Lưu giữ những hình thức diễn xướng, góp phần bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Bên cạnh giá trị nhân văn sâu sắc, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du còn là kiệt tác thể hiện nét đẹp và sự phong phú của Tiếng Việt; các giá trị của Truyện Kiều lan tỏa sâu rộng trong đời sống của người dân Hà Tĩnh và cả nước nói chung thông qua các hình thức văn nghệ dân gian như: lẩy, ru, ví, trò Kiều...

Chiều 16/8, Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức tọa đàm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày tôn vinh Tiếng Việt (8/9/2022).

Tham dự chương trình có các nhà nghiên cứu, nhà văn thuộc Chi hội Kiều học tỉnh Nghệ An, Chi hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh, Hội VHNT Hà Tĩnh.

Toàn cảnh tọa đàm.

Với 3.254 câu thơ lục bát, Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã tạo nên một thế giới ngôn ngữ Tiếng Việt độc đáo, phong phú, giàu giá trị biểu đạt. Với Truyện Kiều, thế giới biết về một nước Việt nhân văn, một ngôn ngữ giàu sắc điệu, có thể diễn tả hết mọi cung bậc tình người và khả năng thu nhận, thuần hóa các thứ tiếng khác để tự làm giàu cho mình.

Chính vì điều đó, từ xưa đến nay, Truyện Kiều đã đi vào đời sống của Nhân dân qua nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như: ru Kiều, ví, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều...

Ông Hà Quảng - nguyên Trưởng ban Lý luận phê bình Hội VHNT Hà Tĩnh trình bày ý kiến về bảo tồn diễn xướng từ góc độ lý luận phê bình.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Cương: Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đưa các hình thức diễn xướng Kiều vào không gian mở ở Bảo tàng Hoa Cương.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà văn... đã có 15 ý kiến tập trung nêu cao những giá trị Tiếng Việt trong các câu thơ của Truyện Kiều; giá trị của việc bảo tồn các hình thức diễn xướng dân gian như: các làn điệu ru, ví, lẩy Kiều, diễn trò Kiều và các biện pháp để bảo tồn các hình thức diễn xướng này trong thời gian tới... Tất cả các ý kiến đều thể hiện trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Đại diện Chi hội Kiều học Nghệ An tặng Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh một số ấn phẩm liên quan đến Truyện Kiều.

Tối nay (16/8), tại Khu du lịch sinh thái Green (TP Hà Tĩnh), Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tổ chức chương trình văn nghệ biểu diễn những làn điệu lẩy, ví, ru, trò Kiều.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói