Tập trung xử lý vướng mắc, tạo thuận lợi thi công các dự án, công trình trọng điểm

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung cao cho các phần việc, nhất là đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT.

Sáng 14/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì họp phiên thứ 12 của Ban Chỉ đạo.

Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP News
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP News

Tại phiên họp lần thứ 11 của Ban Chỉ đạo ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ đã giao 47 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 11 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu; 22 nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành thường xuyên, liên tục; 14 nhiệm vụ chưa đến hạn.

cao-toc-1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Về công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, TP Hồ Chí Minh đã rà soát, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài; Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Phước đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành và đã giải trình các ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội để Quốc hội thông qua trong tháng 6/2024.

Các tỉnh và Bộ GTVT đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, Ninh Bình - Hải Phòng, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú.

cao-toc-3.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và đoàn công tác tặng quà động viên nhà thầu, công nhân thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn tỉnh vào ngày 11/6.

Với công tác thực hiện đầu tư, các địa phương đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực triển khai để bàn giao mặt bằng thi công. Tuy nhiên, diện tích còn lại là phần đất ở nên việc triển khai còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt tiến độ đề ra.

Các chủ đầu tư, các đơn vị thuộc EVN đã nỗ lực triển khai di dời đường điện cao thế nhưng tiến độ triển khai tại một số dự án còn chậm, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Các dự án khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thi công. Các dự án khu vực phía Nam, Bộ GTVT đã báo cáo phương án tổng thể nhu cầu vật liệu san lấp và dự kiến phương án điều phối.

Dù các bộ, ngành Trung ương, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu đã có nhiều nỗ lực nhưng tại một số địa phương, khối lượng cần giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn lớn, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu; các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn chưa được tháo gỡ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

cao-toc-4.jpg
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua Hà Tĩnh đang được đẩy nhanh thi công.

Từ nay đến cuối năm, khi mùa mưa bắt đầu, thời tiết được dự báo có nhiều bất lợi nên để triển khai các dự án đúng kế hoạch đề ra, các bộ, ngành, địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dứt điểm công tác GPMB dự án. Các địa phương có mỏ VLXD chủ động nghiên cứu, rà soát các thủ tục pháp lý liên quan để đẩy nhanh thủ tục khai thác, đáp ứng tiến độ thi công.

Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực để thi công, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đáp ứng kế hoạch đề ra; với các dự án chậm tiến độ cần chỉ đạo các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, mũi thi công để triển khai thi công bù tiến độ…

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Hà Tĩnh dài 102,38 km, gồm 3 dự án thành phần là Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Cùng đó, xây dựng 3 tuyến đường song hành, kết nối cao tốc (đường Ngô Quyền – đường tỉnh 550, đường song hành cao tốc nối đường tỉnh 550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1) với chiều dài 12,18 km.

Hà Tĩnh cần thu hồi 912 ha đất các loại với gần 9.500 hộ dân bị ảnh hưởng, cất bốc hơn 1.000 mồ mả, xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang, di dời nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác. Đến nay, tỉnh đã bàn giao mặt bằng đạt 99,91%; hoàn thành xây dựng 26 khu tái định cư, 4 nghĩa trang; giải ngân kinh phí GPMB tới nay là 2.627,53/2.777,18 tỷ đồng (đạt 94,61%). Tỉnh cũng chấp thuận bản xác nhận, cấp quyền khai thác 13 mỏ VLXD và đã khai thác 13/13 mỏ.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thành phần diện tích cần GPMB còn lại, di dời hạ tầng lưới điện, sớm bàn giao 100% cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; các chủ đầu tư, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân, người lao động nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, làm việc cả thứ 7, chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

cao-toc-0.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận phiên họp. Ảnh: VGP.

Nhắc lại mục tiêu Đại hội XIII của Đảng là đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công cần tiếp tục phát huy, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới với phương châm làm việc gì dứt điểm việc đó, xây dựng kế hoạch triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có thời hạn cụ thể cho từng công việc.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương tập trung cao cho các phần việc, nhất là đảm bảo nguồn VLXD, công tác GPMB - khâu quan trọng nhất, quyết định đến phần lớn đường “găng” tiến độ của các dự án, công trình.

Các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tính toán lại tiến độ để bảo đảm hoàn thành các dự án đúng kế hoạch, cố gắng vượt tiến độ đề ra từ 3 đến 6 tháng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân sinh.

Các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; sớm hoàn thành báo cáo thẩm định các dự án sắp khởi công; triển khai đúng quy trình việc phân bổ, bố trí vốn cho các dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Chủ đề GPMB cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.
Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Tăng tốc thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Chỉ còn hơn 6 tháng trước mốc thời gian hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh nên thời gian này, các chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.