Câu lạc bộ dân ca ví, giặm “đặc biệt” giữa lòng thành phố Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những ngày cuối năm này, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến giữa phố phường TP Hà Tĩnh hiện đại lại hiện lên một không gian ví, giặm Nghệ Tĩnh đậm đà bản sắc truyền thống.

Video: Trích đoạn tiết mục "Thập ân phụ mẫu" do CLB Góc phố biểu diễn.

“Góc phố” là tên gọi của câu lạc bộ (CLB) do các anh chị, những người chung niềm đam mê với ví, giặm và trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lập nên. Lời ca tiếng nhạc cất lên dưới khóm tre ngà khiến người dân thành phố ngỡ như đang sống lại với không gian diễn xướng thuở xa xưa.

12 thành viên CLB này thật đặc biệt khi có người là cán bộ công an, quân đội, nhà giáo nghỉ hưu; người là doanh nhân, lao động tự do được tập hợp lại dưới sự dìu dắt, chỉ dẫn của chị Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh.

Có người là nghệ nhân, từng lên sân khấu trong các hội thi, hội diễn như các anh chị: Kiều Thanh, Hoài Thanh, Quang Hòa, Hoàng Lan, Đức Đồng; có người từng làm chủ nhiệm CLB tại các phường, xã như chị Hồng Hà, anh Duy Tám; lại có người mới lần đầu làm quen với cách hát và cách biểu diễn như chị Kim Phú, Kim Liên, Kim Thanh…

CLB dân ca ví, giặm Góc phố biểu diễn ghi hình cho chương trình văn nghệ của Đài phát thanh truyền hình Hà Tĩnh tại Văn Miếu (TP Hà Tĩnh) dịp giữa tháng 12/2021.

Đặc biệt, CLB đã thu hút được 3 cháu nhỏ cùng tham gia biểu diễn. Người trước hướng dẫn người sau, các thành viên hăng say tập luyện đêm ngày. Các anh chị Ngọc Thuần, Kiều Thanh, Như Nguyệt, Hoàng Lan còn tham gia soạn lời, biên đạo múa cho một số tiết mục.

Anh Nguyễn Đức Đồng - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Góc phố cho biết: “Sau quá trình tập luyện, ngày 15/10/2021, CLB đã làm lễ ra mắt, phổ biến quy chế hoạt động. Nội dung các tiết mục dân ca ví, giặm tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, phòng chống dịch COVID-19, sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm lời cổ và lời mới. Chúng tôi đã gặp nhau ở tinh thần tự nguyện và lòng đam mê. Điều đặc biệt là CLB đã tự túc toàn bộ kinh phí, từ âm thanh, trang phục, nhạc cụ và các chuyến đi biểu diễn, quay phim, chụp hình tại các danh lam thắng cảnh trong tỉnh”.

CLB dân ca ví, giặm Góc phố biểu diễn tiết mục “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru” (xẩm Nghệ, lời: Nguyễn An Ninh).

Sau một thời gian luyện tập, CLB đã thuần thục các làn điệu dân ca ví, giặm với 6 tiết mục chính: “Mời trầu” (giặm Đức Sơn), “Thập ân phụ mẫu” (hát xẩm), “Ra quân diệt COVID-19” (Tổ khúc dân ca ví, giặm, lời: Quốc Minh), “Dâng Người câu ví Thành Sen” (Làn điệu ví, giặm, lời: Vi Phong), “Cõi bờ trong tiếng mẹ ru” (xẩm Nghệ, lời: Nguyễn An Ninh), “Linh ca” (Tổ khúc dân ca ví, giặm, lời: Hoàng Vinh).

Để có thể hiểu hơn về ngọn nguồn âm nhạc, phương thức diễn xướng, một số thành viên của CLB đã tham gia lớp học ngắn hạn bộ môn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du. Nhằm phục dựng không gian diễn xướng, không giống như các CLB khác trong tỉnh đi thuê trang phục, CLB Góc phố đã may trang phục phù hợp với từng bài hát và tìm chọn không gian diễn xướng ở các địa chỉ văn hóa du lịch trong tỉnh. Mỗi lần di chuyển, tuy thành viên ít nhưng cùng với trang phục, loa máy, đoàn xe của họ không khác mấy với “văn công chuyên nghiệp” như lời nhận xét của nhiều người dân.

Bên cạnh sáng tác, biểu diễn, các nghệ nhân CLB dân ca, ví giặm Góc Phố còn truyền tình yêu di sản văn hóa cha ông cho thế hệ trẻ.

Anh Nguyễn Duy Tám - một thành viên của CLB từng có thời gian trong quân ngũ, khi ra quân làm đủ nghề kiếm sống, trong đó có lái xe taxi. Bận rộn việc mưu sinh nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian cùng CLB tham gia các chuyến trải nghiệm phục dựng không gian ví, giặm. Anh Tám tâm sự: “Mình đến đây cũng vì đam mê ví, giặm. Sinh hoạt CLB, mình học hỏi được nhiều, cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. Vừa thỏa mãn đam mê nhưng mình cũng góp được một phần nhỏ bảo tồn di sản của nhân loại”.

Là người cố vấn, chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động cho CLB và đồng thời cũng là thành viên CLB, chị Phan Thư Hiền chia sẻ: “Mong muốn của tôi là thành lập được 1 CLB nghệ nhân, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị còn để tập trung khôi phục vốn cổ. Chúng tôi đang tiếp tục tập các bài ví, giặm làn điệu cổ như: “Ô lục soạn”, “Ví trèo non”, “Cõng chồng xem hội” và hướng tới xã hội hóa hoàn toàn: tự biên, tự diễn, tự may trang phục, sắm đạo cụ…

Các nghệ nhân tuy cao tuổi nhưng chung niềm đam mê và có ý thức trách nhiệm trao truyền di sản. Chúng tôi phấn đấu 100% nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân dân gian và thu hút thêm các thành viên trẻ tuổi. Khi có sự kiện sẽ quảng bá phục vụ khán thính giả”.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói