Xuôi miền Cổ Đạm...

(Baohatinh.vn) - Cuối năm, khi nắng đã dịu màu trong lớp sương huyền hoặc, tôi trở lại Nghi Xuân (Hà Tĩnh), xuôi về miền đất hát Cổ Đạm… Vẫn là những con đường yên ả với những ngôi nhà bình dị dưới chân núi Hồng Lĩnh, ấy thế mà các đào nương một thời đã thành người thiên cổ… Có chăng, chỉ còn lại dư âm tiếng hát, tiếng đàn trong lớp những nghệ nhân trẻ và những người yêu mến lối hát của cổ nhân mà thôi…

Xuôi miền Cổ Đạm...

Cổ Đạm - mạch nguồn nuôi dưỡng niềm đam mê ca trù. Ảnh: Huy Tùng

Có nhiều cách để lý giải sự hình thành văn hóa của một vùng đất, đối với người Cổ Đạm thì dãy núi mang dáng dấp cây đàn đáy trước mặt ngôi làng chính là mối lương duyên khiến Cổ Đạm trở thành đất tổ của ca trù. Lối hát này xuất hiện ở Cổ Đạm từ thời Triệu Đà, thời Lý, Trần và hưng thịnh nhất là giai đoạn hậu Lê bước sang vương triều nhà Nguyễn. Tích xưa truyền lại, dưới chân núi Hồng Lĩnh có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với cây đàn, tiếng hát.

Cảm mến cái tài và niềm đam mê của chàng, hai vị tiên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài đã ban cho chàng một mẩu gỗ ngô đồng cùng bản vẽ cây đàn trong một lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống. Đinh Lễ đã tin và đẽo mảnh gỗ thành cây đàn như hình vẽ, gọi là đàn đáy. Tiếng đàn khi cất lên, chim, cá cũng ngơ ngẩn lắng nghe.

Xuôi miền Cổ Đạm...

Với nghệ nhân dân gian Trần Văn Đài, cây đàn đáy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Ảnh: Huy Tùng

Với cây đàn đáy, Đinh Lễ đi khắp nơi dạy cho nhân gian những điệu hát làm say đắm lòng người mà ngày nay vẫn gọi là ca trù. Có lần, chàng đến châu Thường Xuân (Thanh Hóa) đàn hát, tiếng đàn của chàng đã khiến Bạch Hoa - con gái viên quan châu Bạch Đình Sa, từ chỗ bị câm đã cất tiếng nói. Cho là duyên kỳ ngộ, Bạch Đình Sa tác hợp cho hai người nên đôi lứa. Đinh Lễ đưa Bạch Hoa về Cổ Đạm dạy đàn hát cho trai gái trong vùng. Từ đó, đất này thịnh hành lối hát gọi là ca trù.

Sau Đinh Lễ được tiên ông đưa về trời, hóa thành con chim xanh, Bạch Hoa cũng đổ bệnh mà mất, biến thành cây đào đỏ. Vì thế, Đinh Lễ được phong là Thanh Xà đại vương, Bạch Hoa được phong là Mãn Đào Hoa công chúa. Dân Cổ Đạm lập đền Xứ để thờ và phong 2 vợ chồng làm tổ sư của ca trù.

Xuôi miền Cổ Đạm...

Du khách tìm hiểu về những đóng góp của Nguyễn Công Trứ đối với nghệ thuật ca trù. Ảnh: Huy Tùng

Vào thế kỷ XVII, ca trù rất thịnh hành và đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh đó, Cổ Đạm đã hình thành giáo phường và trở thành trung tâm ca trù của 4 phủ, 12 huyện Nghệ An và Hà Tĩnh. Giáo phường Cổ Đạm vốn rất giỏi soạn lời, biểu diễn và được ca ngợi là “Giáo phường ty đệ nhất/ Tiếng tài hoa từ cái thuở con con”. Các thế hệ ca nương của giáo phường thường xuyên được các vị vua triều Nguyễn vời vào cung đàn hát, như bà Tuyết Ngọc, bà Khang, cố Mơn, cố Nga, cố Gia, cố Bình...

Xuôi miền Cổ Đạm...

Bài hát nói "Làm cho tỏ mặt nam nhi" của Nguyễn Công Trứ được các nghệ nhân, diễn viên trẻ làng Cổ Đạm biểu diễn tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2018. Ảnh: Giang Nam

Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây, ca trù luôn được xem là tài sản tinh thần vô giá, trong làng ai cũng biết hát, biết nghe ca trù. Thậm chí, ca trù được coi trọng đến mức trở thành tiêu chí để đánh giá chuẩn mực của một cô gái, là của hồi môn quý giá khi về nhà chồng. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, ca trù chìm lắng dần. Cảnh nhộn nhịp ở đền Xứ trong những ngày mở hội ca trù, tế tổ đào nương chỉ còn là chuyện kể, thay vào đó là cảnh hoang phế không người lại qua.

Dẫn chúng tôi đến đền Xứ là Nghệ nhân dân gian Trần Văn Đài. Bãi đất trống bị bỏ hoang phế năm xưa giờ đang được UBND huyện Nghi Xuân đầu tư xây dựng lại. Nghệ nhân dân gian Trần Văn Đài cho biết: “Năm 1998, sau hội thảo ca trù của các tỉnh nắm giữ di sản này tại Hà Tĩnh, ca trù Cổ Đạm đã bắt đầu được hồi sinh. Tròn 20 năm kể từ ngày cơm đùm, cơm nắm theo các cố nghệ nhân trong làng đi học đàn, học hát, tôi vẫn luôn mong mỏi có một sân khấu riêng cho ca trù ở Cổ Đạm. Hy vọng việc khôi phục đền Xứ sẽ sớm hoàn thành để CLB Ca trù Cổ Đạm có chỗ biểu diễn và truyền dạy cho các thế hệ trẻ”.

Xuôi miền Cổ Đạm...

Nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền Xứ ở Cổ Đạm được khôi phục và nay mai sẽ trở thành nơi sinh hoạt chính của CLB Ca trù Cổ Đạm. Ảnh: Huy Tùng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng mạch văn hóa dân gian vẫn âm thầm chảy trong những mạch đất của làng Cổ Đạm. Lối hát ca trù giòn sắc, ít luyến láy đặc trưng của Cổ Đạm vẫn được các nghệ nhân âm thầm gìn giữ.

Mùa xuân đang trở lại trên cánh đồng lúa mênh mông, trên xanh thẫm hàng dương... Mùa xuân cũng đang trở về trong lòng người Cổ Đạm, trong tiếng hát, tiếng đàn, trong nhịp sênh phách trong những ngôi nhà lặng lẽ dưới chân Ngàn Hống… Hẳn rằng, ca trù Cổ Đạm đã và sẽ tiếp tục gieo nhịp bồng bềnh, liêu trai trong đời sống hiện đại…

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN CÔNG TRỨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast