quá trình sinh hoạt của người dân, đa phần các giếng đã được cải tạo nhưng vẫn giữ được những nét nguyên bản vốn có. Đây là những tư liệu quý giúp ích cho quá trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa làng xã ở Hà Tĩnh.

Cùng với việc mở rộng khảo sát các giếng cổ vùng lân cận trong thời gian tới, chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng lập hồ sơ xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ di sản giếng cổ ở Hồng Lộc.

Ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói